Số trẻ em sinh ra bị nhẹ cân ở Việt Nam ở mức ổn định ít thay đổi trong vòng 15 năm qua

Chủ nhật, 19/05/2019 11:04
(ĐCSVN) - Hơn 20 triệu trẻ em trên thế giới sinh ra bị nhẹ cân (nhẹ hơn 2500 gam; 5,5 pounds) năm 2015 – tương đương với khoảng 1/7 trẻ sơ sinh trên thế giới bị nhẹ cân, theo nghiên cứu mới nhất được thực hiện bởi Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London, UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được công bố trên tập san y khoa The Lancet Global Health.
Phương pháp mới cho trẻ sơ sinh "da tiếp da" với bố mẹ (Ảnh: vietnammoi.vn)

Số liệu từ báo cáo cho thấy tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhẹ cân của Việt Nam thấp nhất khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương (8,2% năm 2015). “Con số này rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, đây là tỷ lệ trung bình quốc gia và con số này chưa đưa ra được một bức tranh toàn diện và có thể còn chưa thể hiện sự khác biệt, ví dụ 28% bà mẹ trong nhóm các bà mẹ nghèo nhất không sinh nở tại các cơ sở y tế, và trong trường hợp này cân nặng của trẻ sơ sinh thường chưa được ghi chép lại” - bà Rana cho biết.

Đánh giá về vấn đề cân nặng của trẻ sơ sinh ở 148 quốc gia, rà soát 281 triệu ca sinh, những ước tính lần đầu tiên được đưa ra này, chỉ ra rằng trên thế giới tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhẹ cân giảm nhẹ từ 17,5% năm 2000 (22,9 triệu ca sinh sống nhẹ cân) xuống còn 14,6% năm 2015 (20,5 triệu). Ở Việt Nam tình hình này cũng tương tự, tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhẹ cân giảm 1%, từ 9,2% năm 2000 xuống còn 8,2% năm 2015; số trẻ sơ sinh bị nhẹ cân không thay đổi lớn và vẫn ở mức 130.000 hàng năm trong khoảng thời gian này.

Trẻ sơ sinh bị nhẹ cân là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến trên 80% ca tử vong trẻ sơ sinh. Đối với những trẻ sơ sinh sống sót được – trẻ có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng thấp còi, bị các vấn đề về phát triển và thể chất sau này khi lớn lên. Kêu gọi khẩn trương chú trọng đến việc giảm số trẻ sơ sinh bị nhẹ cân, nghiên cứu đưa ra thách thức với chính phủ các quốc gia giàu cũng như nghèo cần tập trung và làm nhiều hơn nữa. “Chúng ta có thể đạt được những tiến triển và cải thiện tình hình nếu tập trung nhiều hơn nữa cho chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai trong quá trình chăm sóc tiền sản có chất lượng, đảm bảo tất cả các bà mẹ sinh đẻ tại cơ sở y tế, đặc biệt các bà mẹ nghèo nhất ở vùng sâu, vùng xa, và miền núi. Tương tự, việc tăng cường triển khai trên toàn quốc các can thiệp cho trẻ bị sinh non và sinh nhẹ cân như chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu và chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo – cũng có thể đem lại nhiều kết quả tích cực hơn” - bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam nhận định.

Nghiên cứu cũng kết luận rằng với tiến độ hiện tại – giảm 1,2% hàng năm tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhẹ cân từ năm 2000 đến 2015 – thế giới sẽ không đạt được tỷ lệ giảm 2,7% hàng năm để hoàn thành mục tiêu của WHO là giảm 30% trẻ sơ sinh bị nhẹ cân từ năm 2012 đến năm 2025.

Các tác giả của nghiên cứu này kêu gọi quốc tế hãy hành động để đảm bảo rằng tất cả trẻ em đều được cân nặng ngay sau khi được sinh ra đời, đảm bảo chăm sóc lâm sàng được cải thiện, thúc đẩy các hoạt động y tế công cộng để giải quyết các nguyên nhân của trẻ sơ sinh bị nhẹ cân. Nghiên cứu chỉ ra sự cần thiết phải khẩn trương đầu tư và hành động để giải quyết các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh bị nhẹ cân bao gồm sinh con muộn, đa thai, tai biến sản khoa, tình trạng bệnh mãn tính (như tăng huyết áp), nhiễm trùng (như sốt rét), tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ mang thai, cũng như tiếp xúc với những yếu tố môi trường như ô nhiễm không khí trong nhà, sử dụng thuốc lá và ma túy. Ở các quốc gia thu nhập thấp, thai nhi phát triển kém từ trong bụng mẹ là nguyên nhân chính gây ra trẻ sinh bị nhẹ cân. Ở một số khu vực phát triển hơn, trẻ sơ sinh bị nhẹ cân thường liên quan đến sinh non (trẻ được sinh ra trước tuần thứ 37 của thai kỳ).

Đưa ra những tín hiệu về các quan ngại trong việc thiếu số liệu ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình, báo cáo nghiên cứu đưa ra lời kêu gọi rõ ràng về sự cần thiết phải đo chỉ số cân nặng của mỗi trẻ sơ sinh khi ra đời. “Mỗi trẻ sơ sinh cần được cân nặng, nhưng trên thế giới, chúng ta vẫn chưa ghi chép được cân nặng của gần một phần ba số trẻ sơ sinh,” bà Julia Krasevec, Chuyên gia Thống kê và Giám sát của UNICEF, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết. “Chúng ta không thể giúp trẻ sơ sinh bị nhẹ cân nếu không cải thiện mức độ bao phủ và tính chính xác của các số liệu chúng ta thu thập. Với các thiết bị đo cân nặng và hệ thống số liệu tốt hơn, chúng ta có thể ghi chép được cân nặng chính xác của mỗi trẻ sơ sinh, kể cả những trẻ sinh tại nhà, từ đó chăm sóc chất lượng tốt hơn cho trẻ sơ sinh và các bà mẹ.”  

Những ông bố cũng "da tiếp da" với trẻ sơ sinh (Ảnh: vietnammoi.vn)

Gần ba phần tư trẻ em sơ sinh nhẹ cân được sinh ra ở Nam Á và Châu Phi Hạ Sahara, nơi nguồn số liệu hạn chế nhất. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các quốc gia thu nhập cao ở Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và New Zealand hầu như chưa đạt được tiến bộ nào trong lĩnh vực này kể từ năm 2000 đến nay.

Thụy Điển là một trong các quốc gia có tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhẹ cân năm 2015 thấp nhất (2,4%). Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức 7% ở các quốc gia thu nhập cao như Mỹ (8%), Anh (7%), Úc (6,5%), và New Zealand (5,7%). Khu vực đạt được tiến bộ nhanh nhất là các quốc gia có số trẻ sơ sinh nhẹ cân cao nhất, Nam Á và Châu Phi hạ Sahara, với tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhẹ cân giảm hàng năm lần lượt là 1,4% và 1,1%, từ năm 2000 đến năm 2015. Nam Á vẫn là khu vực chiếm gần một nửa số ca sinh sống bị nhẹ cân của thế giới, ước tính 9,8 triệu trong năm 2015.

“Trẻ sơ sinh bị nhẹ cân là một thực thể lâm sàng phức tạp bao gồm thai nhi chậm phát triển trong tử cung và sinh non. Chính vì vậy để giảm số trẻ sơ sinh bị nhẹ cân chúng ta cần hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của từng quốc gia cụ thể. Ví dụ như ở Nam Á, một phần lớn trẻ sơ sinh bị nhẹ cân được sinh ra đúng thai kỳ nhưng thai nhi đã chậm phát triển từ khi còn trong bụng mẹ, điều này có liên quan đến dinh dưỡng không đầy đủ của bà mẹ bao gồm suy dinh dưỡng bà mẹ. Ngược lại, sinh non lại là nguyên nhân chính gây ra trẻ sơ sinh bị nhẹ cân ở các quốc gia có nhiều bà mẹ mang thai ở tuổi vị thành niên, tỷ lệ bệnh nhiễm trùng cao, hoặc mang thai có liên quan nhiều đến điều trị hỗ trợ sinh sản và mổ lấy thai (như ở Mỹ và Brazil). Hiểu rõ và giải quyết những nguyên nhân sâu xa này ở các quốc gia gánh nặng về trẻ sơ sinh bị nhẹ cân phải là một ưu tiên.” - theo Tiến sỹ Mercedes de Onis của WHO, Thụy Sỹ, đồng tác giả nghiên cứu. 

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực