Khởi động du lịch trong điều kiện bình thường mới

Thứ tư, 06/10/2021 17:44
(ĐCSVN) – Sau năm 2020 với nhiều khó khăn, làn sóng thứ tư của dịch bệnh bùng phát vào cuối tháng 4/2021 tiếp tục khiến ngành du lịch Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực. Trong bối cảnh dịch bệnh đang từng bước được khống chế, nhiều địa phương đang từng bước mở cửa, khôi phục ngành công nghiệp không khói trong điều kiện bình thường mới.

Trong báo cáo công bố đầu tháng 10/2021, Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) đánh giá, 2021 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với du lịch. Tuy nhiên, ngành công nghiệp không khói đã ghi nhận những tín hiệu tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 7 vừa qua nhờ tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 được đẩy nhanh và các biện pháp hạn chế dần được dỡ bỏ.

Theo UNWTO, kết quả này có được là do nhiều nước - chủ yếu ở châu Âu và châu Mỹ, mở cửa lại các điểm đến du lịch với khách nước ngoài, cũng như tiến bộ đạt được trong việc triển khai tiêm chủng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động di chuyển an toàn trở lại ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới. UNWTO bày tỏ hy vọng du lịch toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2022 mặc dù dự báo lĩnh vực này có thể sẽ không đạt được mức tăng trưởng ghi nhận trước đại dịch cho đến năm 2023 hoặc 2024.

 Italy đã mở cửa du lịch quốc tế. Nguồn: Reuters

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới áp dụng và triển khai mạnh mẽ chính sách “Hộ chiếu vaccine” cấp cho những người đã được tiêm phòng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 để nhanh chóng thí điểm phục hồi các hoạt động du lịch và giao thương quốc tế ở các trung tâm du lịch đủ điều kiện về phòng chống dịch. Các thị trường du lịch cạnh tranh với Việt Nam trong khu vực cũng đang nhanh chóng áp dụng cơ chế này: Thái Lan khôi phục các hoạt động du lịch quốc tế tại đảo Phuket và một số điểm du lịch khác; Trung Quốc cũng đã cấp và chấp nhận xác nhận y tế như là điều kiện cho các hoạt tự do trong nước và giao thương quốc tế; Singapore áp dụng mô hình giải pháp “Bong bóng du lịch” và thoả thuận “Làn xanh đối ứng”. Nhằm hồi sinh ngành hàng không và du lịch đang điêu đứng vì đại dịch, Hàn Quốc đã thúc đẩy thực hiện bong bóng du lịch (hay còn gọi là hành lang du lịch) tại một số điểm đến tương đối thành công trong việc kiềm chế COVID-19 theo từng bước...

Tại Việt Nam, năm 2020, du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,7 triệu lượt, giảm 79,5% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu từ khách du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7%, tương đương 19 tỷ USD.

Trong 7 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 95,7 nghìn lượt người, giảm 97,5% so với cùng kỳ năm trước. Khách nội địa cũng giảm khá mạnh. Khó khăn chồng chất khó khăn, tuy nhiên, ngành du lịch cũng sẵn sàng tâm thế để đón khách trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát. Sau 1 tháng triển khai các chính sách phục hồi du lịch trên cả nước, các địa phương đều nhận định, an toàn phòng dịch là yếu tố tiên quyết để tái khởi động du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cho biết, Bộ đã ban hành Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL ngày 7/9, để triển khai các chính sách phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước. Trên cơ sở kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL, các địa phương đã triển khai các kế hoạch, giải pháp mở cửa du lịch.

Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tái khởi động các hoạt động du lịch, đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn và đối với người lao động trong ngành du lịch… “Du lịch an toàn” đã trở thành một yêu cầu bắt buộc trong mọi hoạt động của toàn ngành. Trong bối cảnh đó, bên cạnh du lịch nội địa thì việc đón du khách quốc tế cũng được ưu tiên.

 Lượng du khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm mạnh do đại dịch COVID.-19. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội du lịch, ông Vũ Thế Bình cho rằng, đây chính là thời điểm cần phải khôi phục du lịch nội địa. Thông qua thực tiễn để có những điều chỉnh và thống nhất về du lịch an toàn.

Sau khi tình hình dịch bệnh trên địa bàn được kiểm soát, ngày 4/10, tỉnh Bắc Giang cho phép các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử - văn hóa, sân Golf dịch vụ Yên Dũng được đón khách từ các địa phương là “vùng xanh” trên bản đồ COVID-19, kèm theo các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã mở tour du lịch khép kín đến Cần Giờ tri ân các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch.

Còn ngành du lịch Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch mở cửa du lịch định hướng theo 4 giai đoạn. Trong quý IV/2021, thành phố sẽ tổ chức chuỗi sự kiện để thu hút khách, đồng thời xây dựng đề án chuyển đổi số du lịch, sàn giao dịch trực tuyến về việc làm, đào tạo nhân lực…

"Chúng tôi vui mừng nhận thấy rằng Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ ngành du lịch vốn đang gặp nhiều khó khăn. Đây là một bước đi đáng khích lệ cho ngành du lịch và hy vọng chương trình này sẽ được triển khai một cách thận trọng ở nhiều địa phương khác phù hợp tiêu chí nhằm tiến gần hơn với việc mở cửa các hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước vào thời điểm thích hợp" - ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels (đơn vị thuộc Tập đoàn Savills, hoạt động chuyên sâu về tư vấn phát triển và đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng) chia sẻ.

Mới đây, BND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình gửi Bộ VHTT&DL về việc xây dựng phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vaccine” bằng các chuyến bay thuê bao đến Khánh Hòa.Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, ngành du lịch của tỉnh có nhiều lợi thế để thí điểm đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vaccine” từ tháng 11 tới. Khánh Hòa sẽ tập trung vào những thị trường khách đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nga, Australia, Pháp, Đức… và một số thị trường Bắc Âu và Bắc Mỹ. Khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine” đến Khánh Hòa sẽ đi theo các chương trình khép kín, có sự giám sát chặt chẽ của công ty lữ hành cũng như cơ quan chức năng.

Sở VHTT&DL Quảng Nam cũng thông báo kế hoạch sẽ đón khách du lịch quốc tế ở các thị trường tiềm năng, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch COVID-19, như Đông Bắc Á, châu Âu, Mỹ, Trung Đông, châu Úc... Tỉnh ưu tiên khách du lịch chơi golf, casino, nghỉ dưỡng và dịch vụ biển, ít di chuyển, khách nhập cảnh bằng đường hàng không, thông qua các chuyến bay thuê chuyến, hoặc chuyến bay quốc tế thường lệ khi điều kiện cho phép.

Cũng như nhiều nước khác trên thế giới, du lịch Việt Nam đang thích ứng với sự tồn tại dai dẳng của COVID-19, song song với những mục tiêu phát triển ngành và đóng góp cho mục tiêu phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, việc nối lại các hoạt động du lịch nội địa và quốc tế cần được thực hiện dựa trên nguyên tắc thích ứng, an toàn, linh hoạt, bảo đảm yếu tố phòng, chống dịch. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, mở cửa nền kinh tế khi dịch bệnh chưa được đẩy lùi có thể khiến dịch bệnh bùng phát trở lại, gây ra nhiều tổn thất về người và của, làm sụt giảm niềm tin của giới đầu tư. Trong những tháng gần đây, thế giới đã chứng kiến một số bong bóng du lịch tại nhiều khu vực, trong đó có Australia và New Zealand, Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc). Nhưng các cơ chế bong bóng du lịch này đều đã phải tạm hoãn rồi nối lại hoặc ngừng hẳn do diễn biến xấu của dịch COVID-19. Chính vì vậy, việc mở cửa du lịch là cần thiết, song phải được thực hiện một cách thận trọng, có sự thống nhất từ chủ trương, đường lối cho tới hành động cụ thể. Có như vậy, nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” của ngành công nghiệp không khói mới được thúc đẩy một cách nhanh, mạnh và bền vững.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Mỹ An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực