Xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng

Thứ hai, 26/10/2020 15:12
(ĐCSVN) – Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần xử lý nghiêm minh trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và thanh tra chuyên ngành nếu để xảy ra vụ việc nghiêm trọng, kéo dài, có dấu hiệu nhũng nhiễu hay bao che sai phạm...

82 người đứng đầu, cấp phó thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

Sáng 26/10, thảo luận báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN ) 2020,  Đại biểu Quốc hội (ĐBQH)  Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã và đang được Đảng, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, đạt được nhiều kết quả rõ nét, để lại dấu ấn rất tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong lòng nhân dân. Tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng giảm, tạo niềm tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy của cả hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng việc kiên quyết xử lý các vụ án tham nhũng lớn được nhân dân đồng tình thì những vụ tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, doanh nghiệp vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, chưa ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Lợi ích nhóm, sân sau vẫn còn tồn tại, gây bất công trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công. Việc thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ nhưng còn thấp. Tham nhũng không chỉ diễn ra ở các cơ quan nhà nước mà đã và đang diễn ra ở một số lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt là xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế quan trọng, vẫn còn xảy ra tham nhũng tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ tư pháp, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với một bộ phận cơ quan này.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: TH

Vì vậy, ngoài giải pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho công chức, viên chức, nhân dân sâu rộng để phòng ngừa “không dám, không muốn, không ham” thì theo ĐB Phạm Văn Hòa, việc tiếp tục xử lý những hành vi tham nhũng không có vùng cấm sẽ có tác động rất tích cực trong việc phòng ngừa, ngăn chặn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán trên tất cả các lĩnh vực, nhất là những vấn đề nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng.

“ Cán bộ thanh tra, kiểm toán phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, không bị áp lực hoặc vì lý do khác nhau mà bỏ qua sai sót nghiêm trọng của tổ chức, cá nhân sai phạm. Nếu vi phạm phải xử lý nghiêm để răn đe, phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan, đơn vị, cũng như phát hiện của nhân dân, phương tiện truyền thông cung cấp cho các cơ quan chức năng xử lý sai phạm”, ĐB kiến nghị.

Đánh giá cao sự quyết liệt của các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về kinh tế và tham nhũng, tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) chỉ ra, công tác thi hành án, thu hồi tiền, tài sản thất thoát, tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn.

Dẫn báo cáo của Chính phủ cho thấy, hiện nay công tác thu hồi tiền do tham nhũng và các tội phạm về kinh tế cũng mới chỉ đạt trên 43%, tức là mới thu hồi được khoảng 15.000 tỷ, ĐB Nguyễn Thanh Thủy phản ánh: Cử tri kiến nghị cần hoàn thiện chế tài ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm kinh tế, tham nhũng, lãng phí, kiên quyết thu hồi tài sản do chiếm đoạt tham nhũng mà có. Kịp thời công khai rộng rãi cho cử tri và nhân dân biết những vụ việc nghiêm trọng đã và đang xử lý.

Đồng thời, để công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, hiệu quả hơn, Chính phủ cần sớm triển khai đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ tốt, kịp thời các dịch vụ hành chính công. Đẩy mạnh các dịch vụ mua sắm, thanh toán bằng giao dịch điện tử, nhằm hạn chế tiêu dùng tiền mặt, để phòng ngừa tham nhũng hiệu quả hơn. Nhất là tăng cường công khai, minh bạch lĩnh vực mua sắm tài sản công, định giá đấu thầu đất đai, tài nguyên, đấu thầu xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước và kể cả việc chi trả đền bù, giải tỏa đất đai cho nhân dân, tiền thi hành án... cũng cần phải tăng cường công tác minh bạch và kiểm soát tốt hơn.

“Cần xử lý nghiêm minh, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và thanh tra chuyên ngành nếu để xảy ra vụ việc nghiêm trọng, kéo dài, có dấu hiệu nhũng nhiễu hay bao che sai phạm. Kể cả sai phạm trong công tác cán bộ thời gian qua”, ĐB Nguyễn Thanh Thủy khẳng định.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, tham nhũng trong thời gian tới, ĐB Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng cần tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng đến mọi đối tượng, đặc biệt là người dân và khu vực ngoài nhà nước.

Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, trong đó cần có các giải pháp hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách pháp luật, nhằm ngăn ngừa nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách pháp luật.

Cần chú trọng nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra của người đứng đầu và công tác tự kiểm tra của cơ quan, đơn vị đối với việc chấp hành pháp luật. Việc thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng ngay từ trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Nêu cao tinh thần phê bình, tự phê bình, cụ thể hóa tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và phát huy tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị. Thực hiện có hiệu quả các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là phạm vi đối tượng phải kê khai, công khai…/.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực