Phát triển nông nghiệp xanh tại Hậu Giang – Thực trạng và giải pháp

Thứ năm, 11/07/2024 15:20
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế toàn cầu, đầu tư cho phát triển xanh là xu hướng tất yếu, Hậu Giang đã từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng tăng trưởng và tiêu dùng xanh, hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải..., bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần phát triển kinh tế xanh.

1. Thực trạng phát triển nông nghiệp xanh tại tỉnh Hậu Giang

Hậu Giang là tỉnh nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiềm năng kinh tế khá phong phú và đa dạng, trọng điểm là sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích đất nông nghiệp của tỉnh là 133.330 ha (chiếm 86% diện tích tự nhiên). Tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất nhiều loại cây trồng tập trung chủ lực như: lúa, cây ăn trái và rau màu...

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế toàn cầu, đầu tư cho phát triển xanh là xu hướng tất yếu. Những năm qua, nước ta đã có bước chuyển mới hướng tới một nền kinh tế xanh, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp xanh để bảo đảm bền vững các trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Ngành nông nghiệp tỉnh

Hậu Giang đã từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng tăng trưởng và tiêu dùng xanh, hướng đến nâng cao tính cạnh tranh của nông sản, phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải, ổn định kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân, bảo vệ các nguồn tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp..., bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững, góp phần phát triển kinh tế xanh.

Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang cũng đẩy mạnh các mô hình canh tác theo hướng nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững, đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị nông sản bằng các mô hình như: xây dựng mô hình VietGAP, GlobalGAP trên các loại sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, định hướng sản xuất hữu cơ, sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Cụ thể:

- Trong sản xuất lúa: Xây dựng các mô hình theo cánh đồng lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh  tác như: “3 giảm, 3 tăng” (Giảm lượng giống gieo sạ  -  Giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh - Giảm lượng phân đạm; Tăng năng suất lúa - Tăng chất lượng lúa gạo - Tăng hiệu quả kinh tế), “1 phải, 5 giảm” (Phải sử dụng giống lúa xác nhận; Giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch), SRI (hệ thống thâm canh tổng hợp trong sản xuất lúa - phương pháp canh tác lúa sinh thái, mang lại hiệu quả và năng suất cao, giảm phát thải khí nhà kính), ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ; xây dựng các mô hình giảm lượng (còn 50 kg/ha) giống gieo sạ bằng phương pháp cấy; đồng thời, xây dựng nhiều mô hình tưới nước tiết kiệm theo kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ kết hợp với trữ nước ngọt cho các kênh, mương nội đồng để chủ động được nguồn nước. Những giải pháp, quy trình kj thuật đồng bộ này đã và đang mang lại hiệu quả tốt, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường.

 

- Trong trồng cây ăn trái, rau màu: Ứng dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm (nhỏ giọt hoặc phun sương); triển khai nhiều mô hình trên cây ăn trái, rau màu theo hướng an toàn thực phẩm, GAP..., ứng dụng túi bao trái để hạn chế tình hình gây hại của sâu bệnh.

- Trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: Việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp theo hình thức kinh tế tuần hoàn được áp dụng với nhiều quy mô khác nhau. Cùng với các công trình khí sinh học, lĩnh vực chăn nuôi đang đẩy mạnh hướng dẫn nông dân thu gom chất thải vật nuôi để nuôi trùn quế... vừa tạo nguồn thức ăn cho vật nuôi trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, vừa chuyển hóa chất thải thành phân bón hữu cơ, giảm tác hại đến môi trường. Việc chuyển đổi mô hình lúa - tôm, lúa - cá... là một trong những mô hình điển hình về thích nghi với biến đổi khí hậu, không chỉ nâng cao giá trị cho sản xuất, mà còn giúp giải quyết vấn đề giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững. Đây là những hướng đi mới, phù hợp với thị trường hiện nay, bởi trên thị trường thế giới, nhiều quốc gia đã khuyến khích, ưu tiên nhập khẩu các sản phẩm sinh thái, sản phẩm hữu cơ.

Kết quả là đến nay tỉnh đã xây dựng phát triển các mô hình chứng nhận tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), mô hình sản xuất nâng cao giá trị nông sản, mô hình tích hợp đa giá trị trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có 1.898 ha diện tích cây trồng sản xuất đạt các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, trong đó có 1.389 ha trên lúa, 473 ha trên cây ăn trái, 36 ha trên rau màu, với sản lượng cung cấp ra thị trường hằng năm khoảng 30.000 tấn. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn có 132 vùng trồng sản xuất các loại cây trồng như bưởi, chanh không hạt, sầu riêng, mít, xoài, nhãn, lúa... theo các tiêu chuẩn an toàn được cấp mã số vùng trồng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu..., với diện tích là 2.357 ha/2.753 hộ tham gia. Sản lượng cung cấp ra thị trường hằng năm đạt khoảng 48.000 tấn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển nông nghiệp xanh của tỉnh Hậu Giang cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức. Cụ thể:

Một là, mặc dù xác định phát triển nông nghiệp xanh là hướng đi bền vững, nhưng tỉnh chưa có các cơ chế, chính sách riêng để hỗ trợ cho sản xuất, mà chủ yếu là lồng ghép thực hiện trong các chương trình, dự án khác như: chương trình khuyến nông, hỗ trợ liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản...

Hai là, việc chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP... chưa thật sự bền vững, do giá cả không có sự chênh lệch lớn, do đó chưa tạo đủ động lực cho người nông dân chuyển đổi sang phương thức sản xuất mới.

Ba là, sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, kỹ thuật áp dụng không đồng đều, ứng dụng công nghệ còn hạn chế, trong khi đó các hình thức tổ chức liên kết nông dân (cánh đồng lớn, tổ hợp tác, hợp tác xã...) chưa phát triển ổn định, bền vững.

Bốn là, giá vật tư đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống) tăng cao; tình trạng vật tư chất lượng kém còn nhiều; nông dân sử dụng vật tư trong sản xuất còn lãng phí như bón thừa phân đạm, lạm dụng các loại thuốc kích thích sinh trưởng và thuốc bảo vệ thực vật làm tăng chi phí và gây ô nhiễm môi trường.

Năm là, thị trường, giá cả các loại sản phẩm nông sản không ổn định, có sự biến động lớn theo điệp khúc “được mùa, mất giá”.

Sáu là, sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều rủi ro do thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt;  hệ  thống  giao thông kết nối các vùng sản xuất đến đầu mối tiêu thụ, xuất khẩu chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế; hệ thống thông tin và kết nối thị trường còn hạn chế...

2. Kiến nghị một số giải pháp phát triển nông nghiệp xanh của tỉnh Hậu Giang trong thời gian tới

Thứ nhất, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường tuyên truyền, phổ biến về vai trò, tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp xanh nhằm nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất xanh.

Thứ hai, cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp xanh; tăng cường các chính sách tín dụng vốn đầu tư phù hợp với các hộ gia đình để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển nông nghiệp xanh, hình thành nếp sống hài hòa giữa con người và tự nhiên. Trước hết, các nhà quản lý và người dân cần đổi mới tư duy, nhận thức, chủ động thúc đẩy kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh... Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần tạo đột phá mới bằng hệ thống giải pháp đồng bộ, phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng đa giá trị, đa ngành, lồng ghép các giá trị kinh tế, xã hội, môi trường. Tận dụng tối đa ưu thế tự nhiên của từng vùng cho phát triển nông nghiệp, bảo đảm sự tương tác với môi trường sinh thái.

Thứ tư, cần tiếp tục tập trung nâng cao kiến  thức,  kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân thông qua mạng lưới khuyến nông, giúp người dân chủ động trong sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất.

Thứ năm, tiếp tục quan tâm giải quyết vấn đề thị trường cho nông dân trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa, cần tạo dựng các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn, được chuẩn hóa với quy trình canh tác chặt chẽ; đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số để kết nối thông tin giữa sản xuất và tiêu thụ, qua đó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Đây chính là yếu tố hàng đầu để định vị một nền nông nghiệp xanh.

Thứ sáu, sản xuất nông nghiệp có tính rủi ro cao  do những tác động của các yếu tố thời tiết, biến đổi khí hậu, vì vậy để giảm thiểu rủi ro, cần tăng cường chính sách về bảo hiểm cho nông nghiệp, các chính sách hỗ trợ tổ chức  thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, cũng như đầu tư hạ tầng phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu./.

Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực