Mô hình trồng cây ba kích tím tại Quảng Ninh (Ảnh: baoquangninh.com.vn)
Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, công tác về dược liệu trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, để giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp về tiềm năng, thế mạnh của Quảng Ninh trong nuôi trồng phát triển dược liệu, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển dược liệu. Qua đó, đã thu hút được quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và đông đảo hợp tác xã, hộ gia đình và đã ký kết được 13 Biên bản ghi nhớ hợp tác với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dược liệu. Đồng thời, Quảng Ninh tiếp tục có các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển dược liệu, thu hút được một số doanh nghiệp, cá nhân đầu tư trồng dược liệu.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Viện Dược liệu, Trường Đại học Dược Hà Nội tổ chức điều tra tổng thể tài nguyên cây thuốc trên địa bàn tỉnh; xây dựng quy hoạch phát triển cây thuốc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 với mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm dược liệu vùng Đông Bắc. Đồng thời, xây dựng một số vùng trồng dược liệu quy mô công nghiệp theo tiêu chuẩn về thực hành tốt nuôi trồng, thu hoạch để phục vụ cho nhu cầu dược liệu của các cơ sở chế biến dược liệu, sản xuất thuốc từ dược liệu.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển các sản phẩm từ dược liệu đã được quan tâm, khuyến khích, do đó gia tăng đáng kể giá trị kinh tế của các sản phẩm. Hàng loạt các đề tài, dự án ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai trong các năm qua góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm như: đề tài ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất sản phẩm từ Ba kích tím, đề tài ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất Đông trùng hạ thảo,...
Nhận thức việc bảo tồn nguồn gen dược liệu quý, hiếm là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng và triển khai bảo tồn nguồn gen một số dược liệu quý trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành một số cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu với quy mô ngày càng lớn. Đây là tiền đề quan trọng để phát triển công nghiệp sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng từ dược liệu.
Thêm vào đó, một số sản phẩm đã được xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm như: rượu ba kích tím, trà túi lọc trà hoa vàng. Đồng thời, việc phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị được quan tâm với một số chuỗi giá trị sản phẩm được xây dựng. Cụ thể: chuỗi giá trị sản phẩm từ dược liệu trà hoa vàng, chuỗi giá trị sản phẩm giảo cổ lam, diệp hạ châu, dây thìa canh; chuỗi giá trị sản phẩm lá trà hoa vàng tươi.
Tuy nhiên, theo Sở Y tế Quảng Ninh, công tác trồng, phát triển dược liệu tại tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức. Cụ thể, chưa có chính sách bao tiêu sản phẩm dược liệu theo chuỗi từ vùng nuôi trồng dược liệu, bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Chưa kiểm soát chặt chẽ nguồn dược liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là dược liệu trôi nổi, nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Điều này gây ảnh hưởng lớn về đầu ra cho dược liệu trong nước. Cùng với đó, tiêu chuẩn dược liệu còn chưa đầy đủ, thiếu các quy định về hàm lượng, họat chất,…
Nhằm khắc phục những khó khăn, thách thức trong công tác phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh, theo Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, cần có quyết tâm chính trị cao của tất cả các cơ quan từ tỉnh ủy, UBND, các Sở, ban, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư cho phát triển dược liệu, trong đó, nguồn vốn của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể, đầu tư vào phát triển vùng trồng, sơ chế, chế biến dược liệu và sản xuất các sản phẩm từ dược liệu. Nguồn ngân sách nhà nước đầu tư nghiên cứu, phát triển, cải tiến quy trình, kỹ thụât sản xuất giống và trồng dược liệu; nghiên cứu và phát triển các sản phẩm kỹ thuật cao, đồng thời bảo tồn nguồn gen dược liệu quý, hiếm.
Cùng với đó, cần xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào trồng, phát triển dược liệu. Việc phát triển dược liệu cần gắn liền với việc hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm; đẩy mạnh công tác quảng bá, thu hút, xúc tiến đầu tư. Thông qua đó, thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, nhân dân tham gia phát triển dược liệu./.