(ĐCSVN) – Để mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, trong thời gian qua, ngành y tế đã thực hiện chính sách luân phiên cán bộ y tế, đây đang được coi là giải pháp hiệu quả để giải quyết thiết hụt nhân lực của y tế tuyến dưới.
|
Hình ảnh tại một phòng khám tuyến dưới (Ảnh: M.P) |
Nhân lực là yếu tố quan trọng nhất có vai trò quyết định đến hiệu quả công tác y tế trong các cơ sở y tế nhà nước, nơi có vai trò chủ đạo trong việc cung cấp dịch vụ sức khỏe cho nhân dân, thực hiện công bằng trong bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Ngành y tế đã và đang thực hiện chính sách luân phiên cán bộ y tế để hỗ trợ tuyến dưới nâng cao chất lượng khám, điều trị cho người bệnh, đồng thời góp phần đào tạo cán bộ, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, kết quả thu được cho thấy đây là hướng đi phù hợp trong tình hình kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn hiện nay.
Tại Luật Khám, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23 tháng 11 năm 2009; tại Điều 4, Khoản 2 đã quy định: “Tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực y tế ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến trên xuống tuyến dưới, từ vùng có điều kiện kinh tế - xã hội không khó khăn đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.
Có thể nói, trong mọi thời kỳ Đảng, nhà nước ta luôn quan tâm đến chính sách công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, không kể sự khác biệt về địa lý, kinh tế - xã hội. Trước thực trạng mất cân đối về nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng giữa các tuyến trong hệ thống tổ chức y tế nhà nước, đặc biệt thiếu hụt nhân lực y tế ở các tỉnh vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đòi hỏi phải có giải pháp chính sách thích hợp về đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nhân lực y tế.
Để chủ động tăng cường cán bộ y tế cho địa phương, vừa qua Bộ Y tế đã triển khai Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2008) đã khẳng định hiệu quả của việc tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn từ tuyến trên xuống tuyến dưới.
|
Khám giác mạc cho người dân địa phương tại cơ sở (Ảnh: M.P) |
Đáng chú ý, ngày 20 tháng 02 năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 14/2013/QĐ-CP quy định chế độ luân phiên có thời hạn của người hành nghề trong các cơ sở khám, chữa bệnh công lập nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho các tuyến y tế địa phương, ưu tiên giải quyết thiếu hụt nhân lực y tế cho các tỉnh biên giới, vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa là một biện pháp giảm quá tải bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến trên. Nội dung của Quyết định đã đưa ra những nguyên tắc rất cụ thể, rõ ràng để việc thực hiện được hiệu quả, công bằng, đồng thời có những ưu đãi, khuyến khích người thực hiện về cả vật chất lẫn tinh thần.
Với sự nỗ lực của toàn ngành y tế đến nay cả nước có 69,02% số xã có bác sỹ hoạt động, các cán bộ y tế luân phiên, bên cạnh việc trực tiếp khám chữa bệnh cho người dân địa phương còn có thể chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cho các bác sĩ tại tuyến cơ sở để từ đó nắm bắt tình hình bệnh tật, năng lực chuyên môn, kỹ thuật của bệnh viện địa phương và có những đề xuất phù hợp để góp phần thúc đẩy sự phát triển của bệnh viện tuyến dưới
Việc quy định chế độ luân phiên có thời hạn của người hành nghề trong các cơ sở khám, chữa bệnh công lập đã chính thức trở thành một chính sách sử dụng nhân lực y tế có tính pháp quy giúp người bệnh được tiếp cận dễ dàng hơn với dịch vụ y tế có chất lượng cao, giảm những khó khăn, phiền hà, thực hiện công bằng trong khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đồng thời hình thành chính sách phân công lao động y tế theo nhu cầu xã hội như là nghĩa vụ của người hành nghề trong các cơ sở y tế công lập.
Mục tiêu đã đề ra đến năm 2020 có 100% số xã đồng bằng và 60% số xã miền núi có bác sỹ làm việc. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ cán bộ y tế luân phiên đạt rất thấp, mới đạt từ 5 đến 50% số xã có bác sỹ do vậy để đạt được mục tiêu đến năm 2020 đang là một thách thức lớn đối với ngành y tế.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn thách thức, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trong việc luân chuyển cán bộ, đồng thời cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp lại quy trình làm việc, quy trình khám, chữa bệnh khoa học, cải tạo cơ sở hạ tầng… với cách làm và kết quả thu được cùng với sự nỗ lực của ngành y tế trong thời gian tới việc tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn từ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả góp phần bảo đảm công bằng trong khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.