4.500 tỷ đồng hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động

Thứ tư, 04/08/2021 09:12
(ĐCSVN) - Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sẽ được hỗ trợ 4.500 tỷ đồng để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho người lao động.

Hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động là một trong những chính sách tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg  quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo đó, chính sách hỗ trợ liên quan đến 3 đối tượng gồm: người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 3 Điều 43 Luật Việc làm có đủ các điều kiện: Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; phải thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với doanh thu cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án, hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với đơn vị sử dụng lao động xây dựng phương án và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Người lao động đang làm việc cho người sử dụng lao động cần được bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Đỗ Năng Khánh cho biết, mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1,5 triệu đồng/NLĐ/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Gói chính sách này có tổng kinh phí dự kiến là 4.500 tỷ đồng.

Thời gian triển khai từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2022; thời gian nộp hồ sơ từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.

Ảnh minh hoạ 

Để triển khai chính sách trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc, tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai đến các tỉnh, thành phố. Giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trực tiếp phụ trách, chỉ đạo triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đã yêu cầu Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tập trung triển khai tốt chính sách này. “Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần phối hợp thật tốt với các doanh nghiệp để chỉ đạo xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng. Đây là lần đầu tiên, gói hỗ trợ cho phép sử dụng khoảng 4.500 tỷ đồng để dành cho công tác đào tạo phục hồi giữ chân người lao động hậu COVID-19. Đây là thời cơ vàng với doanh nghiệp khi được hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo cho người lao động” – Thứ trưởng Lê Tấn Dũng lưu ý.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Đỗ Năng Khánh, để triển khai chính sách, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức các Hội nghị trực tuyến để triển khai tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc, thành lập Tổ triển khai của Tổng cục; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và văn bản số 1492/TCGDNN-ĐTTX ngày 12/7/2021 gửi Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp về việc triển khai hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Ông Đỗ Năng Khánh cho biết, để triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách trên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần coi đây là cơ hội để mở rộng quan hệ hợp tác với đơn vị sử dụng lao động trong việc phối hợp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động và năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên của nhà trường.

Chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. 

Phân công cụ thể đầu mối, xây dựng kế hoạch chi tiết phối hợp với người sử dụng lao động. Trước mắt, tích cực chủ động liên hệ, phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động đã có hợp tác trong đào tạo, tuyển dụng nhân lực xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động và tổ chức đào tạo sau khi có quyết định hỗ trợ. Trên cơ sở đó tiếp tục nhân rộng, phối hợp với các đơn vị khác trên địa bàn để tổ chức.

Đối với các địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, cần chủ động phối hợp với Ban quản lý các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất để nắm bắt nhu cầu, liên hệ với các doanh nghiệp để xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng.

Tổ chức thực hiện theo phương châm: Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, tập trung phòng chống dịch thì liên hệ với người sử dụng lao động để nắm bắt nhu cầu, xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng triển khai đào tạo khi dịch bệnh được kiểm soát. Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh hoặc ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì tập trung đẩy mạnh việc phối hợp với người sử dụng lao động để xây dựng phương án, triển khai thực hiện ngay.

Ông Đỗ Năng Khánh cũng lưu ý, tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gắn với đúng phương án đã được phê duyệt; gắn việc đào tạo với cấp bằng, chứng chỉ cho người lao động.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

 

 

 

 

                                                                                                      

 

 

 

MT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực