Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật

Thứ năm, 20/07/2023 21:16
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, cần tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, chủ động thực hiện các nhiệm vụ trong công tác xây dựng pháp luật đảm bảo đúng thời hạn, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác này.

Ngày 20/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2023 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu.

Hội nghị do đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì và có sự tham dự của các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khánh Ngọc, Mai Lương Khôi, Nguyễn Thanh Tịnh.

Các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành đạt được nhiều kết quả tích cực

Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn ngành Tư pháp đã quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác, bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, thi hành án, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bồi thường nhà nước, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý... phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TH. 

Đặc biệt, trong 06 tháng đầu năm, Bộ, ngành Tư pháp đã tập trung nguồn lực, nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ về rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung VBQPPL triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Công tác PBGDPL tiếp tục được Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Công tác hành chính tư pháp được Bộ, ngành Tư pháp chú trọng thực hiện, giải quyết kịp thời các nhu cầu của người dân, bám sát các quy định trong VBQPPL và nhiệm vụ giao.

Trong lĩnh vực thi hành án dân sự (THADS), hệ thống thi hành án đã thi hành xong 382.058 việc, đạt tỉ lệ 66,53% và trên 70 nghìn tỷ, đạt tỉ lệ 32,45%.

Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2023, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn chậm; vẫn còn tình trạng điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; có dự án luật chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tiến độ; còn xảy ra vi phạm trong hoạt động luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ các kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục và tổ chức thi hành pháp luật; đánh giá công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật ở cơ quan/đơn vị/địa phương; THADS… Trên cơ sở đó kiến nghị nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tư pháp trong 6 tháng cuối năm 2023.

 Phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng pháp luật

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp cả nước trong bối cảnh 6 tháng đầu năm 2023 có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra.

Bộ trưởng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quy trình xây dựng pháp luật; công tác quản lý nhà nước tại một số đơn vị, địa phương do thiếu kiểm tra, giám sát nên đã để xảy ra vi phạm; vẫn còn một số trường hợp vi phạm chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực THADS, lượng án chuyển kỳ sau còn nhiều; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số còn lúng túng; …

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: TH.

Đồng tình với các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong dự thảo báo cáo, Bộ trưởng yêu cầu từ nay đến cuối năm, Bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành VBQPPL. Tăng cường hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, chủ động thực hiện các nhiệm vụ trong công tác xây dựng pháp luật đảm bảo đúng thời hạn, phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác này.

Bên cạnh đó, Tư pháp địa phương cần tham gia tích cực hơn nữa trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là đối với các dự luật mà Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo, ban hành. Mỗi dự luật cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật, do đó cần sự phối hợp chặt chẽ với pháp chế các Bộ, ngành.

Cùng với đó, tăng cường công tác tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền. Quan tâm hơn nữa tới công tác thu hồi tài sản nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tiếp tục chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong toàn hệ thống THADS.

Đối với Đề án 06, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan cần tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với nhau để triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 09/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp Phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. 

Bộ trưởng lưu ý, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp địa phương phải nêu cao tính gương mẫu đi đầu, không đùn đẩy, né tránh, dám đương đầu và có bản lĩnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị./.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực