Triển khai chiến dịch quốc gia "Không phát hiện = Không lây truyền" (K=K)

Thứ năm, 24/10/2019 14:25
(ĐCSVN) - Theo TS. John Blandford, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) Việt Nam, Việt Nam là nước thứ 3 trên thế giới thực hiện chiến dịch K=K và là nước đầu tiên ở châu Á đi tiên phong trong chiến dịch này.
Hình ảnh tuyên truyền về chiến dịch (Ảnh: BTC)

Việt Nam có tỷ lệ ức chế virus HIV đạt mức không lây nhiễm thuộc diện cao nhất thế giới nghĩa là người nhiễm HIV sẽ không lây truyền virus HIV sang cho người khác nếu tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu…Đó là nhận định của bà Caryn R. McClelland, Phó Đại sứ Hoa Kỳ.

Ngày 22/10, Chương trình Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) thông qua Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) và Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam (VAAC) đã khởi động Chiến dịch Truyền thông Quốc gia về Không phát hiện bằng Không lây truyền (K=K) với Lễ phát động diễn ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Sự kiện này do Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Caryn R. McClelland, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam, GS.TS. Ngô Quý Châu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và TS.Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai chủ trì.

Tiếp nối thành công của chiến dịch truyền thông đã triển khai tại 2 thành phố, VAAC sẽ khởi xướng một loạt các sự kiện công cộng và các hoạt động liên quan đến K=K trên toàn quốc cho đến Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS (ngày 1/12) và đến cuối năm.

Để chuẩn bị cho Chiến dịch quốc gia K=K này và Tháng Hành động Quốc gia về Phòng, chống HIV/AIDS vào tháng 11, VAAC đã ban hành Hướng dẫn truyền thông về K=K ngày 6/9/2019. Việt Nam là quốc gia tiên phong toàn cầu về K=K và là quốc gia đầu tiên trong các nước PEPFAR ban hành Hướng dẫn truyền thông về K=K.

Được phát triển với sự hỗ trợ kỹ thuật của CDC, hướng dẫn K=K công nhận những phát hiện khoa học từ 4 nghiên cứu lớn chứng minh rằng HIV không thể lây truyền qua đường tình dục khi bạn tình dương tính với HIV được điều trị liên tục, hiệu quả với tải lượng virus không phát hiện được – nghĩa là số lượng virus trong cơ thể xuống thấp đến mức không thể phát hiện. Hướng dẫn đưa ra cách thức để các tỉnh của Việt Nam có thể đưa thông điệp K=K vào các cơ sở y tế, truyền thông điệp đến cán bộ y tế, người bệnh, và các nhóm người bị ảnh hưởng.

Trong khuôn khổ chiến dịch quốc gia "Không phát hiện = Không lây truyền" (K=K) tại Bệnh viện Bạch Mai, Phó Đại sứ Hoa Kỳ Caryn R. McClelland cho biết: "Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong các hoạt động K=K do đã sớm đưa các phát hiện này vào chính sách và chương trình quốc gia. Việt Nam được đánh giá là có tỷ lệ ức chế virus HIV thuộc hàng cao nhất thế giới. Chúng ta nên khuyến khích tất cả những người có nguy cơ đi xét nghiệm HIV với mục đích điều trị sớm bằng thuốc kháng virus cho những người có HIV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm hay còn gọi là PrEP với mục đích dự phòng cho những người âm tính với HIV. Bằng cách này, chúng ta có thể ngăn chặn sự lây truyền HIV".

Các nghiên cứu khoa học gần đây đưa ra bằng chứng: "Một người uống thuốc kháng virus (ARV) hàng ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc, đạt được và duy trì tải lượng virus ở mức không phát hiện được, không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình âm tính." Tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu được xác định là ngưỡng không phát hiện. Bằng chứng khoa học này gọi là "Không phát hiện = Không lây truyền" (K=K). Nhiễm HIV không còn là bệnh "vô phương cứu chữa" mà là một bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể dự phòng và điều trị được. Giám đốc CDC tại Việt Nam cho biết Việt Nam đã thể hiện vai trò tiên phong của mình trong phong trào toàn cầu đối phó với dịch HIV/AIDS. Việt Nam đã truyền cảm hứng cho các nước khác, nhiều nước khác đã học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam như Zambia, Ấn Độ, Thái Lan,.... trong việc triển khai chương trình thuốc ARV cho người nhiễm HIV và chiến dịch K=K. Đây là phát hiện quan trọng, nếu được truyền thông và quảng bá rộng rãi sẽ giúp người có hành vi nguy cơ tăng cường xét nghiệm sớm HIV; người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực, tiếp cận sớm dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ.

Trên thế giới đã có sự đồng thuận về thông điệp K=K. Tính đến ngày 30/7/2019, đã có 895 tổ chức từ 98 quốc gia trên thế giới chia sẻ thông điệp K=K và thông điệp này đã được dịch sang hơn 25 ngôn ngữ, bao gồm U=U theo tiếng Anh; K=K theo tiếng Việt; N=N theo tiếng Hà Lan; B=B theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và I=I theo tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý và tiếng Bồ Đào Nha. Trên thế giới, có rất ít các nước đang phát triển dùng nguồn bảo hiểm y tế để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV.

Trong các nước trọng điểm của chương trình PEPFAR, Việt Nam là nước duy nhất huy động nguồn lực trong nước thông qua bảo hiểm y tế để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV. Điều này có được là nhờ cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về tính bền vững lâu dài cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Việt Nam là nước dẫn đầu trên toàn cầu về tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV đạt ngưỡng tải lượng virus ức chế, ở mức 93%. Tải lượng virus ức chế là thước đo mức độ virus HIV trong máu người bệnh. Khi một người dương tính với HIV đạt ngưỡng tải lượng virus ức chế và mức tải lượng không phát hiện, bệnh nhân không chỉ cải thiện đáng kể sức khỏe mà còn loại bỏ khả năng lây truyền HIV cho người khác.

Tới đây, Cục Phòng, Chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục phối hợp với PEPFAR và các đối tác để hỗ trợ các tỉnh, thành phố tăng tỷ lệ người sống chung với HIV có thẻ bảo hiểm y tế và hướng tới đạt mục tiêu kiểm soát dịch HIV. PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết: "Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 90-90-95 (90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân. 90% số người biết được tình trạng nhiễm của bản thân được điều trị kháng HIV; 95% số người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới mức ức chế, giảm nguy cơ lây truyền,...) và kiểm soát được nhờ K=K.

Cao Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực