|
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
(ĐCSVN) - Trải qua hơn 4/5 chặng đường thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ về y tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Ngành y tế đã và đang tiếp tục nỗ lực để thực hiện hiệu quả các Mục tiêu thiên niên kỷ trong thời gian tới.
Mục tiêu Thiên niên kỷ đã được 189 quốc gia thành viên Liên hợp quốc nhất trí phấn đấu đạt được vào năm 2015 và được ghi trong bản Tuyên ngôn Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 9 năm 2000 ở Mỹ, bao gồm 8 mục tiêu cụ thể: Triệt để loại trừ tình trạng bần cùng (nghèo cùng cực) và thiếu ăn; Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học; Nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ; Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; Cải thiện sức khoẻ bà mẹ; Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác; Đảm bảo sự bền vững của môi trường và Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển. Năm trong số 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ liên quan mật thiết đến sức khỏe gồm:
Thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs), ngành Y tế đã đạt và vượt một số chỉ tiêu quan trọng và ấn tượng về y tế, đã giảm một nửa tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi (thể nhẹ cân) về đích trước thời hạn từ 3 - 4 năm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân đã giảm từ 41% (năm 1990) xuống 16,2% (giảm 24.8 điểm %) tương đương mức giảm hơn 60% và vượt 10% so với mục tiêu đề ra vào năm 2015.
Việt Nam tiếp tục bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh. Triển khai tiêm chủng miễn phí 11 loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, bại liệt, sởi, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn) cho trẻ em và phụ nữ. Đạt và duy trì thành quả trong việc thanh toán, loại trừ, giảm số mắc và tử vong của các bệnh trong tiêm chủng mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng...
Cùng với đó, mục tiêu về giảm tử vong mẹ cũng được triển khai mạnh mẽ, theo ước tính của Liên hợp quốc, Việt Nam có tốc độ giảm tử vong mẹ nhanh so với các nước trong khu vực (theo ước tính này, năm 2010, tỷ số tử vong mẹ của Việt Nam đứng thứ 4 trong nhóm 10 nước: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Myanmar, Indonesia, Campuchia, Đông Timo, Lào). Số phụ nữ có thai được quản lý và kiểm soát ngày càng tăng và được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ngày một tốt hơn.
Về công tác phòng chống sốt rét, với sự ủng hộ và tham gia tích cực của các bộ, ngành và các cấp chính quyền địa phương trong công tác phòng chống sốt rét nên so với năm 2000, năm xây dựng các mục tiêu thiên niên kỷ, đến năm 2011 số bệnh nhân sốt rét đã giảm trên 84% và tử vong do sốt rét đã giảm trên 90%. So với Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc thì năm 2011 Việt Nam đã đạt được cả về số bệnh nhân và số tử vong hàng năm đều giảm trong suốt một thập kỷ qua.
Đối với bệnh dịch HIV/AIDS, ngành y tế Việt Nam cũng đã không ngừng nỗ lực thực hiện hiệu quả mục tiêu chặn đứng và đẩy lùi tình trạng lan rộng của bệnh dịch HIV/AIDS, qua hơn 2/3 chặng đường, đến năm 2012 số ca nhiễm HIV đã giảm 31,5% so với năm 2001.
Về công tác khống chế bệnh lao, hiện nay, Việt Nam được xếp thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân lao cao nhất và xếp thứ 14 trong 27 nước có lao đa kháng cao nhất thế giới. Theo tốc độ giảm hiện nay, chúng ta có thể đạt được chỉ tiêu này của khu vực vào năm 2015 nếu có tăng đầu tư và sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
Những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ về y tế đã khẳng định sự nỗ lực không ngừng của ngành y tế Việt Nam. Tuy nhiên để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2015 vẫn còn không ít khó khăn. Để tiếp tục chặng đường thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, góp phần nâng cao công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong thời gian tới ngành y tế sẽ tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ; lồng ghép các nội dung thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ về y tế vào các chỉ tiêu và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Ngoài ra, không ngừng củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế miền núi, vùng sâu, vùng xa; thực hiện các giải pháp hướng đến “bao phủ dịch vụ y tế toàn dân”, qua đó, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho nhân dân vùng nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng khó khăn. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, tăng cường vận động và sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ nước ngoài cho đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế; tăng cường phối hợp liên ngành; đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, nâng cao nhận thức và hành vi về phòng bệnh...
Có thể nói, sau hơn 20 năm triển khai Chính sách của Đảng và Nhà nước và các giải pháp thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành và các địa phương, ngành Y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, để những tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, từ đó góp phần hoàn thành tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.