Công văn của Bộ Y tế về chủ động phòng, chống bệnh dịch hạch

Thứ sáu, 12/12/2014 13:58

(ĐCSVN) - Bộ Y tế vừa có công văn số 8088/BYT-DP ngày 4/12 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chủ động phòng, chống bệnh dịch hạch.

Đường lây bệnh dịch hạch (Ảnh: Ppdictionary.com)


Theo đó, dịch hạch là bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm thuộc nhóm A, tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, trong 3 tháng qua, tại Madagascar đã ghi nhận 119 trường hợp mắc bệnh dịch hạch, trong đó có 40 trường hợp tử vong. Trước đó đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh dịch hạch thể phổi tại Mỹ và 1 trường hợp tử vong do bệnh dịch hạch thể phổi tại tỉnh Cam Túc (Trung Quốc).

Tại Việt Nam, từ năm 2002 trở lại đây không ghi nhận trường hợp mắc bệnh dịch hạch, song bối cảnh các hoạt động thương mại và du lịch toàn cầu hóa, bệnh dịch hạch có thể xâm nhập và bùng phát tại nước ta. Để chủ động phòng chống, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan, Bộ Y tế kính đề nghị Đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động sau:

1. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch trên phương tiện vận tải hàng hóa, đặc biệt lưu ý các phương tiện vận tải đường biển, đường sắt, đường bộ tại các cửa khẩu quốc tế, đi về từ vùng có dịch bệnh nhằm phát hiện sớm chuột, bọ chét, tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và thực hiện việc xử lý theo quy định.

Chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng tăng cường giám sát chủ động bệnh dịch hạch trên người và chuột, bọ chét tại các vùng giám sát trọng điểm và khu vực tập trung đông người, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ cao (khu vực cảng, sân bay, cửa khẩu,…) chủ động theo dõi, lấy mẫu bệnh phẩm để phát hiện sớm, cách ly và xử lý kịp thời.

Chỉ đạo các đơn vị truyền thông tăng cường công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường khu vực tập trung đông người, khu vực có nguy cơ cao; khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp diệt chuột theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.

Sẵn sàng các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động giúp địa phương xác định dịch bệnh, xử lý ổ dịch, cấp cứu bệnh nhân khi có yêu cầu; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện để phục vụ công tác phòng chống dịch khi có dịch xảy ra.

2. Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị giao thông vận tải chủ động thực hiện việc tiêu diệt chuột, bọ chét trên các phương tiện giao thông vận tải, đặc biệt là phương tiện vận tải đường thủy, đường sắt, đường bộ; đồng thời phối hợp với các đơn vị y tế kiểm soát, giám sát chặt chẽ đối với người, phương tiện và hàng hóa nhập vào nước ta, đặc biệt đối với các phương tiện vận tải xuất phát từ quốc gia đang lưu hành bệnh dịch hạch.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra giám sát chặt chẽ nhập khẩu động vật gặm nhấm (chủ yếu là chuột) qua biên giới; tăng cường giám sát chủ động các chỉ số chuột và bọ chét tại các vùng, khu vực có nguy cơ cao; hướng dẫn chi tiết, cụ thể về các biện pháp diệt chuột.

4. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với ngành y tế và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, tiêu diệt chuột, bọ chét, chủ động khai báo khi phát hiện chuột chết bất thường và người có biểu hiện nghi mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để khám, điều trị.

5. Sở Tài chính kịp thời bổ sung kinh phí theo đề xuất của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan để đảm bảo nhu cầu trong việc đáp ứng phòng chống dịch bệnh, chuẩn bị cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực