Kiểm soát phòng, chống COVID-19 để xác lập trạng thái bình thường mới

Thứ sáu, 11/06/2021 09:35
(ĐCSVN) – Để duy trì những kết quả đã đạt được, đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra một số giải pháp phòng chống dịch tối ưu, phù hợp nhất trong tình hình mới.

Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cơ bản thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, được người dân đồng tình cao. Quan điểm phòng chống dịch của tỉnh là không "ngăn sông, cấm chợ" nhưng phải bảo đảm các biện pháp an toàn phòng chống dịch. 5 nguyên tắc chống dịch: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch được thực hiện xuyên suốt, luôn luôn lấy phòng là chính, và áp dụng tốt nguyên tắc 5K. Đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế cơ bản đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã qua 28 ngày không phát hiện thêm ca bệnh mới. Tuy nhiên, diễn biến dịch COVID-19 trong nước còn phức tạp, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài vào địa phương vẫn ở mức cao.

Nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp với tình hình mới

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh ngày 10/6, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đồng ý chủ trương thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội phục vụ mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa phát triển kinh tế.

Theo đồng chí Phan Ngọc Thọ, nới lỏng hoạt động thì phải tăng cường giám sát, quan trọng nhất là tính chủ động quản lý của các địa phương. Đây là thời điểm cần phát huy chức năng của các tổ phòng, chống dịch cộng đồng tại địa phương để tăng cường kiểm tra, kiểm soát công dân từ vùng dịch đến địa bàn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng công dân đến Thừa Thiên Huế không được giám sát, khai báo và theo dõi. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các đơn vị, địa phương không chủ quan, phải sẵn sàng các biện pháp giám sát, quản lý khi triển khai các biện pháp nới lỏng trong trạng thái bình thường mới.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vẫn yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh; siết chặt các biện pháp kiểm soát người từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh; các biện pháp phòng chống dịch trong khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; tăng cường kiểm tra, xử lý, vi phạm; phát huy vai trò của Tổ phòng chống dịch cộng đồng... Đề nghị người dân tiếp tục hạn chế ra khỏi nhà khi không cần thiết; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch và yêu cầu 5K.

 Cán bộ y tế tiến hành đo thân nhiệt cho người dân. (Ảnh: Thái Bình)

Hoạt động, dịch vụ cần bảo đảm an toàn phòng, chống dịch

Nhằm phục vụ mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa phát triển kinh tế, một số hoạt động, dịch vụ đã được phép mở lại theo thông báo mới nhất ngày 10/6 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, mặc dù nới lỏng một số hoạt động để phát triển kinh tế - xã hội nhưng không vì thế mà tỉnh chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán ăn, quán cafe...) được phép hoạt động; tiệc cưới, hỏi, liên hoan, tiệc mừng được tổ chức, nhưng phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng chống dịch, thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa các bàn, tối đa không quá 50% công suất phục vụ. Việc tổ chức đám tang, việc hiếu phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, hạn chế tập trung đông người và vận động người dân tổ chức theo hình thức đơn giản.   

Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống và hộ gia đình khi tổ chức tiệc cưới, tiệc hỏi, liên hoan, tiệc mừng, đám tang, việc hiếu phải đăng ký và cam kết với chính quyền địa phương cấp xã về thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm xác nhận, cho phép tổ chức tiệc cưới, tiệc hỏi, liên hoan, tiệc mừng, đám tang, việc hiếu theo quy định; tiến hành kiểm tra, giám sát các điều kiện an toàn phòng chống dịch.

Các di tích lịch sử, văn hóa; các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh được hoạt động nhưng chỉ đón khách nội tỉnh và phải đảm bảo quy định phòng chống dịch, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 1m khi tiếp xúc và tối đa không quá 50% công suất phục vụ.

Hoạt động thể dục, thể thao trong nhà, ngoài trời được hoạt động (trừ phòng tập gym, yoga, zumba) nhưng phải đảm bảo thực hiện theo quy định phòng chống dịch. Hoạt động thể dục, thể thao trong nhà tối đa không quá 50% công suất hoạt động. Hoạt động sân golf chỉ phục vụ khách trong tỉnh.

Hoạt động giáo dục - đào tạo và dạy nghề được hoạt động nhưng phải đảm bảo quy định phòng dịch, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 1m khi tiếp xúc và không quá 50% công suất trong phòng học.

Tỉnh cũng cho phép tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, huấn luyện dự bị động viên, dân quân tự vệ nhưng phải chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch.

Hoạt động vận tải hành khách nội tỉnh được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải.

 Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu kiểm soát tốt công tác phòng dịch ở các khu công nghiệp, khu kinh tế. (Ảnh: Văn Dinh)

Chủ động, linh hoạt thích ứng

Tại Thừa Thiên Huế, dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng hầu hết các ngành, lĩnh vực. Các ngành hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, đều bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Doanh thu của nhiều doanh nghiệp bị giảm sút, nhiều doanh nghiệp bị đứt nguồn cung, “gãy” thị trường,… Thậm chí, có doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.

Để hỗ trợ những khó khăn cho doanh nghiệp, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan triển khai, thực hiện các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã đề nghị các khu công nghiệp phải xây dựng kịch bản phòng chống dịch bệnh. Công nhân tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, công trường,... phải thực hiện khai báo y tế. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành tiến hành tổ chức đánh giá lại công tác phòng chống dịch trên địa bàn quản lý.

Trước đó, trong đợt bùng phát đại dịch hồi cuối năm 2020, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã biết chủ động đối phó và kinh nghiệm về tổ chức sản xuất trong điều kiện bình thường mới. Nhiều sáng kiến đã được các doanh nghiệp triển khai để khắc phục những tác động tiêu cực như: áp dụng giờ làm linh hoạt; cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh… Với nhiều doanh nghiệp bán lẻ, “dọn hàng từ kệ sắt lên kệ online” là giải pháp ứng phó với biến động thị trường. Một số doanh nghiệp bán lẻ đã triển khai các kênh mua hàng linh hoạt qua điện thoại, qua mạng xã hội, hay qua ứng dụng cũng như website… Và chắc chắn bây giờ cũng là lúc các doanh nghiệp đã và đang tiếp tục áp dụng các giải pháp năng động, linh hoạt,  phát huy hết nội lực, xây dựng kịch bản thực sự hiệu quả để ứng phó với dịch bệnh…, tạo sức mạnh để vượt qua khó khăn này.

Đối với các tổ chức hội, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động linh hoạt để vừa chống dịch vừa thực hiện có hiệu quả các phong trào hội.

Trong thời gian người dân xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, bị phong tỏa do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều diện tích dưa hấu đã đến kỳ thu hoạch nhưng không tiêu thụ được. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế đã lên kế hoạch giải cứu, giúp người dân xã Phong Hiền. Hội đã đăng thông tin giải cứu dưa hấu trên facebook Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời làm thủ tục xin xe vận chuyển và chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phong Điền làm việc với Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 huyện để thu gom và vận chuyển đúng quy trình phòng chống dịch. Và sau hai ngày, toàn bộ gần 7 tấn dưa hấu của người dân xã Phong Hiền được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giải cứu.

Hay vào thời điểm thôn Phú Hải của xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc bị phong tỏa, cán bộ hội viên phụ nữ xã đã tham gia đảm nhận hai nhiệm vụ, vừa là thành viên tại các chốt kiểm soát dịch tại thôn Phú Hải vừa tham gia nấu ăn phục vụ hậu cần. Các hội viện phụ nữ xã cho rằng có lực lượng nữ tham gia tại chốt kiểm soát ở thôn bị phong tỏa sẽ thuận tiện hơn cho chị em phụ nữ hay người dân trong thôn khi nhờ mua các vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết.

Nhiều cơ sở hội khác trong tỉnh Thừa Thiên Huế còn tập trung tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt 5k chống dịch thông qua nhiều hình thức khác nhau, như đăng tải các bước phòng chống dịch hiệu quả trên các trang mạng xã hội của đơn vị; thành lập các đội phát tờ rơi tuyên truyền hướng dẫn phòng chống dịch, tặng khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn… cho hội viên và người dân...

Có thể thấy rõ ràng rằng đại dịch COVID-19 đã, đang và sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế, xã hội, của cả đất nước nói chung và tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng. Vì vậy, điều quan trọng nhất hiện nay là mỗi cá nhân, đơn vị trong toàn tỉnh cần phát huy tính chủ động, quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Khánh Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực