Ngành y tế Ninh Bình nỗ lực chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân

Thứ năm, 12/12/2013 15:38

(ĐCSVN) - Thời gian qua, ngành Y tế Ninh Bình đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn đưa công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân có những bước phát triển mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân. Những kết quả của công tác y tế tỉnh Ninh Bình đã góp một phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Kiện toàn bộ máy gắn với hiện đại hoá

Theo số liệu của Sở Y tế Ninh Bình, ngành y tế tỉnh Ninh Bình đã đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn, phát triển, lớn mạnh cả về số lượng, quy mô và chất lượng. Đặc biệt, các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh tăng nhanh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh với quy mô xây dựng 700 giường bệnh và 06 bệnh viện chuyên khoa có quy mô xây dựng từ 100 đến 400 giường bệnh; số giường bệnh/vạn dân không ngừng tăng lên, hiện nay đạt 23,5 giường bệnh/vạn dân (không tính giường bệnh của trạm y tế xã). Cơ sở vật chất hạ tầng không ngừng được đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo khang trang. Nhiều bệnh viện, trung tâm được xây dựng hiện đại ngang tầm khu vực như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS...

Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình (Ảnh: Phạm Trường)

Phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh được đầu tư mua sắm, đáp ứng khá đầy đủ về số lượng, đa dạng về chủng loại và công nghệ tiên tiến, phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Nếu như năm 1992, máy chụp X quang là thiết bị hiện đại duy nhất lúc đó, thì đến nay, ngành Y tế đã được trang bị nhiều máy móc và thiết bị hiện đại như máy chụp cắt lớp vi tính 64 dãy, siêu âm mầu 4D, máy làm mát não, bộ phẫu thuật nội soi, tán sỏi,... Hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên đều được trang bị khá đầy đủ các máy móc, thiết bị hiện đại như X quang tăng sáng truyền hình, siêu âm mầu 4D, máy xét nghiệm sinh hoá tự động, máy gây mê, máy thở...

Mạng lưới y tế cơ sở được tăng cường, đến nay 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 126/146 xã, phường, thị trấn được công nhận Chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2001-2010, đạt 86,3%; 97/146 trạm y tế cấp xã có bác sỹ, đạt tỷ lệ 66,4%. Đội ngũ cán bộ y tế không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Số lượng thầy thuốc tăng nhanh, năm 1992 chỉ có xấp xỉ 4 bác sỹ/vạn dân, đến nay đã có 7,5 bác sỹ/vạn dân; trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc được nâng lên, toàn ngành có 1 tiến sỹ, 26 thạc sỹ y khoa, 19 bác sỹ chuyên khoa II, 118 bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa I.

Công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh được tăng cường và thu được nhiều thành tựu quan trọng. Mạng lưới phòng chống dịch bệnh được tăng cường, khả năng giám sát, phát hiện kịp thời, tổ chức bao vây, khống chế, dập dịch được thực hiện tốt, không để dịch bệnh lan rộng. Những năm gần đây không có dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được tuyên truyền và triển khai đồng bộ, rộng khắp; nhận thức của nhân dân được nâng lên; tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin ngày càng cao. Đến nay, trên 99% trẻ em được tiêm chủng đầy đủ; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 17,7% (năm 2011); một số bệnh truyền nhiễm đã được hạn chế và thanh toán như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt...

Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai đồng bộ và có hiệu quả, số người mắc các bệnh xã hội như lao, phong, tâm thần được khám phát hiện, quản lý và điều trị kịp thời. Chương trình phòng, chống HIV/AIDS được tập trung chỉ đạo và triển khai có trọng điểm, đã đem lại kết quả khá tốt. Tỷ lệ người nhiễm HIV được phát hiện, điều trị và kéo dài tuổi thọ ngày càng tăng; số người mắc mới hàng năm giảm dần, khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS trong dân số dưới 0,3%. Công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm. Từ chỗ năm 1992 chưa có tổ chức bộ máy công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, đến nay đã có hệ thống tổ chức bộ máy quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều năm liền không để vụ ngộ độc thực phẩm đông người xảy ra…

Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhận thức của người dân về thực hiện chính sách dân số KHHGĐ được nâng lên; tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế; tỷ suất sinh thô giảm từ 26,52%o năm 1992 xuống 13,67%o năm 2010, giảm bình quân mỗi năm là 0,6%o. Tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) từ 3,6 con năm 1992 giảm xuống 1,9 con năm 2010 (toàn tỉnh đạt mức sinh thay thế vào năm 2002), về đích trước 3 năm so với mục tiêu đề ra. Chất lượng dân số từng bước được nâng lên.

Bước đột phá trong khám chữa bệnh

Công tác khám, chữa bệnh có bước đột phá và phát triển khá toàn diện. Cùng với sự gia tăng về số lượng, quy mô các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở vật chất, thiết bị, dụng cụ y tế hiện đại, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế được nâng lên, nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến được áp dụng, nhiều loại bệnh khó, bệnh nguy hiểm đã được điều trị tại tỉnh không phải chuyển lên tuyến trên. Năm 1992, cứ 100 người bệnh đến khám và điều trị thì có xấp xỉ 20% số người bệnh phải chuyển tuyến trên, đến nay số lượng người bệnh chuyển tuyến giảm hẳn, chỉ chiếm khoảng 2 - 5%. Bình quân số lần khám bệnh của người dân tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên đạt xấp xỉ 1lần/người/năm (năm 2011, số lần khám bệnh toàn tỉnh là 879.321 lần). Hiện nay, các bệnh viện tuyến tỉnh đã áp dụng được nhiều kỹ thuật tiên tiến như: Can thiệp mạch, nối mạch máu, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật sọ não, phẫu thuật phaco, phẫu thuật thay chỏm xương đùi; chụp cắt lớp, lọc máu ngoài cơ thể, tán sỏi ngoài cơ thể, thực hiện nuôi thành công nhiều cháu bé sơ sinh cân nặng dưới 1.000 gam... Nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo được cứu sống. Bên cạnh sự tiến bộ về chuyên môn, kỹ thuật, tinh thần, thái độ và kỹ năng giao tiếp của cán bộ y tế trong các cơ sở khám, chữa bệnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, xuất hiện nhiều tấm gương thầy thuốc tận tuỵ, hết lòng chăm sóc người bệnh, được nhân dân tin yêu, đồng nghiệp mến phục. Phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gương Anh hùng liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã trở thành việc làm thường xuyên của các đơn vị, phương châm hành động của mỗi cán bộ ngành y tế Ninh Bình…

Cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế luôn tiên phong trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ, đưa vào phục vụ nhân dân. Số lượng và chất lượng đề tài nghiên cứu hàng năm đều tăng, năm sau cao hơn năm trước, bình quân mỗi năm ngành y tế có từ 120 đến 150 đề tài và sáng kiến từ cấp cơ sở trở lên. Nhiều đề tài nghiên cứu với nội dung mới, phù hợp, sáng tạo, được áp dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Riêng năm 2011, toàn ngành có 145 đề tài, 4 sáng kiến cải tiến kỹ thuật đăng ký, tăng 12 đề tài so với năm 2010, trong đó có 3 đề tài cấp tỉnh, 20 đề tài cấp ngành, 122 đề tài cấp cơ sở.

Nhìn chung, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân của Ninh Bình thời gian qua đã thu được nhiều kết quả quan trọng; mạng lưới y tế được kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư nâng cấp; đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường cả số lượng và chất lượng; công tác phòng chống dịch bệnh được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, bao vây dập dịch không, để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh; chất lượng công tác khám, chữa bệnh được nâng lên, góp phần nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Khắc phục khó khăn, ra sức chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Từ thực tiễn hoạt động của ngành Y tế Ninh Bình, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc, đó là: Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đòi hỏi phải được xã hội hóa cao, nơi nào cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư nguồn lực thì nơi đó các hoạt động y tế được triển khai tốt, người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ, để nâng cao nhận thức và hành vi của người dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ; chú trọng công tác y tế dự phòng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Tăng cường công tác quản lý, điều hành đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai các hoạt động. Để nâng cao chất lượng công tác y tế cần có đầu tư đồng bộ về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Tuy nhiên, trong những năm qua, công tác y tế của Ninh Bình còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế, như việc ứng dụng, triển khai kỹ thuật theo phân tuyến, kỹ thuật mới ở một số bệnh viện tuyến tỉnh và huyện còn hạn chế; còn tình trang quá tải người bệnh ở một số bệnh viện. Mô hình quản lý ngành y tế còn bất cập, gây khó khăn trong quản lý điều hành.

Đội ngũ cán bộ y tế thiếu về số lượng và chất lượng, đặc biệt là thiếu bác sỹ ở một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, Trung tâm y tế tuyến huyện và các đơn vị y tế dự phòng. Tinh thần thái độ phục vụ, kỹ năng giao tiếp của một bộ phận nhỏ cán bộ chưa tốt, còn để người bệnh phàn nàn, nhất là ở cơ sở điều trị.

Để khắc phục những mặt còn tồn tại, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân, ngành Y tế Ninh Bình đã đề ra một số nhiệm vụ giải pháp, đó là: một là, tiếp tục kiện toàn và phát triển hệ thống y tế dự phòng đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh, nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh, tật gây ra; không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Hai là, củng cố, sắp xếp mạng lưới khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng theo hướng hợp lý, bảo đảm mọi người dân tiếp cận một cách thuận lợi các dịch vụ khám, chữa bệnh tại các tuyến; đảm bảo tính hệ thống, tính liên tục và hợp lý trong hoạt động chuyên môn; kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền. Phấn đấu đến năm 2015 có 25 giường bệnh/10.000 dân. Tăng cường triển khai các kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu và sử dụng có hiệu quả trang thiết bị hiện đại vào khám chữa bệnh cho nhân dân, nhất là đối với các bệnh viện tuyến tỉnh, giảm số người bệnh phải chuyển lên tuyến trên.

Ba là, kiện toàn, ổn định bộ máy cán bộ dân số - kế hoạch hoá gia đình, an toàn vệ sinh thực phẩm từ tỉnh đến cơ sở, phát huy hiệu quả hoạt động, duy trì mức sinh thay thế vững chắc, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số.

Bốn là, củng cố và phát triển mạng lưới lưu thông, phân phối, cung ứng thuốc, đảm bảo đủ thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định thị trường thuốc phòng và chữa bệnh cho nhân dân.

Năm là, tăng cường triển khai và nâng cao hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; duy trì công tác tiêm chủng mở rộng, đảm bảo tiêm đủ 7 loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi, duy trì kết quả thanh toán bệnh bại liệt ở trẻ em, loại trừ uốn ván sơ sinh và bệnh ho gà, tiến tới loại trừ bệnh sởi.

Sáu là, xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ, tăng cường đào tạo sau đại học, đào tạo kỹ thuật chuyên sâu, kỹ thuật mới, tiên tiến cho đội ngũ cán bộ y tế trong ngành; tiếp tục cải thiện môi trường làm việc, thu hút bác sỹ về tỉnh công tác, song song triển khai chương trình đào tạo bác sỹ chính quy theo địa chỉ sử dụng, phấn đấu đến năm 2015 có 8,9 bác sỹ/ vạn dân.

Bảy là, triển khai có hiệu quả Đề án 1816; tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của Bộ Y tế, các bệnh viện đầu ngành ở Trung ương về chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào công tác điều trị, chăm sóc người bệnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực