Kiên Giang: Đồng tâm, hiệp lực phòng, chống COVID-19

Thứ sáu, 11/06/2021 09:35
(ĐCSVN) – Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, với quyết tâm "chống dịch như chống giặc", dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cả hệ thống chính trị của tỉnh Kiên Giang đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, đồng tâm, hiệp lực quyết chiến thắng đại dịch.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Hội nghị trực tuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Kiên Giang.
(Ảnh: Thiên Đăng)

Tỉnh Kiên Giang thống nhất nhận thức và hành động, quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân. Tỉnh đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh. Tỉnh kiên định thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch gắn với điều trị tốt, hạn chế thấp nhất người tử vong và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan.

Phát biểu tại cuộc họp thường kỳ tháng 5/2021 của UBND tỉnh Kiên Giang ngày 28/5, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành đề nghị toàn tỉnh cần chú trọng và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh. Tập trung tăng cường theo dõi, đánh giá sát tình hình diễn biến dịch bệnh ở khu vực, trong nước để ứng phó kịp thời; chỉ đạo các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp… phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch, nhất là phải tự đánh giá mức độ an toàn, cập nhật lên bản đồ an toàn COVID-19. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang, kiên quyết dừng hoạt động các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp nếu không bảo đảm an toàn.

Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, chiều 27/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lưu Trung cũng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải đăng ký mã QR Code kiểm soát chặt chẽ đầu vào, đầu ra và phục vụ cho công tác truy vết. Bắt buộc khai báo y tế hằng ngày tại các bệnh viện, các khu, cụm công nghiệp và các cơ sở kinh doanh khác. Phó Chủ tịch Nguyễn Lưu Trung cũng đề nghị các sở, ngành và địa phương tiếp tục siết chặt công tác phòng, chống dịch, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Với tinh thần hết sức tập trung, quyết liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lưu Trung lưu ý các ngành, các địa phương đẩy mạnh ứng dụng những ưu việt của công nghệ thông tin vào trong công tác kiểm soát thông tin để phòng, chống dịch. Triển khai bắt buộc cán bộ, công chức, viên chức cài đặt ứng dụng Bluezone, NCOV và phải khai báo y tế hằng ngày. Tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các phương án phòng, chống dịch trong khu, cụm công nghiệp, kịch bản cách ly. Giao Sở Y tế, Ban Quản lý khu kinh tế, các địa phương có khu, cụm công nghiệp chuẩn bị đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Tăng cường công tác quản lý lưu trú, tạm trú tạm vắng, thực hiện khai báo y tế theo quy định hiện nay.

Cụ thể hóa vào thực tiễn

Lực lượng làm nhiệm vụ canh gác đêm tại các chốt phòng, chống dịch nơi biên giới Việt Nam - Campuchia. (Ảnh: Kim Tiền) 

Kiên Giang tăng cường kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới trên bộ và trên biển, tổ chức kiểm soát khu vực biên giới gồm hai tuyến. Các lực lượng gồm: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 ký kết phối hợp chống dịch COVID-19; thống nhất xây dựng kế hoạch hiệp đồng phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép, tuyên truyền nhân dân vùng biên giới, biển đảo ý thức phòng, chống dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang quyết định thành lập 8 chốt kiểm soát liên ngành tại các đầu mối giao thông trên các tuyến đường bộ vào địa phận tỉnh Kiên Giang để thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Mỗi chốt kiểm soát gồm 26 nhân sự chia thành 2 tổ, trong đó cơ cấu công an là tổ trưởng. Các chốt kiểm soát liên ngành hoạt động 24/24 giờ các ngày trong tuần (cả thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ), bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/6 đến hết  ngày 15/6/2021. Các chốt kiểm soát có nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra, vào tỉnh Kiên Giang; thông báo ngay cho các địa phương danh sách những người đến/trở về từ các tỉnh, thành phố để triển khai thực hiện ngay các biện pháp cách ly tại nhà, nơi lưu trú, theo dõi sức khỏe theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế,…

Trước đó, thực hiện công tác phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá cho người lao động và khu chung cư, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và gia súc, gia cầm tỉnh Kiên Giang cũng đã thành lập 4 đoàn kiểm tra, đánh giá mực độ an toàn của các cơ sở y tế, trường học, khu chế xuất, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp, trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, khu chung cư, hộ gia đình...Qua kiểm tra cho thấy đến nay tỉnh vẫn cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh thấp.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã ban hành công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 cho tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và người theo tín ngưỡng, tôn giáo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, UBND tỉnh. Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố rà soát từng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (nhất là địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung của các tổ chức chưa được Nhà nước công nhận tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo) có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; phân công lực lượng đến từng địa bàn trọng điểm về tín ngưỡng, tôn giáo gặp gỡ người đại diện hoặc ban quản lý từng cơ sở tín ngưỡng, chức sắc lãnh đạo tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung để tuyên truyền, vận động tạm dừng các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tập trung và treo biển cảnh báo, thông tin về việc này trước cửa cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung…

Thêm vào đó, tỉnh Kiên Giang cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, vận động người dân khai báo y tế điện tử thông qua mã QR Code. Đồng thời, tạm dừng một số dịch vụ liên quan du lịch trên địa bàn đến hết ngày 30/5/2021; không tổ chức các sự kiện tập trung đông người; tuyên truyền, vận động người dân, nếu không có việc cần thiết thì không nên đi khỏi tỉnh, hạn chế đi lại các nơi đang có dịch và nguy cơ có dịch, tuân thủ thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế…

Tại thành phố Phú Quốc, Bộ đội Biên phòng Phú Quốc đã phát động phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất-nhập cảnh trái phép” để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân trước hiểm họa của đại dịch, huy động sức mạnh toàn dân chung sức, chung lòng sớm dập tắt dịch bệnh và ngăn chặn hoạt động xuất-nhập cảnh trái phép.

Đặc biệt, trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, cơ quan chức năng và các địa phương đã chủ động các phương án “bầu cử trong điều kiện có dịch”, tạo mọi điều kiện cho công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, với phương châm “tình thế nào, giải pháp đó” phù hợp và hiệu quả, đảm bảo an toàn cho cử tri.

Theo Sở Y tế Kiên Giang, tỉnh đã chủ động xây dựng phương án ứng phó khi xuất hiện dịch COVID-19 trong cộng đồng. Cụ thể là, tại địa phương có dịch tổ chức truy vết thần tốc, cách ly y tế, khoanh vùng, dập dịch quyết liệt, điều trị tích cực hiệu quả, xử lý môi trường, thực hiện phong tỏa khu vực theo cụm dân cư không để lây lan sang khu vực khác. Tỉnh huy động tập trung nguồn lực tham phòng, chống dịch bệnh 24/24 giờ theo phương châm “4 tại chỗ” dập dịch triệt để. Các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2  được cách ly và điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Đồng lòng, chung tay chống dịch

 Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang tặng quà cho lực lượng Dân Quân chốt 314 thành phố Hà Tiên. (Ảnh: Hoàng Thơ)

Hưởng ứng phát động của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi toàn dân hưởng ứng đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân, được sự thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh, đồng bào ta ở nước ngoài với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm nâng cao nhận thức và hành động của mình chung tay cùng với Đảng và Nhà nước hãy tích cực tham gia ủng hộ nguồn lực, hỗ trợ mua vật tư y tế, vaccine, hỗ trợ lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần nhường cơm sẻ áo, tương thân tương ái của dân tộc ta, thời gian qua nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đã đồng lòng, chung tay, góp sức ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ 200 triệu đồng cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, ủng hộ cán bộ, chiến sĩ biên phòng đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu, góp phần phòng, chống đại dịch COVID-19, sớm dập tắt đại dịch. Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đã thành lập đoàn trực tiếp đến thăm cán bộ, chiến sĩ ở 5 chốt trên tuyến biên giới của các Đồn Biên phòng Phú Mỹ, Giang Thành và Vĩnh Điều thuộc địa bàn huyện Giang Thành đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương Tổ quốc. Đồng thời, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng tổ chức đoàn đến thăm, tặng quà cho các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ trên tuyến biên giới Tây Nam Hà Tiên - Giang Thành là sự chia lửa, tiếp sức, nguồn động viên, khích lệ tinh thần anh em làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu biên giới, quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch COVID-19.

Nhằm góp phần thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tuyến biên giới và kịp thời quan tâm, chăm sóc sức khoẻ, động viên tinh thần các lực lượng làm nhiệm vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang cũng tổ chức đoàn đến thăm hỏi, động viên và trao quà cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống COVID-19 tuyến biên giới. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã vận động và trao tặng 10.000 khẩu trang, 2.000 lon cá mòi đóng hộp, 100 chai nước sát khuẩn, 50 thùng sữa tuơi và nước ngọt, 40 thùng bánh ngọt cho lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống COVID-19. Các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã hỗ trợ 1.000 kg gạo cho 200 hộ gia đình hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số, biên giới. Thành lập 680 tổ, với 4.974 thành viên tổ chức vận động tiền, vải, may tặng 480.953 khẩu trang; 5.251 suất nhu yếu phẩm, phát 9.712 chai nước rửa tay sát khuẩn, 50 kính chắn giọt bắn...

Có thể thấy rằng trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường, tỉnh Kiên Giang đã và đang triển khai thực hiện các phương án ứng phó với từng cấp độ, với quyết tâm ở mức cao nhất, đồng lòng, chung tay đẩy lùi đại dịch COVID-19, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Minh An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực