Thực trạng và một số giải pháp thúc đẩy phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam trong thời gian tới

Thứ hai, 15/07/2024 16:30
(ĐCSVN) - Những chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh nói chung, tài chính xanh hay trái phiếu xanh nói riêng cần được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư để hoàn thiện đầy đủ yếu tố cung - cầu cho việc phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam.
 Thị trường trái phiếu xanh đang ở giai đoạn sơ khai và trái phiếu xanh là loại chứng khoán khá mới mẻ ở thị trường Việt Nam với quy mô và giá trị trái phiếu xanh phát hành còn hạn chế. (Nguồn ảnh: tapchicongthuong.vn).

1. Thực trạng trái phiếu xanh ở Việt Nam hiện nay

1.1. Hành lang pháp lý cho trái phiếu xanh ở Việt Nam

Trước những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đến sự phát triển kinh tế - xã hội, Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành đã ưu tiên thực hiện chủ trương tăng trưởng xanh gắn liền với phát triển thị trường vốn xanh để tài trợ vốn cho các dự án cải thiện môi trường. Thời gian qua, nhiều chính sách về tăng trưởng xanh và phát triển thị trường trái phiếu xanh đã được ban hành. Cụ thể: tại Hội nghị lần thứ  bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”; Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020; Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đặc biệt, ngày 04/12/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trong đó quy định về trái phiếu doanh nghiệp xanh - dự kiến sẽ tạo ra một kênh tiềm năng để huy động vốn cho các dự án xanh trong khu vực tư nhân, tạo nền tảng cho giao dịch sản  phẩm phái sinh xanh tại Việt Nam.

Đối với lĩnh vực tài chính, Bộ Tài chính đã có Quyết định số 2183/QĐ-BTC ngày 20/10/2015 ban hành Kế hoạch hành động của ngành tài chính thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020, trong đó quy định về khung chính sách tài chính nhằm phát triển thị trường vốn xanh và các sản phẩm tài chính xanh; khung tài chính xanh cho các hoạt động trên thị trường vốn như ban hành các quy định, điều kiện khi niêm yết cổ phiếu (niêm yết xanh), báo cáo (trong báo cáo bền vững) và giám sát (theo các tiêu chí tài chính xanh); huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh thông qua thị trường vốn cho các doanh nghiệp, dự án và sản phẩm xanh, niêm yết, phát hành trái phiếu xanh cho các dự án, chương trình và lĩnh vực xanh...

1.2. Thực trạng phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam

Theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam đã có những hoạch định về tài chính xanh và các sản phẩm để xây dựng nguồn tài chính cho sự tăng trưởng xanh từ năm 2012. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài  chính,  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thiết lập được “Danh mục dự án xanh” và xây dựng tài liệu hướng dẫn công tác thống kê, báo cáo tín dụng xanh để phân loại các hoạt động kinh tế/dự án xanh làm cơ sở để cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh. Nguồn vốn từ phát hành trái phiếu phục vụ cho các dự án xanh, có lợi ích về môi trường, sẽ được dán nhãn “xanh” hoặc “môi trường”.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã phát hành trái phiếu xanh để tài trợ cho các dự án xanh. Tuy nhiên, giá trị phát hành của trái phiếu xanh của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực trong giai đoạn 2016 - 2021 còn khá khiêm tốn.

Hình 1: Phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững. (Nguồn: Climate Bond Initiative). 

Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường trái phiếu xanh như hướng dẫn các doanh nghiệp công bố thông tin, cung cấp tính minh bạch về các hoạt động tài chính xanh và khuyến khích doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán để thực hiện các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên với các nội dung về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Năm 2021, tài chính xanh, trong đó có trái phiếu xanh, ghi nhận sự gia tăng cả về giá trị và số lượng tổ chức phát hành nhưng nhìn chung tỷ trọng trái phiếu xanh trong hoạt động tài chính xanh còn khiêm tốn và giá trị phát hành của trái phiếu xanh so với quy mô  thị trường trái phiếu Việt Nam là quá nhỏ bé và không đáng kể.

 Hình 2: Tài chính xanh của Việt Nam giai đoạn 2019 - 2022. (Nguồn: Climate Bond Initiative).

Xét về lĩnh vực đầu tư, trái phiếu phát hành cho các dự án xanh có quy mô lớn và hiện chỉ tập trung cho các dự án về năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời.

Xét về mặt cơ cấu, trái phiếu xanh tài trợ cho các dự án xanh ở Việt Nam hiện nay được phát hành có trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương xanh và trái phiếu doanh nghiệp xanh.

- Trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương xanh: Dựa trên “Đề án phát triển thị trường  trái phiếu xanh” do Ủy ban Chứng khoán Quốc gia, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) xây dựng, Bộ Tài chính đã phê duyệt “Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương” và kết quả triển khai thí điểm được tổng hợp qua bảng sau:

 

Thời gian

 

Địa phương

Số tiền (tỷ đồng)

Số lượng dự án xanh

 

Mục đích

 

 

2016

Thành phố Hồ Chí Minh

523

11

Quản lý nguồn nước bền vững

Bà Rịa - Vũng Tàu

80

1

Quản lý nguồn nước

 

 

2018

Thành phố Hồ Chí Minh

3.000

34

 

Bà Rịa - Vũng Tàu

500

8

 

Bảng 1: Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương xanh. (Nguồn: Tác giả tổng hợp).

- Trái phiếu doanh nghiệp xanh: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp xanh cũng là một kênh tiềm năng cho các dự án xanh của các doanh nghiệp. “Đề án phát triển trái phiếu xanh doanh nghiệp và trái phiếu xanh định chế tài chính và thí điểm phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh” đã được xây dựng bởi Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Quốc gia, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả triển khai thí điểm trái phiếu doanh nghiệp xanh được tổng hợp qua bảng sau:

 

Thời gian

 

Doanh nghiệp phát hành

 

Số tiền

(tỷ đồng)

 

Dự án

 

Kỳ hạn trái phiếu

2019

CTCP Điện mặt trời Trung Nam

2.100

Dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận

9 năm

CTCP Trung Nam

945

5 năm

2019

CTCP Bamboo Capital

350

Dự án năng lượng mặt trời

3 năm

2022

EVN Finance

1.700

Các dự án đạt điều kiện được nêu tại Khung trái phiếu xanh của EVNFinance

 

Bảng 2: Phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh. (Nguồn: Tác giả tổng hợp)

Tóm lại, thị trường trái phiếu xanh đang ở giai đoạn sơ khai và trái phiếu xanh là loại chứng khoán khá mới mẻ ở thị trường Việt Nam với quy mô và giá trị trái phiếu xanh phát hành còn hạn chế, số lượng nhà đầu tư phát hành trái phiếu xanh còn ít. Hệ thống pháp lý cho việc phát hành và đầu tư trái phiếu xanh còn mỏng, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Hệ thống thông tin, tuyên truyền và sự hiểu biết của nhà đầu tư nói riêng và thị trường nói chung về trái phiếu xanh còn rất nhiều hạn chế, chưa thực sự tạo ra ấn tượng thu hút các nhà đầu tư trên thị trường quan tâm nên chưa được phát triển mạnh mẽ.

Những khó khăn, thách thức chủ yếu dẫn đến thực trạng này của thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam có thể nhận diện được là:

- Khung khổ pháp lý và cơ chế, chính sách về phát triển và đầu tư trái phiếu xanh chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường cũng như các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.

- Nhiều dự án xanh có quy mô nhỏ không đáp ứng các ngân hàng, tổ chức tài chính lớn trên thế giới.

- Trái phiếu xanh phát hành với loại tiền tệ tự do chuyển đổi (VND) nên khó hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt nếu muốn phát hành khối lượng lớn.

- Chi phí phát hành cao do nhà phát hành phải chịu thêm chi phí để có được chứng nhận trái phiếu xanh từ cơ quan đánh giá độc lập và các chi phí khác liên quan đến hoạt động công bố thông tin, báo cáo về việc phân bổ số tiền thu được từ trái phiếu xanh trong suốt vòng đời dự án.

- Có ít các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian như tổ chức định mức tín nhiệm, tổ chức kiểm định để xác định dự án có thực sự “xanh”, tổ chức đánh giá độc lập...

- Các tổ chức phát hành (các bộ, ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp...) vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu xanh hoặc chưa chú ý đầu tư có trách nhiệm vào các sản phẩm, dự án có tính bền vững.

- Mức độ đa dạng nhà đầu tư trên thị trường còn rất hạn chế, chủ yếu là các ngân hàng thương mại... Các nhà đầu tư trên thị trường, đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước, vẫn tập trung vào những dự án, sản phẩm sinh lời cao, chưa chú ý đầu tư vào các sản phẩm tài chính xanh hoặc các dự án phát triển có tính bền vững (đầu tư có trách nhiệm) trong khi việc tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm đến sản phẩm tài chính xanh còn gặp nhiều khó khăn.

