(ĐCSVN) - Ngày 21/9, Tổ chức Động vật Châu Á và Trung ương Hội Đông Y Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác chương trình hành động: Hướng tới chấm dứt việc sử dụng mật gấu trong Đông y vào năm 2020. Đây là một cột mốc đánh dấu sự phát triển hợp tác giữa hai đơn vị, đồng thời thể hiện quyết tâm chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng mật gấu trong Đông y, cùng chung tay bảo vệ loài gấu Việt Nam.
Trong những năm gần đây, Tổ chức Động vật Châu Á và Hội Đông y Việt Nam hợp tác triển khai rất nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu tối đa việc sử dụng mật gấu trong Đông y thông qua các hoạt động cụ thể như: nghiên cứu, xuất bản, và phát hành miễn phí cuốn sách “Những cây thuốc vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu”; phối hợp tuyên truyền giới thiệu, phổ biến cây thuốc, vị thuốc Đông y có tác dụng tương đồng với mật gấu.
|
Quang cảnh buổi lễ ký kết (Ảnh: PV) |
Vào năm 2012, khảo sát thực hiện bởi Trung ương Hội Đông Y và Tổ chức Động vật Châu Á với các thầy thuốc Đông y đã cho thấy có 17% thầy thuốc thừa nhận có dùng mật gấu, 23% trong số được khảo sát từ chối trả lời câu hỏi này. Năm 2014, hai đơn vị đã phát động cuộc thi đua kêu gọi sự ủng hộ và đồng thuận của các thầy thuốc, lương y, bác sỹ Đông y trên toàn quốc cam kết không sử dụng, kê đơn có sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu nhằm góp phần bảo tồn loài động vật quý hiếm này, đồng thời duy trì phát triển bền vững các cây thuốc nam của đất nước.
Thầy thuốc nhân dân Trần Văn Bản, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam cho biết: Hội đã hợp tác với Tổ chức Động vật Châu Á từ năm 2010 để giới thiệu các thảo dược có tác dụng tương đồng có thể thay thế cho mật gấu tới các cán bộ, hội viên Đông y và nhân dân áp dụng. Theo thống kê vẫn còn khoảng 5% các thầy thuốc Đông y vẫn sử dụng mật gấu. Thông qua việc tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, Hội Đông Y Việt Nam cam kết hướng đến việc không còn thầy thuốc, hội viên Đông y sử dụng và kê đơn mật gấu vào năm 2020.
Thực tế trong công tác bảo tồn gấu cho thấy, số lượng gấu đang bị nuôi nhốt - nguồn cung mật gấu đang giảm rõ rệt. Chỉ tính riêng năm 2014, số lượng gấu trong các trang trại đã giảm xuống chỉ còn 1.402 từ hơn 4.000 cá thể được nuôi nhốt vào năm 2005. Nhu cầu sử dụng mật gấu đã thoái trào, cộng với sự phối hợp tuyên truyền, vận động của nhiều đơn vị, bằng nhiều hình thức như chương trình hợp tác với Hội Đông Y Việt Nam, Tổ chức Động vật Châu Á tin tưởng rằng năm 2020 cũng là dấu mốc chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu lấy mật.
Tiến sỹ Tuấn Bendixsen, Trưởng Đại diện Tổ chức Động vật Châu Á nhận định rằng: "Tổ chức Động vật Châu Á tin tưởng rằng 2020 là một đích thời gian hoàn toàn thực tế và chúng tôi vui mừng vì có sự đồng hành của Trung ương Hội Đông Y Việt Nam trong mục tiêu chấm dứt nhu cầu sử dụng mật gấu. Số lượng gấu nuôi giảm bởi thị trường cho mật gấu cũng đang dần biến mất. Tổ chức Động vật Châu Á cũng được các cơ quan chức năng hỗ trợ rất nhiều trong công tác cứu hộ, cũng như trong các hoạt động tuyên truyền pháp luật bảo vệ loài gấu. Tất cả các yếu tố này đều liên quan chặt chẽ với nhau, chính vì vậy, chúng tôi muốn đặt ra mục tiêu quyết tâm chấm dứt nhu cầu sử dụng mật gấu trong Đông y cũng như chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu lấy mật vào năm 2020."
Các mục tiêu trong biên bản thỏa thuận giữa Hội Đông Y Việt Nam và Tổ chức Động vật Châu Á gồm: Tuyên truyền giảm thiểu sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu trong Đông Y hướng tới năm 2020 sẽ không còn sử dụng mật gấu trong ngành Đông Y; Phổ biến kiến thức đưa vào chương trình giảng dạy cho các lớp Lương y về 32 loài cây thuốc thay thế cho mật gấu năm 2015-2016; Phổ biến rộng rãi cuốn sách “Những cây thuốc vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu” cho các thư viện học viện, thầy thuốc Đông Y, các chi hội Đông Y...; Tổ chức cuộc thi tìm hiểu sử dụng các cây thuốc thay thế mật gấu trong ngành Đông Y; Phổ biến kiến thức chuyên môn về những cây thuốc vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu trong 02 tạp chí chuyên san vào năm 2015-2016; Hợp tác phát triển trồng vườn thuốc thí điểm 32 loài cây thuốc có tác dụng thay thế mật gấu tại Hà Giang, Tây Ninh và Hà Nội; Khảo sát việc sử dụng mật gấu trong Đông Y tại các tỉnh thành phố trong cả nước vào cuối năm 2016.