(Ảnh minh họa: N.Y)
Thực hiện quyết định số 3172/QĐ-BYT ngày 1/9/2009 về việc kiện toàn, thành lập trung tâm, phòng đào tạo chỉ đạo tuyến của các bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế, đã có 24/37 bệnh viện thành lập Trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến, các bệnh viện còn lại đều kiện toàn tổ chức đơn vị thực hiện hoạt động chỉ đạo tuyến. Hàng năm, 37 bệnh viện trực thuộc Bộ đã tổ chức khảo sát thực trạng bệnh viện tuyến dưới, xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện hoạt động chỉ đạo tuyến và các đề án, dự án liên quan.
Đặc biệt, thực hiện Thông tư số 14/2014/TT-BYT quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế đều đã bước đầu thực hiện quản lý chuyển tuyến, thông tin hai chiều. Các bệnh viện đã hướng dẫn bệnh viện tuyến dưới thực hiện các chương trình y tế quốc gia như phòng chống lao, phong, tâm thần, tim mạch, đái tháo đường, bướu cổ và thực hiện khám sàng lọc tại cộng đồng…
Tại các sở y tế địa phương, công tác chỉ đạo chuyển tuyến cũng đã được quan tâm. Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng quy chế chuyển tuyến nội bộ địa phương, bảo đảm việc chuyển lên, chuyển xuống, chuyển ngang tuyến. Hầu hết các tỉnh đều tổ chức luân phiên cán bộ hỗ trợ các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại địa phương.
Công tác chỉ đạo tuyến đã giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân các địa phương; người dân được tiếp cận dịch vụ y tế kỹ thuật cao, hạn chế chuyển tuyến, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Đánh giá kết quả sau 1 năm thực hiện Thông tư số 14/2014/TT-BYT cho thấy các bệnh viện đã bước đầu triển khai thực hiện việc quản lý chuyển tuyến, chuyển người bệnh đi các tuyển, tiếp nhận người bệnh từ các tuyến chuyển về và định kỳ báo cáo chuyển tuyến. Một số bệnh viện đã thực hiện phản hồi thông tin chuyển tuyến.
Một số bệnh viện tuyến tỉnh đã thường xuyên tổ chức giao ban chuyển tuyến với bệnh viện tuyến huyện: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La. Một số bệnh viện tuyến huyện tại Hòa Bình cũng đã tổ chức giao ban chuyển tuyến với các trạm y tế xã. Hoạt động giao ban chuyển tuyến bước đầu đạt được hiệu quả mong muốn…
Theo các đại biểu, công tác chuyển tuyến bước đầu đã giúp phản ánh năng lực chuyên môn tuyến dưới, là cơ sở xây dựng các giải pháp hỗ trợ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân các địa phương.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tăng cường công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật các chuyên ngành như tim mạch, nội tiết, rối loạn chuyển hóa, ung bướu, xương khớp, chấn thương, nhi khoa, sản khoa cho các bệnh viện tuyến dưới. Bên cạnh đẩy mạnh thực hiện quản lý chuyển tuyến của các đơn vị, Bộ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát thực hiện quản lý chuyển tuyến, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên./.
PV