2. Một số giải pháp thúc đẩy phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam trong thời gian tới

2.1. Hoàn thiện cơ chế - hành lang pháp lý phát triển trái phiếu xanh

Mặc dù đã có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn nhưng các bộ, ngành vẫn đang chờ đợi một chiến lược phát triển kinh tế xanh một cách đồng bộ, trong đó chỉ rõ những lĩnh vực, những ngành, sản phẩm cần phải xanh hóa và lộ trình triển khai thực hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp. Chính vì vậy, Nhà nước cần rà soát, nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường trái phiếu nói chung và trái phiếu xanh nói riêng. Trên cơ sở hành lang pháp lý hiện có, các cơ quan quản lý cần ban hành các văn bản cụ thể quy định bộ tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số môi trường rõ ràng và có cơ chế giám sát cụ thể để xác định lĩnh vực ưu tiên, dự án “xanh”, trái phiếu xanh, công ty phát triển bền vững... cũng như các nguyên tắc trong việc phát hành và quản lý, sử dụng nguồn vốn hình thành từ trái phiếu xanh nhằm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cho trái phiếu xanh và làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, danh mục phân loại xanh cần được xây dựng gắn với các tiêu chí sàng lọc, ngưỡng và chỉ tiêu môi trường của Việt Nam, thông lệ quốc tế để các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân phát hành trái phiếu và các bên liên quan quản lý, điều hành và thực hiện hiệu quả việc cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

2.2. Nâng cao nhận thức của nhà đầu tư

Những chính sách liên quan đến tăng trưởng xanh nói chung, tài chính xanh hay trái phiếu xanh nói riêng cần được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư để hoàn thiện đầy đủ yếu tố cung - cầu cho việc phát triển trái phiếu xanh tại Việt Nam. Đồng thời, để thu hút nhiều nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu xanh thì cần phải tuyên truyền, giáo dục về tài chính xanh, trái phiếu xanh thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, các buổi toạ đàm trao đổi và trên các kênh truyền thông để mọi người hiểu rõ lợi ích khi tham gia vào thị trường trái phiếu xanh, từ đó đưa ra quyết định đầu tư phù hợp. Bên cạnh đó cũng cần phải phát triển đội ngũ nhân lực về tài chính xanh, trái phiếu xanh đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.

2.3. Chính sách ưu đãi để khuyến khích

Vì đây là loại tài sản tài chính còn khá mới  mẻ ở thị trường Việt Nam nên Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi để khuyến khích các chủ thể phát hành trái phiếu xanh và thu hút các nhà đầu tư quan tâm tham gia thị trường, chẳng hạn như những ưu đãi về thuế, phí hoặc những thuận lợi khác cho các đơn vị phát hành cũng như những nhà đầu tư trong và ngoài nước.

2.4. Hoàn thiện thị trường trái phiếu

Thị trường chứng khoán, đặc biệt là thị trường mua bán nợ ở Việt Nam chưa thực sự phát triển mạnh. Do đó, muốn phát triển trái phiếu xanh trong thời gian tới, Việt Nam cần phải có những biện pháp giúp phát triển thị trường mua bán nợ. Mặt khác, sau những đợt phát hành trái phiếu ở nước ngoài thành công, Chính phủ cũng cần có định hướng cho việc phát hành trái phiếu xanh ra thị trường quốc tế nhằm thu được nguồn ngoại tệ lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế xanh trong nước. Bên cạnh đó, cũng cần phải đa dạng hóa các sản phẩm ở thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp, thúc đẩy cả về cung - cầu trái phiếu xanh.

2.5. Kiểm soát thông tin

Bất kỳ dự án nào khi đi vào hoạt động cũng cần có sự kiểm soát chặt chẽ về nhiều mặt, đặc biệt là các dự án trái phiếu xanh thường liên quan đến lợi ích về mặt xã hội và các vấn đề bảo vệ môi trường, môi trường xanh. Vì vậy cần có quy định cụ thể về kiểm soát công bố thông tin, sử dụng vốn, giám sát dự án; hoàn thiện cơ chế minh bạch thông tin liên quan đến việc phát hành, giải ngân và sử dụng nguồn quỹ từ phát hành trái phiếu xanh để làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát của các chủ thể quan tâm.

2.6. Tăng cường hợp tác quốc tế

Chính phủ cần liên kết với các tổ chức nước ngoài có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong việc phát triển tài chính xanh, trái phiếu xanh như Ngân hàng Thế giới, UNEP, GIZ... để được tư vấn, hướng dẫn và đánh giá việc thực hiện phát hành và phát triển trái phiếu xanh trên thị trường./.

ThS. Nguyễn Minh Huệ, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực