Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả hơn
Một giải pháp can thiệp đa ngành toàn diện đòi hỏi Chính phủ phải chủ động quản lý, chỉ đạo, giám sát và tăng cường sự chung tay hành động của các Bộ ngành cùng các bên liên quan.
Cần xây dựng một cơ chế phối hợp hiệu quả để thực hiện các hoạt động đa ngành trong vấn đề dinh dưỡng ở Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, có thể tái thành lập Ban chỉ đạo Chiến lược dinh dưỡng quốc gia và thành lập một tiểu ban riêng tập trung vào những địa phương có cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ phối hợp và giám sát việc thực hiện các quy định sau: Nghị quyết 20/NQ-TƯ 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được ban hành năm 2018, bao gồm những mục tiêu cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi; Chỉ thị 46/CT-TTg 2017 ngày 21/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dinh dưỡng, bao gồm yêu cầu lồng ghép chỉ số suy dinh dưỡng thể thấp còi vào Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội; Nghị định số 100/2014/NĐ-CP và 09/2016/ND-CP về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ và tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Đảm bảo nguồn lực tài chính
Để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng ở quy mô lớn, cần tăng cường đầu tư và đảm bảo nguồn lực tài chính trong nước cho các chương trình về dinh dưỡng để thực hiện các mục tiêu dinh dưỡng cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Các bên liên quan đến công tác dinh dưỡng cấp Trung ương và địa phương cần nỗ lực vận động để hỗ trợ thực hiện khuyến nghị này, trong đó bao gồm:
Vận động việc phân bổ sớm nguồn ngân sách công để thực hiện các can thiệp dinh dưỡng đặc hiệu và can thiệp định hướng dinh dưỡng theo các căn cứ pháp lý hiện có như: Nghị quyết 20/NQ-TƯ 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Chỉ thị 46/CT-TTg 2017 của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020; và Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2017-2020.
Vận động bố trí nguồn vốn địa phương để bổ sung vào dòng vốn Trung ương cho gói can thiệp toàn diện về tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi ở phụ nữ và trẻ em tại các tỉnh có nhiều cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Vận động để Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác có liên quan lồng ghép những nội dung liên quan đến quản lý tổng hợp các dịch vụ điều trị suy dinh dưỡng cấp tính, bổ sung vi chất dinh dưỡng đối với phụ nữ mang thai và sản phẩm bột đa vi chất dinh dưỡng cho trẻ em trong các gói can thiệp dinh dưỡng thuộc phạm vi thực hiện của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Thực hiện các can thiệp dinh dưỡng trực tiếp
Việt Nam đã đạt được kết quả đáng kể trong xây dựng chính sách, chiến lược thực hiện lồng ghép công tác dinh dưỡng; tuy nhiên, gói can thiệp dinh dưỡng đặc hiệu dựa trên bằng chứng cần phải được xây dựng cụ thể và công bố công khai với tất cả các nhóm dân tộc thiểu số thông qua các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhà nước và các tổ chức cộng đồng có liên quan. Các hành động cụ thể để hỗ trợ thực hiện khuyến nghị này cần bao gồm:
Ban hành gói can thiệp dinh dưỡng đặc hiệu dựa trên bằng chứng để cung cấp cho mỗi hộ gia đình dân tộc thiểu số ở tất cả các tỉnh ưu tiên có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở mức cao. Gói can thiệp này cần khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ; hướng dẫn chế độ ăn bổ sung; bổ sung vi chất dinh dưỡng và năng lượng-protein trong giai đoạn thai kỳ; bổ sung vitamin A và kẽm với trẻ em; và quản lý tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính nặng.
Xây dựng chiến lược truyền thông thay đổi hành vi xã hội toàn diện nhằm cải thiện chất lượng dinh dưỡng, là cơ sở định hướng các chiến dịch, phương tiện truyền thông, tài liệu giáo dục cộng đồng và các sự kiện truyền thông để cải thiện chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ và trẻ em thuộc các nhóm dân tộc thiểu số.
Đánh giá tính hiệu quả về chi phí, bao gồm các chế phẩm dinh dưỡng điều trị ăn liền (RUTF) cho trẻ em suy dinh dưỡng ở mức độ nặng nằm trong gói bảo hiểm y tế.
Một số giải pháp đa ngành
Mặc dù các khuyến nghị trên đây là những giải pháp trực tiếp nhằm đảm bảo hiệu quả tối ưu trong công tác dinh dưỡng, việc nâng cao các chỉ số dinh dưỡng cho người mẹ và trẻ em chỉ được hiện thực hóa và duy trì bền vững nếu giải quyết được các nguyên nhân suy dinh dưỡng gián tiếp thông qua các giải pháp đa ngành. Các giải pháp đa ngành về dinh dưỡng hướng đến đối tượng là người dân tộc thiểu số có thể bao gồm:
Xác định các giải pháp giảm suy dinh dưỡng cho cộng đồng các dân tộc thiểu số là một trong những hoạt động ưu tiên trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đồng thời xây dựng các mục tiêu, cơ chế báo cáo cụ thể và nguồn vốn cho các hoạt động về dinh dưỡng trong 2 chương trình mục tiêu quốc gia.
Mở rộng chương trình trợ cấp hướng đến các hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo nhất có phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong giai đoạn phát triển 1.000 ngày đầu đời của trẻ.
Khuyến khích và áp dụng chính sách ưu đãi nếu cần thiết để trẻ em gái là người dân tộc thiểu số đăng ký và hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông.
Tăng khả năng tiếp cận của người dân tộc thiểu số với dịch vụ nước sạch, công trình vệ sinh và các dịch vụ nâng cao điều kiện vệ sinh.
Tăng khả năng tiếp cận của các nhóm dân tộc thiểu số với gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện dành cho trẻ vị thành niên, phụ nữ mang thai và trẻ em phù hợp với văn hóa tín ngưỡng và tập quán của họ…