(ĐCSVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa gửi công văn yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết tại trường học.
Trong đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1632/CĐ-TTg ngày 11/9/2015 về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết, nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo, các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp chủ động phối hợp với các Sở Y tế và cơ quan có liên quan của địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường về nguyên nhân, hậu quả của bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng, chống. Giáo dục học sinh, sinh viên làm tốt nhiệm vụ là cầu nối tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng.
Đồng thời, huy động học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường vận động nhân dân trên địa bàn tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy), vệ sinh môi trường tại các trường học, khu nhà ở tập thể, nhà trọ, ký túc xá, tại gia đình và cộng đồng.
|
Tăng cường vệ sinh chum vại nước, diệt nguồn sinh sôi của muỗi (Ảnh: C.T) |
Cùng với đó, các trường cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thông báo ngay cho cơ quan y tế để phối hợp xử lý triệt để ổ dịch.
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh, trước đó, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân thực hiện 6 biện pháp chính để phòng chống sốt xuất huyết gồm:
Một là, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng;
Hai là, diệt lăng quăng (bọ gậy) hàng tuần bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn;
Ba là, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như: chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...;
Bốn là, ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày;
Năm là, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Bộ Y tế cho biết, thuốc phun diệt muỗi đã qua kiểm duyệt và được cấp phép của Bộ Y tế. Thuốc hoàn toàn đảm bảo chất lượng và không gây ảnh hưởng, độc hại tới sức khỏe;
Sáu là, khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.