(ĐCSVN) - Ngày 11/12, Bộ Y tế đã có Công điện số 1223/CĐ-BYT (Công điện số 2 về bão Hagupit) gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Nam đến Cà Mau và Kiên Giang; các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ về việc chủ động triển khai công tác ứng phó với bão Hagupit.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: TH) |
Theo đó, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó với bão Hagupit; thực hiện Công điện số 36/CĐ-TW hồi 20 giờ ngày 10/12/2014 của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế triển khai ngay những công việc sau:
1. Tiếp tục theo dõi diễn biến của bão Hagupit; thực hiện nghiêm nội dung Công điện số 1204/CĐ-BYT ngày 8/12/2014 của Bộ Y tế, chủ động phối hợp với các ban, ngành có liên quan trong công tác ứng phó với diễn biến bất thường của mưa, bão; triển khai các phương án trong công tác phòng, chống, ứng phó, phát huy phương châm “bốn tại chỗ”, ứng phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại sức khỏe và tính mạng người và tài sản do mưa, bão gây ra.
2. Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Nam đến Cà Mau và Kiên Giang, các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh huy động toàn bộ lực lượng y tế của địa phương phối hợp với lực lượng quân y trên địa bàn chủ động đối phó với bão Hagupit. Sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão,…và tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa, bão, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống gây ra. Các đội cấp cứu cơ động trực 24/24 giờ luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có bệnh. Chuẩn bị nhóm nhân viên y tế hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân gặp sang chấn tâm lý sau bão.
Bên cạnh đó, khẩn trương triển khai ngay các phương án bảo vệ, hỗ trợ hoặc di dời cơ sở y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, lũ ống gây ra. Triển khai kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, vùng trũng, vùng có nguy cơ bị ngập nặng.
Phối hợp với các sở, ban, ngành tại địa phương chủ động đối phó với tình hình bị mưa lũ chia cắt dài ngày, hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo an toàn. Khi có lệnh của cấp có thẩm quyền, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tổ chức di dời, sơ tán dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm, khu vực chưa tổ chức di dời được phải sẵn sàng có hình thức phòng tránh an toàn cho người và tài sản.
3. Các đơn vị trực thuộc Bộ chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị phương tiện phòng chống lụt bão và phân công các đội y tế cơ động ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương để ứng phó với các tình huống khẩn cấp do mưa, bão gây ra.
4. Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ báo cáo công tác phòng, chống với bão Hagupit về Thường trực Ban Chỉ huy PCTH&TKCN Bộ Y tế qua số điện thoại 0912792579, 0977879686, fax 04.62732207, email: pcthbyt7@gmail.com./.