Do nhiều cộng đồng địa phương có địa bàn sinh sống tách biệt trong khi hệ thống giao thông đến các khu vực này chưa được phát triển, nhiều bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số vẫn được bảo tồn đến ngày nay. Ngoài những rào cản về ngôn ngữ và văn hóa, cộng đồng các dân tộc thiểu số chưa được tiếp nhận các dịch vụ đảm bảo chất lượng, đồng thời không thể hoặc chưa sẵn sàng tham gia vào các chương trình phát triển của nhà nước.
Cơ hội cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, mức độ tiếp cận các dịch vụ công cơ bản thấp có ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ của các nhóm dân tộc thiểu số. Tỉ lệ suy dinh dưỡng ở mức cao và diễn ra dai dẳng, đặc biệt với các dân tộc thiểu số, vốn chiếm 14% trong 96,2 triệu người tại Việt Nam, ảnh hưởng đáng kể đến tiềm năng tăng trưởng kinh tế và phát triển nguồn nhân lực. Tình trạng suy dinh dưỡng diễn ra trong thời gian dài theo chu kỳ nghèo đói và kéo theo nhiều hệ lụy như: giảm năng suất lao động do điều kiện thể chất không đảm bảo, giảm năng suất chung do trình độ học vấn và mức độ nhận thức còn kém, phát sinh thiệt hại do bệnh dịch lan rộng cũng như tăng chi tiêu cá nhân và chi tiêu công trong lĩnh vực y tế. Tình trạng suy dinh dưỡng có thể gây ra nhiều tổn thất kinh tế. Theo ước tính trên phạm vi toàn cầu, mức độ tổn thất do giảm năng suất lao động chiếm hơn 10% thu nhập trọn đời của một cá nhân, đồng thời giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể giảm từ 2% - 10% do suy dinh dưỡng.
Việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho sức khỏe cũng như sự phát triển thể chất và nhận thức chỉ có thể thực hiện tối ưu trong thời gian ngắn, đó chính là giai đoạn 1.000 ngày đầu tiên kể từ khi bắt đầu mang thai cho đến 2 tuổi. Do đó, nếu không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng trong giai đoạn này, những tác động đến sự phát triển thể chất, trí não và hình thành vốn nhân lực trên cơ thể trẻ sẽ khó có thể khắc phục. Các giải pháp can thiệp nhằm tăng cường chế độ dinh dưỡng phải tập trung vào nhóm tuổi này và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu dinh dưỡng. Mặc dù tỷ lệ suy dinh dưỡng toàn quốc đã giảm, tỷ lệ thể thấp còi ở trẻ em là người dân tộc thiểu số (31,4%) vẫn cao gấp 2 lần so với nhóm trẻ em là người Kinh (15,0%) đồng thời tỷ lệ trẻ em là người dân tộc thiểu số thiếu cân cũng lớn hơn gấp 2,5 lần (21% so với 8,5%) so với trẻ em là người Kinh. Hơn nữa, 119.957 (60%) trong số 199.535 trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi ở 10 tỉnh thành có tỷ lệ thể thấp còi cao nhất cả nước đều là người dân tộc thiểu số.
Ngoài những khác biệt tương đối rõ ràng này, mức độ chênh lệch còn xuất hiện trong vấn đề thiếu hụt vi chất dinh dưỡng - còn được gọi là nạn đói tiềm ẩn. Tỷ lệ trẻ bị thiếu máu cao nhất luôn nằm ở vùng trung du và miền núi miền Bắc, cũng là địa bàn sinh sống của 75% các nhóm dân tộc thiểu số. Trong khi tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em tại Việt Nam là 27,8%, con số này với trẻ em là người dân tộc thiểu số là 43%. Là nguyên nhân làm tăng nguy cơ trẻ sinh non và sinh nhẹ cân, thiếu sắt cũng là vấn đề phổ biến với trẻ em khu vực miền núi (81%) so với khu vực thành thị với phần lớn dân số là người Kinh (50%).
