Sốt xuất huyết, cách nhận biết và phương pháp điều trị

Thứ tư, 09/08/2017 09:49
(ĐCSVN) – Đến thời điểm này, dịch sốt xuất huyết (SXH) đã lan rộng khắp cả nước. Một số địa phương có số bệnh nhân ngày càng tăng cao. Tại Hà Nội, các bệnh viện đều quá tải bệnh nhân SXH. Làm thế nào để phát hiện sớm và điều trị đúng bệnh SXH là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Để giải đáp thắc mắc của nhiều bạn đọc xung quanh vấn đề này, ngày 8/8  Báo Nhân Dân đã mời TS.BS Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai giao lưu tọa đàm trực tuyến với bạn đọc. Sau đây là một số nội dung trong buổi giao lưu.

Hình ảnh buổi tọa đàm (Ảnh: NT)

Phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết

Bạn đọc Nguyễn Thị Lan (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội): Thưa bác sĩ Cường, gia đình tôi hiện nay rất lo lắng trước tình hình dịch bệnh. Xin bác sĩ có thể cho biết những triệu chứng điển hình của SXH và hiện nay có thể đi khám SXH tại những cơ sở y tế nào để yên tâm phát hiện bệnh sớm?

TS.BS Đỗ Duy Cường: Như tên gọi của bệnh, SXH bao gồm hai triệu chứng chính là sốt và biểu hiện xuất huyết do giảm tiểu cầu. Tuy nhiên, về mặt cơ chế bệnh sinh virus SXH còn gây ra biểu hiện tổn thương mạch máu (mao mạch) làm tăng tính thấm thành mạch gây nên hiện tượng cô đặc máu có thể dẫn tới sốc giảm thể tích và nguy hiểm tính mạng.

Triệu chứng đầu tiên của SXH là sốt cao đột ngột, đau mình mẩy, đau đầu, da xung huyết, mệt mỏi chán ăn, có thể có nổi hạch, phát ban. Triệu chứng sốt này thường kéo dài từ hai đến năm ngày. Từ ngày thứ tư trở đi bệnh nhân có thể kèm theo các biểu hiện xuất huyết như: xuất huyết dạng chấm dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, trường hợp nặng có thể rong kinh, rong huyết (ở nữ giới) hoặc xuất huyết nội tạng.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể có các biểu hiện của cô đặc máu như mệt mỏi, nôn, chân tay lạnh, đau bụng vùng gan, tụt huyết áp, tiểu ít và trong tình trạng sốc. Tuy nhiên, hầu hết 90% các biểu hiện SXH là thể nhẹ chỉ bao gồm sốt và xuất huyết nhẹ. SXH có thể phát hiện bằng xét nghiệm máu đơn giản tại các cơ sở y tế gần nhà. Do vậy, tôi khuyên mọi người nếu có các biểu hiện như trên thì cần đến ngay cơ sở y tế gần nhà để được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bạn đọc bavuonghaitac2@gmail.com: Thưa bác sĩ, sau thời gian bao lâu kể từ khi có triệu chứng nghi SXH thì xét nghiệm máu sàng lọc SXH cho kết quả chính xác nhất?

TS.BS Đỗ Duy Cường: Hiện nay chẩn đoán SXH tương đối đơn giản, cho kết quả nhanh sau một giờ bởi xét nghiệm sàng lọc test nhanh, có thể phát hiện kháng nguyên NS1Ag ngay từ ngày đầu tiên của bệnh khi phát hiện sốt.

Xét nghiệm này có sẵn tại các cơ sở y tế với độ nhạy cao. Những ngày sau có thể khẳng định bằng xét nghiệm phát hiện kháng thể IgM, IgG cũng cho kết quả nhanh. Tuy nhiên, để chẩn đoán một người mắc bệnh SXH cần phải dựa vào các biểu hiện lâm sàng kết hợp với xét nghiệm công thức máu để đánh giá tình trạng hạ tiểu cầu, cô đặc máu… giúp bác sĩ phân loại mức độ nặng nhẹ để có phác đồ điều trị phù hợp.

Bạn đọc Phùng Hiển (số 9, ngách 24, ngõ 1, phố Trần Quốc Hoàn, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy): Tôi bị sốt đến ngày thứ 4 thì ngắt sốt 2 ngày, sau đó sốt lại và còn bị choáng ngất xỉu, sau đó tôi bị ngứa ngáy khắp người, gãi có nổi ửng đỏ khu vực tay, chân. Đó là triệu chứng sốt gì, thưa bác sĩ?

TS.BS Đỗ Duy Cường: Theo diễn biến của bệnh, SXH từ ngày thứ 4 trở đi sẽ có biến chứng nặng như xuất huyết hoặc sốc giảm thể tích do máu bị cô đặc. Thường lúc đó triệu chứng sốt có vẻ như giảm đi nhưng tình trạng toàn thân nặng lên như mệt mỏi bơ phờ, chân tay lạnh, bứt rứt khó chịu, đau bụng, nôn…

Triệu chứng của bạn bị choáng ngất xỉu có thể tụt huyết áp do hiện tượng cô đặc máu rất nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn đã qua được giai đoạn này bây giờ bạn xuất hiện ngứa ngáy khắp người gãi có nổi ửng đỏ khu vực tay, chân… Nhiều người tưởng ngứa do dị ứng thuốc nhưng thực ra giai đoạn này bệnh nhân đang hồi phục, các phức hợp kháng nguyên - kháng thể lắng đọng dưới tổ chức dưới da gây nên hiện tượng ngứa rất khó chịu.

Bạn chỉ cần dùng thuốc kháng histamine (Loratadine viên 10mg) uống ngày một viên trong vòng vài ba ngày là hết ngứa.

Phương pháp điều trị đúng cho bệnh nhân sốt xuất huyết

Bạn đọc Trần Khánh Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội): Các ca mắc SXH nhẹ có thể chăm sóc tại nhà được không, thưa bác sĩ Cường?

TS.BS Đỗ Duy Cường: Đối với các trường hợp SXH nhẹ thì có thể điều trị tại nhà nhưng phải có sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. SXH do virus truyền nên các biện pháp điều trị chỉ là chữa triệu chứng, theo dõi các biến chứng chờ cơ thể tự hồi phục. Do đó, điều trị tại nhà bằng cách dùng thuốc hạ sốt và bù dịch và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

TS.BS Đỗ Duy Cường trả lời bạn đọc (Ảnh: NT)

Nhưng tôi lưu ý, chúng ta chỉ được dùng thuốc hạ sốt chủ yếu bằng paracetamol, đối với người lớn dùng 1 viên 500mg/lần cách 4 đến 6 tiếng, không quá 3g/ngày. Ngoài ra dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng phương pháp vật lý hoặc thuốc dân gian như: chườm mát, uống các loại nước thảo dược có tác dụng thanh nhiệt như: rau má, bông má đề... Bù dịch bằng cách pha Oresol uống theo chỉ dẫn mỗi ngày ít nhất từ 1 đến 2 lít, ngoài ra bù dịch bằng các dung dịch khác như nước hoa quả, nước canh…, ăn thức ăn nhẹ dễ tiêu, nghỉ ngơi tại giường, vệ sinh thân thể tránh bội nhiễm.

Tôi cũng khuyến cáo người dân hạn chế truyền dịch tại nhà nếu như không có chỉ định của bác sĩ.

Bạn đọc Hoàng Ngọc Ly (Phương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội): Nhiều người khi thấy con sốt là cho uống hạ sốt, nhất là kiểu hạ sốt phối hợp có Ibuprofen. Theo ông, với SXH mà cho uống hạ sốt sẽ nguy hiểm như thế nào?

TS.BS Đỗ Duy Cường: Điều trị sốt trong SXH chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tức là dùng các sản phẩm thuốc hạ sốt có chứa paracetamol hiện nay có bán sẵn tại các hiệu thuốc như: Panadol, Efferalgan, Tylenol,.. mà không cần phải kê đơn. Cho nên các phụ huynh cho con dùng thuốc hạ sốt trong điều trị SXH cần lưu ý là chỉ cho thuốc hạ sốt khi thân nhiệt hơn 38,5 độ và thời gian cách nhau ít nhất là 4 giờ, liều dùng trẻ em 10 đến 15mg/kg cân nặng/lần, không quá 60mg/kg cân nặng/ngày, người lớn không quá 3g/ngày. Các thuốc có phối hợp Ibuprofen hoặc asprin thì tuyệt đối không dùng vì tăng nguy cơ gây chảy máu. Trong SXH nếu dùng quá nhiều thuốc hạ sốt sẽ gây tổn thương gan làm tăng men gan.

Bạn đọc Trần Duy Bình (Thanh Trì, Hà Nội): Có nhiều sai lầm trong cách điều trị SXH. Thí dụ tôi thấy khu phố nhà tôi nhiều người con SXH cũng cho đi truyền nước trong khi tôi thấy được tuyên truyền là truyền nước, truyền đạm sẽ rất nguy hiểm. Là bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, ông có thể chỉ rõ những điểm sai lầm để người dân chúng tôi tìm hiểu và tìm cách phòng bệnh?

TS.BS Đỗ Duy Cường: Đối với SXH thể nhẹ chỉ cần bù dịch bằng đường uống. Trường hợp nôn nhiều không ăn uống được có thể truyền dịch tại nhà nhưng phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và theo dõi chặt chẽ bởi nhân viên y tế.

Dung dịch truyền thường là Ringer’s lactate hoặc là nước muối đẳng trương NaCl 0.9%, khối lượng truyền thường 500 đến 1.000ml/ngày. Các dung dịch truyền khác như truyền đạm, albumin, nước hoa quả là tuyệt đối không dùng vì có thể gây tai biến và làm nặng thêm tình trạng cô đặc máu. Các trường hợp nặng cần truyền dịch phải đưa vào bệnh viện theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Bạn đọc Bùi Quang Chiến (Đống Đa, Hà Nội): Khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai vừa rồi điều trị cho nhiều sản phụ mắc SXH. Tôi rất lo lắng vì vợ tôi đang mang bầu. Theo bác sĩ, sản phụ mắc SXH nguy hiểm như thế nào ạ?

TS.BS Đỗ Duy Cường: Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai hiện đang điều trị cho nhiều sản phụ mắc SXH (khoảng 20% các bệnh nhân). Các bà bầu có thể bị SXH trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. SXH có thể gây sảy thai, thai lưu, nếu trong những tháng đầu, hoặc gây đẻ non, chuyển dạ sớm nếu trong những tháng cuối... Đặc biệt có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của cả mẹ và con nếu có biểu hiện xuất huyết nặng do rối loạn đông máu trong quá trình đẻ, chuyển dạ. SXH không gây dị dạng cho thai như bệnh Rubella.

Tôi khuyến cáo, các bà bầu khi mang thai bị SXH cần được phát hiện sớm và theo dõi kịp thời tại các cơ sở điều trị chuyên khoa để được khám, hội chẩn bởi các bác sĩ chuyên khoa sản – truyền nhiễm tránh các tai biến sản khoa. Thực tế cho đến nay, tất cả các bà bầu mắc SXH điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai đều khỏi, ra viện, không có biến chứng gì cho cả mẹ và con, các bà bầu mang thai tháng cuối đều sinh nở mẹ tròn con vuông nên bạn cũng không nên quá lo lắng.

Bạn đọc Lê Mai Lan (khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội): Nhiều ca bệnh nhẹ, thậm chí tiểu cầu rơi xuống 50-60 vẫn không được nhập viện mà chỉ điều trị ngoại trú, xét nghiệm máu hằng ngày. Liệu có phải vì quá tải bệnh viện, khan hiếm nguồn tiểu cầu mà năm nay, những ca bệnh này không được nhập viện điều trị như mọi năm không?

TS.BS Đỗ Duy Cường: Điều trị SXH cần theo đúng phác đồ của Bộ Y tế. Những trường hợp nhẹ hoặc SXH trong những ngày đầu thì có thể điều trị ngoại trú hoặc theo dõi tại nhà. Các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo (đau bụng, nôn, tụt huyết áp, xuất huyết, men gan tăng, tiểu cầu hạ nhanh, cô đặc máu, hematocrit tăng,..) thì cần nhập viện để theo dõi và điều trị nội trú.

Nếu tiểu cầu hạ xuống còn 50-60 G/L mà không có biểu hiện xuất huyết, toàn trạng vẫn tốt thì chỉ cần theo dõi công thức máu hằng ngày mà không cần phải truyền khối tiểu cầu. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, truyền tiểu cầu chỉ khi nào số lượng tiểu cầu hạ dưới 10 G/L hoặc có biểu hiện chảy máu nặng và phải có chỉ định và giám sát chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa, chứ không phải vì quá tải bệnh viện hay khan hiếm nguồn tiểu cầu.

Kim Dung (lược ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực