Bước đột phá trong cải cách tư pháp
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành Thông tư liên tịch, đồng thời chủ động ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện việc xét xử trực tuyến, tổ chức Hội nghị triển khai thi hành Nghị quyết với sự tham gia của toàn thể Thẩm phán, Thư ký, Thẩm tra viên Tòa án nhân dân các cấp. Tính đến nay, có tổng cộng 622 Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến; giải quyết 3.614 vụ án, trong đó hình sự 2.988 vụ, dân sự 234 vụ, hành chính 245 vụ, áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án 147 vụ, tạo được hiệu ứng dư luận xã hội rất tốt, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến phức tạp.
|
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 về tổ chức phiên tòa trực tuyến. (Ảnh: TH) |
Kết quả trên cho thấy sự quyết tâm của TAND các cấp, khắc phục khó khăn trước mắt để đưa Nghị quyết của Quốc hội thực thi trên thực tiễn, góp phần đảm bảo tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, tạo cơ chế thuận lợi để bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, giảm thiểu thời gian cho người dân, cơ quan, tổ chức khi tham gia phiên tòa, đặc biệt là tiết kiệm chi phí cho xã hội và người dân.
Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, đây được coi là bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án, giúp hạn chế tập trung đông người tại một phòng xử án, đảm bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đồng thời, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý và đảm bảo đảm các hoạt động xét xử được tổ chức đúng thời hạn luật định, giảm thiểu chi phí, thời gian tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng, cũng như các chi phí xã hội khác của người dân.
Việc xét xử trực tuyến có ý nghĩa đặc biệt đối với các vụ án về tội xâm hại tình dục, kinh tế, tham nhũng, chức vụ; các vụ án có nhiều người tham gia tố tụng… vì phương thức tiến hành tố tụng này cho phép người bị hại, người làm chứng, luật sư và những người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại các địa điểm khác nhau với sự hỗ trợ của thiết bị điện tử, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân tốt hơn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc xét xử trực tuyến các vụ án hành chính còn tạo thuận lợi cho việc tổ chức phiên tòa, hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần hoặc xét xử vắng mặt người bị kiện; giảm bức xúc cho người khởi kiện.
Triển khai hiệu quả trên thực tế
Chia sẻ về công tác xét xử phiên tòa trực tuyến, Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trung Uy cho hay, trong năm qua, TAND hai cấp tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai 162 phiên tòa xét xử trực tuyến mang lại sự thành công và hiệu quả rất lớn, góp phần nâng cao tỷ lệ án và chất lượng xét xử.
|
TAND tỉnh Quảng Ngãi xét xử trực tuyến vụ án hình sự có đến gần 100 bị cáo. (Ảnh: TA) |
Đặc biệt, đối với các vụ án hành chính, dân sự có người tham gia tố tụng đang sinh sống tại huyện đảo Lý Sơn đều được TAND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức xét xử trực tuyến 100% nhất là trong mùa mưa bão. Các phiên tòa trực tuyến được diễn ra đúng trình tự, thủ tục tố tụng; thiết bị hiển thị hình ảnh và hệ thống âm thanh đảm bảo; thiết bị ghi hình rõ nét hình ảnh; tín hiệu truyền, nhận từ điểm cầu trung tâm đến điểm cầu thành phần thông suốt..., những người tham gia tố tụng đều nói, nghe, trả lời rõ ràng.
Chánh án TAND tỉnh Nghệ An Trần Ngọc Sơn chia sẻ, tính đến nay, có tổng cộng 20/22 đơn vị (TAND tỉnh và 19 đơn vị TAND cấp huyện) đã tổ chức xét xử trực tuyến đối với 240 vụ án (hình sự 236 vụ, hành chính 4 vụ, có vụ án hành chính đến điểm cầu cấp xã); làm việc trực tuyến 4 vụ án hành chính.
“Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tạo ra bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án trong đó có TAND hai cấp tỉnh Nghệ An”, Chánh án Trần Ngọc Sơn nói.
Những kết quả trên cũng cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng và các cấp Tòa án đã khắc phục cơ bản về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin để triển khai thực hiện Nghị quyết 33 của Quốc hội một cách có hiệu quả, đảm bảo xét xử kịp thời các vụ việc, tạo điều kiện thuận lợi để cá nhân, tổ chức tham gia phiên tòa, giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân và ngân sách của Nhà nước.
Theo đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu (Đoàn Hà Tĩnh), qua theo dõi trực tiếp một số phiên tòa trực tuyến tại địa phương và các tỉnh, nghe ý kiến đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và nhân dân cho thấy, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đảm bảo các quy định của pháp luật, quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng được thực hiện như phiên tòa trực tiếp.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) nhận định, mặc dù trong bối cảnh khó khăn, chưa bố trí được kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ cho phiên tòa trực tuyến, nhưng hệ thống Tòa án đã tổ chức xét xử trực tuyến được hàng ngàn vụ trong năm 2022 là con số ấn tượng; qua đó cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng mà nòng cốt là các Tòa án, khắc phục khó khăn trước mắt để đưa Nghị quyết của Quốc hội thực thi trên thực tiễn, góp phần đảm bảo tư pháp không chậm trễ.
|
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) nhận định về kết quả xét xử trực tuyến của Tòa án tại Quốc hội. (Ảnh: TL) |
Theo đại biểu, là người trực tiếp theo dõi một số phiên tòa nhận thấy, việc tổ chức phiên tòa đã đảm bảo tính tôn nghiêm của pháp luật, chất lượng hình ảnh, âm thanh rõ nét. Đặc biệt là việc tổ chức phiên tòa trực tuyến sẽ giúp đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở những vùng có dịch, vùng bị thiên tai hoặc vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn dễ dàng tham gia phiên tòa mà không phải đến trực tiếp, giúp bảo vệ quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức, góp phần trong công tác phòng, chống dịch và ổn định trật tự xã hội.
Kết quả đã chứng minh cho thấy, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 33 về tổ chức phiên tòa trực tuyến có ý nghĩa rất quan trọng và tạo được niềm tin trong nhân dân. Nghị quyết này cũng là nền tảng pháp lý bước đầu cho việc triển khai thực hiện Tòa án điện tử trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2023, một số ý kiến cho rằng hiện nay các trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến của các Tòa án, cơ sở giam giữ chưa được đầu tư đồng bộ, phần lớn thiết bị là đi mượn, cho thuê và tận dụng các thiết bị từ phòng họp trực tuyến hiện có, chuyển đổi công năng để tổ chức xét xử.
Theo Nghị quyết 33, các vụ án được lựa chọn xét xử trực tuyến là các vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, song trong thực tế đã phát sinh khó khăn. Khó khăn lớn nhất trong việc tổ chức những phiên tòa trực tuyến đầu tiên là nhận thức của người làm công tác tòa án về xét xử trực tuyến, chuyển đổi số. Hầu hết cán bộ, công chức ít am hiểu về công nghệ của lĩnh vực mới này. Đây là những rào cản về mặt tư duy nhận thức, làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện.
Do đó, trong thời gian tới để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả xét xử trực tuyến, cần đầu tư nguồn kinh phí để nâng cấp hệ thống mạng lưới kỹ thuật; giao cụ thể chỉ tiêu xét xử trực tuyến đối với Thẩm phán và đưa vào tiêu chí thi đua để bình xét hằng năm. Khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân tích cực trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; đồng thời có các hướng dẫn cụ thể hơn liên quan đến các vấn đề như: Phối hợp trong thực hiện các thủ tục tố tụng trước khi bắt đầu phiên tòa tại các điểm cầu; các trường hợp đường truyền bị mất tín hiệu trong quá trình xét xử, tuyên án và thời gian bị gián đoạn kéo dài…/.