Các yếu tố ảnh hưởng đến tình trạng suy dinh dưỡng
Với các nhóm dân cư có tỷ lệ suy dinh dưỡng ở mức cao, các nguyên nhân chính ảnh hưởng đến vấn đề này liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Được giới thiệu lần đầu tiên trong Khung khái niệm về suy dinh dưỡng trẻ em của UNICEF năm 1990, các nguyên nhân này đã được gộp thành 3 nhóm: nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân gián tiếp và nguyên nhân cơ bản. Với các nguyên nhân trực tiếp, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ là do chế độ ăn uống không đầy đủ hoặc không phù hợp, sức khỏe kém hoặc cả hai yếu tố này - hai nguyên nhân này thường ảnh hưởng qua lại với nhau. Những yếu tố trực tiếp này xuất phát từ việc thiếu hụt thực phẩm của các hộ gia đình hoặc cộng đồng (ví dụ, thiếu khả năng tiếp cận chế độ ăn uống đa dạng), cách thức chăm sóc và chế độ ăn uống không phù hợp của bà mẹ và trẻ em, cũng như không được tiếp cận các dịch vụ y tế và môi trường phù hợp. Thường được tóm lược thành 3 nhóm “thực phẩm, y tế và chăm sóc”, các nguyên nhân này có mối quan hệ tương tác lẫn nhau và cũng thể hiện những yếu tố cơ bản liên quan đến số lượng, việc kiểm soát và sử dụng các tài nguyên trong xã hội.
Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ. Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng sau 6 tháng được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, trẻ dưới 1 tuổi cần được cung cấp các thực phẩm dinh dưỡng bổ sung để đảm bảo mức độ tăng trưởng tối đa. Tuy nhiên, trẻ em dân tộc thiểu số không có điều kiện để tiếp nhận chế độ dinh dưỡng đó. Nhìn chung, chỉ có 39% trẻ là người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 6 - 23 tháng có chế độ dinh dưỡng đầy đủ so với 69% trẻ em là người Kinh/Hoa.
Sức khỏe kém. Tiêu chảy và nhiễm ký sinh trùng do trứng giun truyền qua đất từ lâu đã được biết đến là nguyên nhân ảnh hưởng đến dinh dưỡng ở trẻ, khiến trẻ kém hấp thụ các chất dinh dưỡng. Theo nhận định của Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (MICS) năm 2014 của Việt Nam, tiêu chảy là một bệnh phổ biến gây ảnh hưởng lớn đến cộng đồng dân tộc thiểu số (Tổng cục Thống kê và UNICEF, 2015). Kết quả điều tra cho thấy, 18,5% trẻ em dân tộc thiểu số bị tiêu chảy tại thời điểm khảo sát, so với chỉ 6,5% trẻ em là người Kinh/Hoa.
Tiếp cận các dịch vụ y tế. Dịch vụ chăm sóc trước sinh giúp phụ nữ mang thai được cung cấp các dịch vụ về dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm bổ sung sắt-axit folic, bổ sung năng lượng và protein để duy trì dinh dưỡng cũng như dịch vụ tư vấn dinh dưỡng nhằm giúp họ có thực hành phù hợp về nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo khảo sát MICS năm 2014, chỉ có 32,7% phụ nữ là người dân tộc thiểu số trong độ tuổi 15 -49 và đã sinh con trong vòng 2 năm trước cuộc khảo sát đã đi khám thai theo khuyến nghị trong khi 82,1% phụ nữ là người Kinh đi khám khai từ 4 lần trở lên.
Môi trường sống không đảm bảo vệ sinh. Môi trường sống thể chất không đảm bảo vệ sinh ảnh hưởng đến rối loạn chức năng đường ruột và dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ. Theo Khảo sát MICS 2014, chỉ có 2,4% hộ dân tộc Kinh/Hoa phóng uế bừa bãi trong khi đây là thói quen của 26,8% hộ gia đình dân tộc thiểu số. Hơn nữa, 81,7% hộ gia đình là người Kinh/Hoa, so với 38,7% hộ gia đình dân tộc thiểu số, có sử dụng nguồn nước sinh hoạt cũng như các công trình vệ sinh đảm bảo.
Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ chưa được đảm bảo. Kết hôn sớm và mang thai ở tuổi vị thành niên có thể làm tăng tỷ lệ tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, tăng tình trạng nhẹ cân khi sinh và suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ. Theo Khảo sát MICS năm 2014, 23,9% phụ nữ dân tộc thiểu số ở độ tuổi 15 - 19 tuổi đã trải qua sinh nở, so với 5,1% phụ nữ người Kinh/Hoa.
Nghèo đói chính là một trong những nguyên nhân cơ bản quan trọng nhất trong vấn đề suy dinh dưỡng, tập trung ở cộng đồng các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các nhóm có dân số ít hơn hoặc sinh sống ở khu vực miền núi phía bắc và miền trung. Mặc dù chỉ chiếm 14% tổng dân số Việt Nam, các cộng đồng dân tộc thiểu số lại chiếm đến 73% số hộ nghèo tính đến năm 2016.
Đầu tư các giải pháp dinh dưỡng
Năm 2013, tạp chí Lancet đã có 1 xuất bản chuyên san đánh giá toàn diện các giải pháp cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở phụ nữ và trẻ em, tập trung vào gói can thiệp dinh dưỡng đặc hiệu để cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Các can thiệp trong gói giải pháp này mang tính chất bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau, bao gồm một số biện pháp tập trung vào giai đoạn trước khi sinh và sau khi sinh. Do đó, với những cộng đồng đang phải chịu nhiều gánh nặng suy dinh dưỡng, họ phải là những đối tượng hưởng lợi từ toàn bộ, chứ không chỉ là một phần, gói giải pháp mục tiêu. Ngoài ra, việc thực hiện toàn bộ các giải pháp can thiệp này ở quy mô nhất định (ít nhất 90% đối tượng mục tiêu) sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế.
Năm 2017, Ngân hàng Thế giới đã ước tính tỷ suất lợi nhuận khi thực hiện toàn bộ các can thiệp dinh dưỡng đặc hiệu với 90% đối tượng mục tiêu tại 34 quốc gia chiếm 90% trẻ em suy sinh dưỡng thể thấp còi trên thế giới, trong đó có Việt Nam (Galasso và Wagstaff 2017). Theo đó, Việt Nam được dự báo có tỷ suất lợi nhuận cao nhất giải pháp về dinh dưỡng này do chi phí thực hiện bình quân đầu người của các chương trình từ gói dinh dưỡng ở mức thấp, tỷ suất lợi nhuận mảng giáo dục trong nước ở mức cao và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP cao. Theo một số giả định tính trên mỗi đô la Mỹ mà Việt Nam đầu tư vào các can thiệp dinh dưỡng đặc hiệu trong gói giải pháp này, mức thu nhập của người trưởng thành được ước tính tăng thêm 48 đô la, so với 2 đô la ở Ma-la-uy và 13 đô la ở Ethiopia.
Nhìn chung, Chính phủ Việt Nam đã xác định các giải pháp can thiệp về dinh dưỡng hướng tới đối tượng là phụ nữ và trẻ em, nhưng mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em ở tất cả các vùng miền trên cả nước, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số và nhóm kinh tế xã hội, mới chỉ được thực hiện một phần. Nguồn nhân lực và năng lực thể chế cần được đảm bảo để thực hiện các chiến lược mới với mục tiêu tăng cường sự tham gia của các hộ gia đình dân tộc thiểu số trong các chương trình của Nhà nước. Trong khi đó, các giải pháp hiện tại của Chính phủ chưa chứng minh được tính hiệu quả7 trong mục tiêu cải thiện các chỉ số về dinh dưỡng, đồng thời thu hẹp các nguồn lực vốn đã hạn chế cho các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng.