Nghệ An: Tăng cường các giải pháp phát triển cây dược liệu

Thứ hai, 28/09/2015 15:16

(ĐCSVN) - Nghệ An được biết đến là một trong những tỉnh có nguồn cây thuốc phong phú, đa dạng, tuy nhiên, trước thực trạng một số cây dược liệu đang nằm trong diện bị nguy cấp, công tác đẩy mạnh phát triển cây dược liệu đang là mối quan tâm của địa phương hiện nay.

Cây đinh lăng - được dùng làm thuốc Đông y (Ảnh: PV)

Theo TSKH. Nguyễn Minh Khởi – Viện trưởng Viện Dược liệu (Bộ Y tế) cho biết, công tác khảo sát những năm gần đây cho thấy, nguồn cây thuốc ở Nghệ An đã và đang suy giảm nhiều, hầu hết các loài cây thuốc có giá trị sử dụng và kinh tế cao đang mất dần khả năng khai thác. Do khai thác liên tục nhiều năm, thiếu chú ý bảo vệ tái sinh, cộng với nạn phá rừng làm nương rẫy,…nên nhiều loại cây thuốc quý có trữ lượng lớn suy giảm nghiêm trọng như hoàng đằng, đảng sâm, sa nhân, hoàng thảo,…

Kết quả điều tra cũng đã xác định ở Nghệ An có 31 loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng, có tên trong sách đỏ Việt Nam (2007), Danh mục đỏ cây thuốc Việt Nam (2006) và Nghị định 32/2006/NĐ-CP. Trong đó, có 13 loài thuộc cấp đang bị nguy cấp như cỏ nhung, sa mộc dầu, hà thủ ô đỏ, sì to, trầm hương, đảng sâm. 15 loài thuộc cấp sắp bị nguy cấp như: ngũ gia bì gai, lá khôi, ngân đằng, đỉnh tùng, hồi nước,…Bên cạnh đó, theo Danh mục cây dược liệu ưu tiên phát triển giai đoạn 2015-2020, có 25/54 loài mà tỉnh Nghệ An hiện có như: ba kích, bình vôi, bụp giấm, địa liền, diệp hạ châu đắng, đinh lăng,…

Những dẫn liệu trên cho thấy, Nghệ An là tỉnh có nguồn cây thuốc phong phú, tuy nhiên, nguồn cây thuốc hoang dại ở Nghệ An ngày nay suy giảm nhiều, rất cần đến việc xây dựng một kế hoạch lâu dài để “Khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc”. Đồng thời phát huy thế mạnh là một tỉnh đa dạng về đặc điểm địa hình, khí hậu, Nghệ An có nhiều triển vọng trở thành vùng dược liệu trọng điểm của Việt Nam trong tương lai.

Cụ thể, theo TSKH. Nguyễn Minh Khởi, nhằm phát triển cây dược liệu ở tỉnh Nghệ An, cần xây dựng quy hoạch và chiến lược phát triển dược liệu của tỉnh đến năm 2020 và định hướng 2030. Trong đó, xác định nhu cầu sử dụng các loài cây thuốc của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ, xác định được danh mục các cây dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển phục vụ nhu cầu của địa phương và khu vực Bắc bộ. Khai thác các loài có trữ lượng lớn tại địa phương, tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc: cẩu tích, ngũ gia bì chân chim, hà thủ ô trắng, thiên niên kiện, bách bộ, cỏ gấu biển,…Phát triển trồng các cây dược liệu đang có nhu cầu lớn để đầu tư phát triển như ba kích, củ mài, sa nhân, cà gai leo, sâm báo hy thiêm, nghệ, quế.

Bên cạnh đó, cần chú ý tới công tác bảo tồn gen và giống cây thuốc bản địa và có giá trị kinh tế, bảo tồn nguồn gen quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng của 31 loài. Quy hoạch vùng khai thác và trồng một số loài có nhu cầu lớn và có tiềm năng phát trển, cơ sở chế biến và chiết xuất dược liệu ở tỉnh Nghệ An. Triển khai xây dựng mô hình khai thác và trồng trọt một số loài dược liệu có giá trị kinh tế và có lợi thế của tỉnh Nghệ An theo hướng tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc phục vụ nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, cần tăng cường mối liên kết giữa bốn nhà, trong đó đẩy mạnh hợp tác với các viện nghiên cứu về chuyển giao quy trình kỹ thuật, giống dược liệu có năng suất và chất lượng cao, nghiên cứu tạo sản phẩm mới. Hợp tác với công ty sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh để có bao tiêu sản phẩm đầu ra của nguồn nguyên liệu; tạo ra các sản phẩm từ nguồn dược liệu có thế mạnh của tỉnh Nghệ An./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực