(ĐCSVN) - Trong năm 2013, ngành y tế đã đạt được những thành quả lớn trong công tác kiểm soát bệnh dịch, nhiều dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi được khống chế, đẩy lùi và thanh toán, hầu hết các bệnh truyền nhiễm gây dịch đều giảm mắc và tử vong so với cùng kỳ năm 2012.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: V.L) |
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng nhận định nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong thời gian tới có thể xảy ra. Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, nhiều bệnh truyền nhiễm gây dịch có nguy cơ bùng phát trở lại như lao, sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não do vi rút, bệnh đường tiêu hoá... Bên cạnh đó, đã xuất hiện những bệnh mới khó xác định, khó điều trị, có nguy cơ bùng phát thành đại dịch như SARS, cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), viêm đường hô hấp cấp Trung Đông (MERS-CoV)...
Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường, gia tăng dân số, giao lưu đi lại của người dân ngày càng gia tăng, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt hậu quả của thiên tai, lụt bão có thể làm phát sinh, phát triển của dịch bệnh, nhất là các tỉnh khu vực miền Trung.
Các bệnh dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm gia cầm và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa luôn là bệnh dịch lưu hành tại các địa phương trên phạm vi cả nước. Trong khi đó các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Đặc biệt, nhận thức và thực hành hành vi vệ sinh cá nhân phòng bệnh của người dân ở cộng đồng tuy có thay đổi nhưng còn chuyển biến chậm do điều kiện sống còn nhiều khó khăn và tập quán cố hữu của người dân. Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, việc hình thành các khu dân cư vượt lũ với khả năng cung cấp nước sinh hoạt còn hạn chế nên người dân vẫn tích trữ nước trong chum, vại, bể nước không có nắp đậy kín tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển. Các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy chủ động phòng chống sốt xuất huyết, tay chân miệng và các dịch bệnh khác được tổ chức nhưng còn mang tính hình thức, chưa đem lại hiệu quả cao vì không được duy trì thường xuyên, lâu dài.
Ngoài ra, tình hình sốt xuất huyết và tay chân miệng tuy số mắc giảm so với cùng kỳ năm 2012 và các năm trước đây, nhưng theo chu kỳ dịch bệnh, năm 2014 dịch bệnh có thể tăng lên nếu không tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống.
Đáng chú ý, ở một số địa phương¸ các cấp chính quyền chưa thực sự chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh. Việc phối hợp giữa ngành y tế và các Ban, ngành đoàn thể của địa phương thiếu chặt chẽ. Kinh phí cho công tác chủ động phòng, chống dịch chưa được quan tâm đúng mức, chỉ khi xảy ra dịch bệnh mới đáp ứng nguồn kinh phí dẫn đến tình trạng thụ động trong công tác phòng chống dịch ở địa phương.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: T.Q) |
Các vấn đề nêu trên là những thách thức lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh mà thời gian tới Bộ Y tế và các ban, ngành, chính quyền địa phương cần tập trung phối hợp giải quyết trong thời gian tới.
Năm 2014, đặt mục tiêu luôn tích cực chủ động trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, khống chế không để dịch lớn xảy ra, trong đó tập trung vào phòng chống các dịch bệnh mới nổi, lan truyền qua biên giới như cúm A(H7N9), cúm A(H5N1), MERS-CoV. Tiếp tục giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ chết của các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét.
Duy trì tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em và phụ nữ có thai trong chương trình tiêm chủng mở rộng, giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh và giảm tỷ lệ mắc các bệnh có vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng như bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm não Nhật Bản B, viêm gan B,... . Tăng cường các hoạt động đảm bảo an toàn tiêm chủng. Xây dựng và củng cố hệ thống văn bản hướng dẫn về tiêm chủng.
Giải quyết tốt các vấn đề y tế công cộng nhằm đảm bảo đáp ứng đủ 13 năng lực cơ bản theo quy định của Điều lệ Y tế quốc tế mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Thiết lập và phát triển mô hình Trung tâm Đáp ứng tình huống khẩn cấp tại Bộ Y tế nhằm ứng phó với các vấn đề dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi; xây dựng kế hoạch đáp ứng theo từng tình huống dịch bệnh.
Ngoài ra, tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát và can thiệp phòng chống các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng đặc biệt chú trọng các bệnh không rõ nguyên nhân như viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại Quảng Ngãi. Xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2020.
Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động y tế trường học, thực hiện tốt việc bảo vệ sức khỏe cho học sinh, đưa ra giải pháp phòng chống các bệnh tật học đường.
Tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Tập trung vào công tác truyền thông nguy cơ, truyền thông thay đổi hành vi.
Tiếp tục xây dựng và thiết lập các phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 3 đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur; xây dựng và phát triển Trung tâm y sinh học công nghệ cao của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tại khu Công nghệ cao Láng – Hòa Lạc.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động nhằm củng cố và phát triển hệ thống y tế dự phòng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện công tác y tế dự phòng một cách hiệu quả; xây dựng các chính sách đãi ngộ cán bộ làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng. Xây dựng quy hoạch phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn 2011-2020 trong đó có quy hoạch hệ thống y tế dự phòng. Cấu trúc hợp nhất các công ty sản xuất vắc xin.
Củng cố và hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn đảm bảo triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của y tế dự phòng như quy chuẩn chuyên môn, quy chuẩn các phòng xét nghiệm, đảm bảo an toàn sinh học, chuẩn hoá các Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố.