Đó là yêu cầu của Bộ Y tế đối với Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại công văn số 5011/BYT-KHTC về việc chuẩn bị ứng phó với thiên tai khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh minh họa (Ảnh: KL)
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình thiên tai diễn biến bất thường, cực đoan, khó lường. Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, năm 2018, lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến sớm và nhanh có thể đạt mức báo động 2, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân.
Để giảm thiểu thiệt hại về người và làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong mùa nước nổi; Bộ Y tế (Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục quán triệt Luật Phòng, chống thiên tai và Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và hướng dẫn của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai.
Cùng với đó, tham mưu cho Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh rà soát, bổ sung kế hoạch, phương án bảo đảm y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị. Trong đó, chú trọng đến việc rà soát phương án đảm bảo an toàn cho cơ sở khám chữa bệnh, có phương án di chuyển trang thiết bị, cơ sở vật chất không bị hư hỏng do ngập nước.
Tổ chức dự trữ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện sẵn sàng phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ, mùa nước nổi; bổ sung lượng dữ trữ vật chất (thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế) đủ cho các vùng trọng điểm thiên tai; tu sửa kho tàng bảo đảm an toàn trong thiên tai.
Đồng thời, tổ chức lực lượng y tế cơ động sẵn sàng tổ chức cấp cứu, vận chuyển người bị nạn, bị bệnh, chú trọng các khu vực dân cư dễ bị chia cắt khi mùa nước nổi. Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân, đặc biệt đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh phòng chống đuối nước, dịch bệnh và tai nạn trong mùa mưa, lũ; huấn luyện cho nhân viên y tế và nhân dân biết cách cấp cứu đuối nước; thực hiện ăn chín uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.
Đặc biệt, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong xử lý cấp cứu, điều trị và khắc phục hậu quả sau thiên tai. Dự trữ lương thực, thực phẩm và các phương tiện phục vụ sinh hoạt khác cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Trong trường hợp vượt khả năng của đơn vị cần báo cáo đề xuất kịp thời lên cấp trên trực tiếp xin ý kiến chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời.
Mặt khác, chú trọng xây dựng phương án sơ tán người dân ra khỏi vùng thiên tai đến nơi an toàn, thuận tiện cho việc cứu trợ và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em,…/.