Thống nhất tăng thuế 4 nhóm tài nguyên

Thứ năm, 10/12/2015 15:21
(ĐCSVN) - Chính phủ đề nghị điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với nhóm khoáng sản kim loại, nhóm khoáng sản không kim loại, nhóm sản phẩm của rừng tự nhiên, nhóm nước thiên nhiên.

Sáng 10/12, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên và Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với tổ chức thuế, tổ chức hải quan giai đoạn 2016-2020.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp (Ảnh: KT)

Tăng thuế 4 nhóm tài nguyên

Theo Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành biểu thuế suất thuế tài nguyên, Chính phủ trình UBTVQH đề nghị giữ mức thuế suất đối với nhóm hải sản tự nhiên, nhóm yến sào thiên nhiên, nhóm dầu thô và khí thiên nhiên, khí than, nhóm dầu thô như hiện hành. Đề nghị điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên đối với nhóm khoáng sản kim loại, nhóm khoáng sản không kim loại, nhóm sản phẩm của rừng tự nhiên, nhóm nước thiên nhiên. Trong đó, khoáng sản kim loại và không kim loại có mức tăng thấp nhất là 2%, cao nhất 6%.

Riêng đối với nhóm sản phẩm của rừng tự nhiên, để thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, khuyến khích chủ rừng tích cực tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên, Chính phủ đề nghị, giảm mức thuế suất đối với gỗ rừng tự nhiên như sau: Gỗ nhóm I: từ 35% xuống 30%; Gỗ nhóm II: từ 30% xuống 25%; Gỗ nhóm III, IV: từ 20% xuống 18%; Gỗ nhóm V, VI, VII, VIII và các loại gỗ khác: từ 15% xuống 12%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, với việc điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên như trên, với sản lượng, giá tính thuế như năm 2014, số thu thuế tài nguyên tăng khoảng 3.177,8 tỷ đồng so với số thu năm 2014.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 ngày 16/12/2013 của UBTVQH về việc ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.

Về biểu thuế suất thuế tài nguyên, các ý kiến đồng tình với nhiều đề nghị của Chính phủ, riêng đề nghị giảm thuế nhóm sản phẩm của rừng tự nhiên không nhận được sự đồng tình của nhiều thành viên UBTVQH.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho hay, khi tranh luận về đề xuất giảm mức thuế suất đối với gỗ rừng tự nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị giữ nguyên mức thuế suất như hiện hành, vì hiện nay các sản phẩm gỗ nhóm I, II... đều là các loại gỗ quý hiếm, chỉ có ở rừng tự nhiên. Việc giảm thuế suất đối với sản phẩm gỗ rừng tự nhiên vô tình khuyến khích việc khai thác, chặt phá rừng, tạo hiệu ứng không tốt đến người dân. Đồng thời, với mức giảm thuế tài nguyên theo báo cáo của Chính phủ là không lớn (6,9 tỷ đồng).

Ông cũng nhấn mạnh: Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị chỉ nói là “nghiên cứu” tức là có thể giảm hoặc giữ nguyên. “Bộ Chính trị cho chúng ta nghiên cứu nên khi nghiên cứu chưa kỹ thì đề nghị giữ nguyên” – ông Phùng Quốc Hiển nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị, phải phân loại các sản phẩm của rừng tự nhiên và không giảm mức thuế với nhóm gỗ I, II.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đồng tình với việc giữ nguyên mức thuế đối với gỗ nhóm I, II song đề nghị giảm mức thuế cho các nhóm từ IV trở đi bởi các sản phẩm này đa phần do người dân cạnh rừng khai thác.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu thì lưu ý cần tăng cường tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của việc tăng thuế đối với một số nhóm tài nguyên.

Điều hành phiên họp sáng nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kết luận: Đa số ý kiến UBTVQH thống nhất với các đề xuất của Chính phủ. Riêng đối với nhóm sản phẩm của rừng tự nhiên UBTVQH đề nghị, giữ nguyên mức thuế với nhóm I, II, III và có thể giảm từ nhóm IV. Về thời điểm áp dụng, để bảo đảm tính thống nhất, công bằng, minh bạch, UBTVQH đề nghị, áp dụng đối với tất cả các nhóm tài nguyên, khoáng sản từ ngày 01/7/2016.

Tăng cường hiện đại hóa ngành thuế và hải quan

Cũng trong sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với tổ chức thuế, tổ chức hải quan giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình UBTVQH phương án quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục thuế, Tổng cục hải quan giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, về biên chế, Chính phủ đề nghị, tiếp tục duy trì biên chế từ năm 2016 trở đi theo chỉ tiêu biên chế được cấp thẩm quyền giao tại thời điểm tháng 3/2015.

Về nguồn kinh phí, Chính phủ đề nghị, kinh phí bảo đảm hoạt động của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan (bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, hiện đại hóa ngành) được ổn định là 1,8% và 2,1% trên dự toán thu NSNN hàng năm.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị, kinh phí đảm bảo hoạt động cho Tổng cục thuế là 1,7% trên dự toán thu NSNN hàng năm do Quốc hội, Chính phủ giao cho Tổng cục thuế thực hiện trên cơ sở xác định tổng số thu trong giai đoạn 2016-2020 của ngành thuế là 4.610,560 nghìn tỷ đồng.

Kinh phí đảm bảo hoạt động cho Tổng cục Hải quan là 2% trên dự toán thu NSNN do Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành hải quan thực hiện, trên cơ sở xác định tổng số thu trong giai đoạn 2016-2020 của ngành hải quan là 1.448,400 nghìn tỷ đồng.

Trên cơ sở số thu ngân sách của ngành thuế và hải quan nêu trên, Chính phủ rà soát sắp xếp các khoản chi hợp lý đảm bảo theo tỷ lệ % chi theo từng lĩnh vực như Tờ trình của Chính phủ, theo đó chi đầu tư XDCB tối thiểu 10%, chi mua sắm trang thiết bị hiện đại hóa ngành tối thiếu 25% và chi thường xuyên tối đa 65% tổng số kinh phí được giao cho ngành thuế và hải quan.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế đối với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan giai đoạn 2011-2015. Về phương án quản lý giai đoạn tới, bà đề nghị khống chế mức chi cho con người, tăng cường chi mua sắm trang thiết bị hiện đại hóa ngành.

Thống nhất với các đề nghị của Chính phủ, song Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị, nhấn mạnh nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc gia của ngành hải quan.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, tổ chức, biên chế của hải quan phải phụ thuộc vào tình hình thực tế, gắn với sự phát triển của đất nước. “Tới đây, sẽ có một loạt cảng biển, sân bay được mở ra và bắt buộc lực lượng hải quan phải có mặt tại đây. Mặc dù chúng ta thực hiện trên tinh thần tinh giản biên chế nhưng trong lĩnh vực này phải cân nhắc thật kỹ” – ông phát biểu.

Về tỷ lệ phân chia, ông đồng tình với đề nghị của Chính phủ và nhấn mạnh đến năm 2020 phải hoàn thành việc xây dựng cơ bản, đầu tư trang thiết bị cho hai ngành này.

Đồng tình với đề nghị của Chính phủ, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, cần thực hiện đúng cơ chế chi tiền lương, tiền công đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bình quân của ngành thuế, hải quan không vượt quá 1,8 lần và chi bổ sung thu nhập từ tiết kiệm chi thường xuyên không được vượt quá 0,2 lần so với tiền lương của cán bộ công chức nhà nước theo các quy định của pháp luật hiện hành. “Nếu dư được bao nhiêu thì phải dành để đầu tư hiện đại ngành” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực