Làm rõ cơ sở đổi tên Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước

Thứ sáu, 18/08/2023 20:58
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phải phân tích rõ cơ sở, ưu, nhược điểm của từng phương án tên gọi của Luật (giữ nguyên Luật Căn cước công dân (sửa đổi) hay đổi tên thành Luật Căn cước) để xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách và các cấp có thẩm quyền.

Chiều 18/8, tiếp tục Phiên họp thứ 25, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

Tại phiên họp, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) của Quốc hội nêu rõ, Thường trực UBQPAN nhất trí với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân năm 2014 để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện yêu cầu nhiệm vụ đặt ra hiện nay.

Về tên gọi, Trung tướng Lê Tấn Tới cho biết các ĐBQH có 2 loại ý kiến về vấn đề này. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng việc đổi tên Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành Luật Căn cước là cần thiết. Theo đó, người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận. Trong số này có những người có trình độ cao muốn cống hiến cho đất nước nhưng vướng về giấy tờ tùy thân, số còn lại phần lớn là những người yếu thế, dễ bị tổn thương; qua nhiều thế hệ không được cấp giấy tờ tùy thân và gặp khó khăn trong việc thực hiện các quyền cơ bản của con người.

Thực tiễn hiện nay, các cơ quan quản lý không có giấy tờ, dữ liệu quản lý đối tượng này nên gặp khó khăn trong quản lý, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự và dễ bị một số tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng vấn đề về nhân quyền để gây rối, gây mất trật tự an toàn xã hội, chống phá chính quyền.

Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: TL. 

Loại ý kiến thứ hai cho rằng quy định việc quản lý và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam như Chính phủ trình là cần thiết, tuy nhiên đối tượng này chiếm tỉ lệ rất nhỏ (khoảng hơn 31.000 người), không phải là đối tượng áp dụng chủ yếu trong Luật; việc sử dụng tên gọi căn cước công dân vẫn phù hợp đối với người đang chấp hành hình phạt tù vì họ vẫn là công dân và chỉ bị hạn chế một số quyền công dân, nên việc đổi tên luật thành Luật Căn cước là chưa phù hợp.

“Thường trực UBQPAN và Ban soạn thảo nhất trí với loại ý kiến thứ nhất và thấy rằng, việc đổi tên luật thành Luật Căn cước sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch và căn cước điện tử, phù hợp với các chính sách dự kiến đề xuất bổ sung khi lập hồ sơ đề nghị xây dựng luật. Do đó, đề nghị UBTVQH cho đổi tên gọi là Luật Căn cước như Chính phủ trình” - Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội nêu rõ.

Theo Chủ nhiệm Lê Tấn Tới, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước thì thông tin trên thẻ và thông tin được tích hợp vào thẻ không chỉ đơn thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây. Do đó, việc đổi tên thẻ sẽ bảo đảm tính bao quát hơn; đồng thời, việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước sẽ không tác động đến chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội và cũng không ảnh hưởng lớn đến các giao dịch và tâm lý người dân.

Đối với người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, UBQPAN cho rằng, dự thảo Luật Căn cước bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng này và quy định cấp Giấy chứng nhận căn cước cho họ là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và không trái với quy định của pháp luật hiện hành.

Về tên gọi của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng hai loại ý kiến về tên gọi dự án Luật đều có lý do hợp lý, thuyết phục. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần thiết kế các quy định về người gốc Việt Nam trong dự thảo Luật này bảo đảm đáp ứng các mục tiêu đặt ra; hài hòa với tên gọi của luật. Vấn đề này cần tiếp tục đưa ra xin ý kiến các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Hội nghị sắp tới.

Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh nhận định, đưa người gốc Việt vào quản lý trong luật này là rất cần thiết: “Đây là vấn đề có tính lịch sử, đã tồn tại lâu nay ở nước ta, do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến lịch sử, chiến tranh, di cư, họ là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận”,

Do vấn đề tên gọi của dự án Luật còn hai loại ý kiến khác nhau, phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công an cần làm rõ ưu điểm, nhược điểm của hai phương án thay đổi hoặc không thay đổi tên gọi của dự án Luật. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dù chọn phương án tên gọi nào về thì cũng đảm bảo việc cấp thẻ cho người gốc Việt chưa có quốc tịch./.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực