Tăng cường các giải pháp để đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS

Thứ hai, 09/12/2013 14:38

(ĐCSVN) - Qua 20 năm triển khai ứng phó với HIV/AIDS, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng cùng với nỗ lực của ngành y tế, công tác phòng chống HIV/AIDS đã đạt được những thành công đáng ghi nhận, đặc biệt là công tác lãnh đạo, điều hành, sự phối hợp mạnh mẽ của các Bộ ngành liên quan, cùng chung tay phòng chống HIV/AIDS.

 

 Hình ảnh buổi sinh hoạt cộng đồng của những người nhiếm HIV 
 (Ảnh: K.S)


Trong nhiều năm qua, số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng. Nguyên Tổng thư ký Liên hiệp Quốc đã từng khẳng định” ”Đại dịch HIV/AIDS là thách thức to lớn nhất của thời đại chúng ta, gây ra hậu quả to lớn đối với ... y tế và các dịch vụ xã hội, làm hàng triệu trẻ em mồ côi và hủy hoại nhân loại, giống nòi, AIDS là nguyên nhân của cuộc khủng khoảng kinh tế xã hội, đe dọa sự ổn định chính trị, xã hội”.

Thực hiện các chỉ đạo của Đảng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS: Ngày 09/5/2011, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra thông báo số 27-TB/TW đánh giá thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư về "Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới", trong đó nhấn mạnh “cần đưa công tác phòng chống HIV/AIDS thành chương trình mục tiêu quốc gia”;

Thực hiện các cam kết của Việt nam với cộng đồng quốc tế, ngày 8-10/6/2011, cuộc họp cấp cao về HIV/AIDS của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết số 1983 kêu gọi các quốc gia thành viên có những hành động mạnh mẽ hơn nữa để: chấm dứt các trường hợp nhiễm mới; xóa bỏ tử vong do HIV/AIDS...

Với những nỗ lực không ngừng, tính đến 30/6/2013, số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống 214.795 người và 65.401 trường hợp tử vong do AIDS. Địa bàn dịch HIV tiếp tục lan rộng với 100% tỉnh, thành phố, 98% số quận huyện và 78% số xã phường đã phát hiện có người nhiễm HIV. Đáng chú ý, HIV/AIDS đang tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 20-39 tuổi, dịch lại mới nổi lên ở một số khu vực các huyện miền núi các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La...

Cùng với sự nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, các trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã ra đời đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân, tính đến 31/12/2012, cả nước có 43/63 Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đã và đang được tiến hành xây dựng, trong đó 13/63 Trung tâm đã hoàn thành (chiếm 30,2%) và có 68,3% Trung tâm được đầu tư trang thiết bị thiết yếu theo danh mục quy định của Bộ Y tế. Có 50% Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã có trụ sở riêng biệt để ổn định và thực hiện các hoạt động chuyên môn.

Đáng chú ý, công tác điều trị được triển khai mạnh mẽ, Chương trình điều trị bằng thuốc kháng HIV tại Việt Nam được bắt đầu từ năm 2000. Vào cuối năm 2005, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế, chương trình điều trị bằng thuốc kháng HIV được mở rộng trên toàn quốc. Tính đến tháng 9 năm 2012, toàn quốc có 69.882 người nhiễm HIV đang được điều trị bằng thuốc ARV, trong đó 66.167 bệnh nhân là người lớn và 3.715 bệnh nhân là trẻ em, tăng gấp 26 lần so với cuối năm 2005.
Về công tác đào tạo hệ thống phòng, chống HIV/AIDS, tính đến hết năm 2010 trên toàn quốc có 14.954 cán bộ tham gia hoạt động phòng, chống HIV tại địa phương, trong đó 32,7% cán bộ có trình độ đại học hoặc trên đại học, 66,6% cán bộ có trình độ cao đẳng và trung cấp 0,7% là có trình độ phổ thông.

Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn không ít tồn tại, mặc dù dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm cả về số người nhiễm, số bệnh nhân AIDS và tử vong do AIDS, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảm tính bền vững, dịch HIV/AIDS ở nước ta vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, đối với mô hình dịch tập trung như của Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên triển khai các hoạt động giám sát gồm ước tính quần thể nhóm nguy cơ, giám sát ca bệnh, giám sát trọng điểm, giám sát hành vi. Việt Nam đã cơ bản triển khai tất cả các hoạt động theo khuyến cáo. Tuy nhiên, do đặc điểm của đối tượng nguy cơ là người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới, do đó việc tiếp cận và đảm bảo chất lượng số liệu giám sát trên các nhóm này rất khó khăn. Ngoài ra, tổng kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS có xu hướng giảm nhanh đang trở thành thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay...

Để tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, tăng cường phối hợp liên ngành, sự phối hợp chung tay của cộng đồng. Ngoài ra, tiếp tục tăng cường năng lực cho hệ thống HIV/AIDS và thiết lập hệ thống cung ứng thuốc, sinh phẩm bền vững cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực