(ĐCSVN) - Sáng ngày 7/11, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tọa đàm “Thực trạng xã hội hóa y tế Việt Nam từ năm 2010 đến nay, giải pháp chính sách giai đoạn 2015 - 2020”. Toạ đàm có sự tham gia của nhiều nhà kinh tế, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực y tế. Đồng chí Đinh Văn Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đồng chủ tọa buổi tọa đàm.
Đề dẫn tọa đàm, đồng chí Đinh Văn Cương nhấn mạnh, xã hội hóa y tế là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Theo báo cáo giám sát của Quốc hội, Nhà nước đã dành hơn 22000 tỷ đồng cho các cơ sở y tế. Xã hội hóa y tế cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, giảm tử vong, giúp trình độ kỹ thuật y tế của Việt Nam dần tiến bộ ngang với các nước trong khu vực, hạn chế được việc đi chữa bệnh ở nước ngoài, giảm sức ép cho ngân sách. Xã hội hóa y tế gồm nhiều mặt, nhiều hình thức, trong đó bảo hiểm y tế là loại hình chủ chốt. Trong tình hình ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, xã hội hóa y tế có vai trò quan trọng, do vậy phải có cái nhìn khách quan, khoa học, khắc phục những lệch lạc với chủ trương đúng đắn của Đảng.
|
Hình ảnh buổi toạ đàm (Ảnh: Đ.L) |
Phát biểu ý kiến tham luận, Đồng chí Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, một điều rất quan trọng cần nói đến, đó là xã hội hóa tại các bệnh viên công. Trong khi ngân sách hạn hẹp thì nguồn vốn vay ngân hàng, quỹ kích cầu, liên doanh liên kết để nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và dịch vụ y tế ở các bệnh viện đã giúp cho bệnh viên ở Việt Nam thực hiện được những dịch vụ y tế hiện đại, ngang tầm khu vực. Để hạn chế tiêu cực xã hội hóa tại bệnh viên công, cần phải tiến tới tách biệt các dịch vụ công với dịch vụ xã hội hóa ở các địa điểm riêng, kiểm soát chặt chẽ tài sản, thời gian làm việc. Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế cho các bệnh viện vay vốn với lãi suất ưu đãi, có chính sách hỗ trợ lãi suất cho các bệnh viện để đầu tư nâng cấp, áp dụng cơ chế giá dịch vụ y tế hợp lý.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, cần thống nhất quan niệm và cách ứng xử đối với y tế tư nhân. Phối hợp công – tư là cách tiếp cận nhằm giải quyết các vấn đề sức khỏe công cộng thông qua các nỗ lực kết hợp giữa các tổ chức phát triển nhà nước và tư nhân bổ trợ lẫn nhau qua năng lực của mình, trong đó các đối tác nhà nước và tư nhân phối hợp tham gia trong việc xác định mục tiêu, phương pháp và việc thực thi các thỏa thuận phối hợp. Bên cạnh đó, chúng ta cần xây dựng chiến lược phát triển hỗ trợ lẫn nhau cho y tế công – tư và nâng cao năng lực và công cụ quản lý nhà nước đối với hệ thống y tế tư nhân.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung thảo luận những vấn đề lý luận và thực tiễn, những tư duy quan trọng về xã hội hóa y tế. Các ý kiến cũng làm rõ những đổi mới tư duy đó đã vào cuộc sống như thế nào, mặt được, chưa được và nguyên nhân; những vấn đề cốt yếu đã được thực tiễn kiểm chứng; đã được làm rõ về mặt lý luận; những hạn chế, vướng mắc, những vấn đề lớn đang đặt ra. Các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm cũng đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm rút ra từ quá trình hoạch định và thực hiện chủ trương, đường lối, giải pháp của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa y tế.
Phát biểu kết luận toạ đàm, đồng chí Đinh Văn Cương khẳng định, xã hội hóa y tế là một chủ trương đúng đắn của Đảng ta. Cần phải nghiên cứu chính sách một cách hết sức thấu đáo để phát huy được hết các nguồn lực. Làm thế nào để công tác bảo vệ sức khỏe của nhân dân tốt hơn, điều đó được hỗ trợ rất lớn bởi xã hội hóa. Nhiều ý kiến cho rằng những thiết bị hiện đại đã nâng cao được chất lượng chữa bệnh cho nhân dân tốt hơn, tuy vậy, cần phải có những chính sách tốt hơn để thay đổi mô hình, đổi mới tư duy chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chúng ta phải xác định đúng vai trò “bà đỡ” của Nhà nước, thông qua công tác kiểm tra để chấn chỉnh những lệch lạc.
Đồng chí Đinh Văn Cương đánh giá cao sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, chứng minh việc tổ chức buổi tọa đàm là hết sức cần thiết, thay mặt Ban Kinh tế Trung ương, đồng chí trân trọng cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã nêu những ý kiến quý báu thể những nghiên cứu sâu, những kinh nghiệm, những kiến nghị chất lượng phù hợp với tình hình mới trong vấn đề xã hội hóa y tế ở nước ta. Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và sẽ nghiên cứu, chắt lọc, tổng hợp lại để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng chí đề nghị các chuyên gia tiếp tục phối hợp với Ban để cho ra được những sản phẩm có giá trị, góp phần tham mưu, thực hiện các nghị quyết của Đảng để cả nước đạt được kết quả to lớn.