Ngành y tế triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia

Thứ ba, 17/12/2013 14:10

(ĐCSVN) - Các Chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm góp phần ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Thực tế cũng cho thấy, CTMTQG Y tế với hàng loạt dự án như: phòng chống bệnh phong, bệnh lao, bệnh sốt rét, bệnh sốt xuất huyết, bệnh tăng huyết áp, cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em…đã tích cực và kịp thời phòng chống, đẩy lùi được một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng, qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Phòng, chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng là nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế, trong những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia y tế đã triển khai có hiệu quả hoạt động này, điển hình là bệnh Phong đến nay 50% các huyện/thị trong cả nước không còn bệnh nhân phong mới liên tục trong 5 năm; Cùng với đó, ngành y tế đã tăng cường sàng lọc tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm những người tiền đái tháo đường và đái tháo đường; Tăng cường đào tạo và đào tạo lại nguồn cán bộ tham gia CTMTQG...

 

 Poster tuyên truyền về phòng, chống ma túy (Ảnh: Y.T)

Đối với lĩnh vực HIV/AIDS, với sự quyết tâm cao toàn ngành y tế đã không ngừng triển khai quyết liệt công tác phòng chống HIV/AIDS, nhờ đó đã thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược quốc gia là khống chế tỷ lệ nhiễm HIV dưới 0,3%. Đặc biệt, Việt Nam đã chặn đứng và bắt đầu thu hẹp sự lây lan của HIV/AIDS vào năm 2015: Đến năm 2012, số ca nhiễm HIV đã giảm 31,5% so với năm 2001. Hiện Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2010, mọi đối tượng có nhu cầu đều được điều trị HIV/AIDS: Đến năm 2012 tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS được điều trị ARV là 60% (72.711 người).

Về lĩnh vực an toàn thực phẩm, trong giai đoạn 2011-2012, các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện Chương trình về lĩnh vực an toàn thực phẩm đều đạt theo kế hoạch đề ra, riêng từ năm 2011 đến nay Bộ Y tế ban hành 23 Thông tư hướng dẫn, 25 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, 31 tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm. Các văn bản ban hành đã cơ bản hoàn thiện hành lang pháp lý, đủ sức mạnh để kiểm soát ATTP từ “trang trại đến bàn ăn” ở Việt Nam hiện nay.

Công tác thông tin giáo dục truyền thông được duy trì với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú đã nâng cao hiệu quả lan toả trong cộng đồng và tới các đối tượng khác nhau, tạo được sự chuyển biến tích cực về kiến thức ATTP của các nhóm đối tượng. Kết quả điều tra năm 2012 cho thấy: 76% người sản xuất, 73% người kinh doanh, 65,8% người tiêu dùng thực phẩm, 94,8% nhóm đối tượng lãnh đạo quản lý nhà nước, 85,6% nhóm đối tượng lãnh đạo quản lý doanh nghiệp hiểu biết đúng về ATTP. Công tác đào tạo, tập huấn cho cán bộ chuyên ngành được quan tâm, đầu tư và đẩy mạnh, đặc biệt đã tập huấn, đào tạo cấp chứng chỉ thanh tra chuyên ngành cho khoảng 1.000 cán bộ ở các tuyến.

Công tác thanh tra, kiểm tra nhận được sự quan tâm, chỉ đạo tích cực của UBND các cấp, sự tham gia của các ban, ngành có liên quan và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ từ trung ương đến địa phương liên tục 12 tháng trong năm. Việc xử lý sự cố nguy cơ mất an toàn thực phẩm được các bộ, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ, triển khai các giải pháp đồng bộ, tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng. Nhiều vụ việc đã được giải quyết kịp thời như sử dụng hóa chất cấm Beta agonist trong chăn nuôi, cá điêu hồng nhiễm chất Trifluralin, gạo giả, ô nhiễm kim loại nặng trong ô mai, xí muội, cải thảo Trung Quốc nhiễm formandehyde, táo Trung Quốc nhiễm dư lượng chất cấm do sử dụng túi bọc quả, sản phẩm sữa dê Danlait có nguồn gốc từ Pháp, vấn đề thịt ngựa trong chuỗi thực phẩm ở Châu Âu, hạt hướng dương Trung Quốc có chất gây suy giảm trí nhớ, sữa Meiji của Nhật bị nhiễm phóng xạ, acid malecic trong hạt trân châu có nguồn gốc từ Đài Loan, sử dụng hóa chất trong ngô tại một số tỉnh thuộc đồng bằng Sông Cửu Long...

Về kết quả của các Dự án Y tế thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, có thể nói công tác chỉ đạo, phân cấp quản lý, tổ chức các hoạt động của các chương trình từ Trung ương đến địa phương ngày càng được rút kinh nghiệm và hoàn thiện. Vai trò chỉ đạo của Bộ Y tế, ngày càng được khẳng định là trung tâm đầu não, điều tiết hoạt động của các CTMTQG. Việc thành lập Ban chỉ đạo chương trình, Ban quản lý dự án, sắp đặt các đơn vị chỉ đạo chung... đều được nghiên cứu cẩn thận, khoa học và tuân thủ theo đúng các quy định quản lý CTMTQG.

 

 Poster tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình (Ảnh: D.S)

Đối với lĩnh vực DS-KHHGĐ, việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình DS-KHHGĐ đã mang lại thành tựu vô cùng to lớn về hiệu quả kinh tế và xã hội, đặc biệt kết quả thực hiện Chương trình MTQG DS-KHHGĐ giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2013 đã đạt và vượt mục tiêu nhà nước giao. Trong đó, dân số trung bình năm 2011 là 87,84 triệu người, năm 2012 là 88,78 triệu người, dự kiến dân số năm 2015 là 91,3 triệu người, đạt mục tiêu đề ra dưới 93 triệu người. Tốc độ tăng dân số bình quân năm thời kỳ 2011-2013 là 1,05%/năm, dự kiến đến năm 2015 khoảng 1 % đạt mục tiêu đề ra.

Mặc dù có nhiều thành tựu nhưng trên thực tế các chương trình Mục tiêu y tế quốc gia vẫn đang gặp những khó khăn đặc thù ở mỗi khu vực vùng, miền, chịu tác động của điều kiện tự nhiên địa lý, điều kiện kinh tế- xã hội và văn hóa. Sự mặc cảm của bệnh nhân và gia đình người bệnh cũng đang tác động đến nỗ lực của các chương trình trong công tác điều trị. Cơ sở vật chất tại các bệnh viện thiếu thốn, đặc biệt là tuyến huyện còn chưa đáp ứng theo qui định của Bộ Y tế như: không có khoa hồi sức-cấp cứu, khoa dược, khoa chống nhiễm khuẩn, khoa dinh dưỡng...

Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế, ngành y tế đã xác định tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống phân cấp quản lý, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của cá nhân, đơn vị tham gia, phối hợp trong chương trình từ trung ương đến cơ sở; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, tăng cường xây dựng các tiêu chí theo dõi, giám sát và củng cố hệ thống theo dõi, giám sát thực hiện, các chương trình từ trung ương đến cơ sở. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường các hoạt động tập huấn, đào tạo cán bộ chương trình; củng cố đội ngũ cán bộ có chuyên môn, cán bộ chuyên trách của các chương trình. Hạn chế tình trạng luân chuyển cán bộ một cách thiếu khoa học, thiếu kế hoạch dẫn đến nhiều khoảng trống trong các chương trình đang thực hiện. Cần có chính sách thu hút, đãi ngộ cán bộ tham gia chương trình lâu dài, ổn định. Tăng cường điều động đội ngũ cán bộ tham gia chương trình, có biện pháp phù hợp giảm tỷ lệ kiêm nhiệm quá nhiều của cán bộ trong các chương trình ở cơ sở... từ đó góp phần hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra nhằm đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực