Tháo gỡ khó khăn cho các HTX trong thời điểm đại dịch Covid – 19

Thứ ba, 08/06/2021 14:03
(ĐCSVN) - Khó khăn chồng chất khó khăn, một số HTX sản xuất rau phục vụ các bếp công nghiệp bị đình trệ. Do ảnh hưởng từ đợt dịch Covid-19 trước, nhiều HTX đã cắt giảm lao động, đến nay muốn tuyển lại lao động cũng gặp khó khăn.
Do ảnh hưởng của Covid-19, HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh, xã Vân Hội (Tam Dương) phải cắt giảm nhân công, doanh số bán hàng sụt giảm, hoạt động kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Đức Chung 

Đại dịch Covid – 19 hoành hành lần này khiến các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc  vốn đã suy yếu từ những đợt dịch trước chưa kịp phục hồi càng khó khăn hơn. Để duy trì hoạt động và phát triển, mỗi HTX phải không ngừng thay đổi, chủ động tìm kiếm các giải pháp tự nâng cao năng lực thích ứng trong tình hình mới. Tuy nhiên, cũng rất cần những cơ chế, chính sách cùng những giải pháp tháo gỡ khó khăn của ngành chức năng để giúp các HTX vượt qua giai đoạn khó khăn.

Sức ảnh hưởng của Covid – 19 thật nặng nề, tiềm lực mạnh như HTX rau an toàn Visa, xã Đại Tự (Yên Lạc) thời điểm này cũng gần như ngừng hoạt động. Bà Lê Thị Thu Hương, đại diện pháp luật của HTX rau an toàn Visa cho biết: “Khi chưa có dịch Covid – 19, HTX đã mở rộng được quy mô lên đến hơn 700 ha với trên 70 loại rau, hàng ngày cung cấp ra thị trường gần 8 tấn rau xanh. Đơn vị đã trở thành nhà cung cấp rau cho hệ thống Vinmart tại 7 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, Covid – 19 ập đến đã phá bỏ tất cả những nỗ lực, cố gắng của mọi thành viên. Bởi các thị trường chính của công ty bị phong tỏa, giãn cách xã hội nên lượng tiêu thụ gần như số 0.

Sản phẩm làm ra không bán được, nếu cứ tiếp tục sản xuất thì đơn vị sẽ phải đối diện với nguy cơ phá sản. Vì vậy, phải tạm ngừng một thời gian, đợi dịch qua đi sẽ tiếp tục sản xuất kinh doanh”.

Cũng gặp những khó khăn tương tự, HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh, xã Vân Hội (Tam Dương) hiện cũng đang phải cắt giảm nhân công, hoạt động sản xuất cầm chừng chỉ còn 30% nhờ kênh phân phối chính của đơn vị hiện nay là bán hàng trực tuyến (Online).

Các HTX nêu trên đều sản xuất ra mặt hàng thiết yếu mà còn gặp khó khăn đến vậy, các đơn vị ở nhiều lĩnh vực khác còn khó khăn hơn rất nhiều. Với những khó khăn chung đó, hiện nay, các HTX rất cần một “cú huých” để duy trì sản xuất và phát triển.

Bà Phan Thị Định, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 750 HTX đăng ký kinh doanh nhưng chỉ có 449 đơn vị hoạt động. Khi dịch Covid – 19 bùng phát trở lại, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức rà soát hoạt động của các HTX. Chỉ có một số các HTX sản xuất lúa gạo, chăn nuôi lợn và gia cầm, rau xanh là có cơ hội tồn tại do thị trường trong nước vẫn có nhu cầu. Còn phần lớn các HTX trong ngành công nghiệp và dịch vụ, nhất là lĩnh vực du lịch, vận tải đều giảm sản lượng, doanh thu, thậm chí ngừng hoạt động.

Khó khăn chồng chất khó khăn, một số HTX sản xuất rau phục vụ các bếp công nghiệp bị đình trệ. Do ảnh hưởng từ đợt dịch Covid-19 trước, nhiều HTX đã cắt giảm lao động, đến nay muốn tuyển lại lao động cũng gặp khó khăn.

Dịch Covid-19 bùng phát kéo dài, con giống sản xuất ra không tiêu thụ được, đặc biệt là giống gia cầm; trứng gà thương phẩm cũng khó tiêu thụ, trong khi đó, đại đa số HTX hiện nay gần như đã “kiệt” nguồn vốn để tái sản xuất và đầu tư chuồng trại.

Để tháo gỡ khó khăn cho các HTX vượt qua thời điểm khó khăn, Liên minh HTX tỉnh tích cực tham mưu UBND tỉnh đặt hàng, giao nhiệm vụ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Cho phép đơn vị sử dụng phần dư lãi suất của các HTX vay vốn (sau khi đã chi trả lương và các chi phí khác cho hoạt động của quỹ) để bổ sung cho các hoạt động của Liên minh HTX tỉnh như: Xây dựng trang Web quảng bá sản phẩm, hỗ trợ HTX, duy trì hàng năm việc bổ sung, cập nhật thông tin về năng lực, cơ cấu tổ chức, hình thức hoạt động, số lượng HTX thành lập mới, giải thể.

Tạo cơ chế cho đơn vị xây dựng mô hình điểm và chủ trì tìm kiếm, lựa chọn HTX để thực hiện điểm về cơ chế cho vay (thí điểm vượt định mức điều lệ quỹ, Hội đồng quản lý quỹ quyết định). UBND tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng dẫn thủ tục hỗ trợ các HTX bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19; cơ cấu lại hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay.

Liên Minh HTX thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, gắn kết, tạo điều kiện cho các HTX phát triển. Xây dựng một số HTX kiểu mới theo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững. Tiếp tục phối hợp với các ngành và địa phương chỉ đạo đổi mới, phát triển HTX và triển khai các văn bản chỉ đạo của tỉnh để có cơ chế chính sách hỗ trợ các HTX. Kiến nghị với Liên minh HTX Việt Nam có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong nước. Hỗ trợ phát triển kết nối thị trường nội bộ giữa các HTX và Hiệp hội doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu.

Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam tạo điều kiện cho các HTX ở Vĩnh Phúc được vay vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Hỗ trợ kinh phí cho các HTX xây dựng thương hiệu và xây dựng trang web để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Thời gian qua, đã có nhiều HTX chủ động thay đổi, thích ứng trong bối cảnh mới như liên kết nhiều HTX lại với nhau để tạo nhóm cùng nhau bán hàng...Tuy nhiên, do các HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực, xuất phát điểm thấp, rất cần các chính sách hỗ trợ riêng biệt.

Khi ban hành chính sách, cần phân loại đối tượng vì riêng HTX nông nghiệp đã có nhiều loại hình hoạt động, ngoài ra còn có các HTX phi nông nghiệp. Mỗi HTX lại có những đặc thù riêng trong SXKD, do vậy, văn bản hướng dẫn cần cụ thể, chi tiết để HTX có thể tiếp cận được.

Bên cạnh đó là đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến các chính sách và đặc biệt là bố trí ngân sách thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm giúp các HTX duy trì SXKD và phát triển.

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)./.

Thành An

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực