Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc ở Ba Chẽ (Quảng Ninh)

Thứ hai, 15/11/2021 16:33
(ĐCSVN) – Ba Chẽ có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên những nét đặc sắc văn hóa của vùng đất này. Vì vậy, huyện đang tích cực thực hiện các hoạt động cụ thể nhằm bảo tồn, lưu giữ, phát huy di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc, kết nối với việc phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Huyện Ba Chẽ nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, cách Trung tâm TP Hạ Long khoảng 80km. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85% dân số của huyện, bao gồm các dân tộc: Dao, Tày, Nùng, Sán Chỉ, Cao Lan, Hoa, Mường, Kinh… Đến Ba Chẽ, du khách sẽ cảm nhận được vẻ đẹp bình yên từ những bản làng nằm dưới các chân núi, những thác nước mang đậm vẻ hoang sơ như Thác Khe Lạnh, thác Khe Lùng, từ sự thân thiện gần gũi của đồng bào các dân tộc cùng những phong tục tập quán, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền.  

Ba Chẽ hiện có các di tích đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh như: Đình Làng Dạ (xã Thanh Lâm); khu căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp Khe Lao (xã Lương Mông, xã Minh Cầm), lò gốm sứ cổ ở xã Nam Sơn. Riêng di tích miếu Ông - miếu Bà đã được công nhận là di tích quốc gia vào cuối năm 2020.
leftcenterrightdel
Năm 2020, Lễ hội Bàn Vương - lễ hội cổ truyền quan trọng trong đời sống tâm linh người Dao lần đầu tiên được tổ chức. (Ảnh: Công Thành)

Về văn hóa phi vật thể, hiện nay, Ba Chẽ có 9 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, chiếm đa số là người Dao, Kinh, Sán Chay (gồm Sán Chỉ và Cao Lan), Tày. Các dân tộc không hình thành địa bàn dân cư riêng biệt mà tập trung ở một số vùng nhất định với những bản sắc văn hoá riêng, đã tạo nên sự giao thoa văn hoá đa dạng cho Ba Chẽ. Cùng với thời gian, nơi đây vẫn lưu giữ được bản sắc văn hoá đặc trưng, phản ánh cuộc sống của cộng đồng cư dân trong lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc, như: Tiếng nói, chữ viết, lễ hội, tín ngưỡng, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống…

Bên cạnh đó là những di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc như hát then, hát soóng cọ, hát đối. Ba Chẽ còn có khá nhiều lễ hội truyền thống và những phong tục, tập quán được lưu giữ và phục dựng, thu hút sự quan tâm của nhiều người như lễ hội Lồng tồng, lễ hội đình Làng Dạ, lễ Phùn voòng (lễ cấp sắc), tục lệ cưới xin, ma chay... Những giá trị văn hoá phi vật thể này đã khẳng định những dấu tích văn hoá, tín ngưỡng vô cùng phong phú của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn huyện.

leftcenterrightdel
Hát Soóng Cọ. (Ảnh: Quốc Nam)

Đáng chú ý, vào năm 2020, Lễ hội Bàn Vương - lễ hội cổ truyền quan trọng trong đời sống tâm linh người Dao lần đầu tiên được tổ chức, tái hiện hành trình "Vượt biển" của người Dao đến lập nghiệp tại vùng đất mới và Nghi lễ tưởng niệm ông tổ Bàn Vương, cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, hoa màu tươi tốt, cho con cháu ấm no, hạnh phúc.

Ngoài hoạt động chiêm bái tâm linh, Lễ hội nhằm bảo tồn di sản văn hóa và quảng bá tiềm năng du lịch thông qua đặc trưng văn hóa và nét đẹp trong trang phục, nghi lễ, tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của dân tộc Dao nói riêng; các dân tộc huyện Ba Chẽ nói chung. Đồng thời là dịp để các nghệ nhân và cộng đồng người Dao gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao trong thời kỳ đất nước hội nhập, phát triển.

Nâng niu, trân quý những giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc, thời gian qua, huyện Ba Chẽ đã xây dựng phóng sự quảng bá về truyền thống lịch sử, văn hóa, ẩm thực của các dân tộc. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp truyền dạy văn hóa truyền thống của các dân tộc như: Lớp hát đối của dân tộc Dao Thanh Y, lớp thêu thổ cẩm của dân tộc Dao Thanh Phán, lớp hát Soóng cọ của dân tộc Sán Chay, lớp truyền dạy đan lát...

Nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, đồng thời bảo tồn làn điệu truyền thống, giáo dục văn hóa cho thế hệ trẻ, huyện đã vận động thành lập nhiều CLB như: CLB hát đối của dân tộc Dao Thanh Y tại xã Nam Sơn, CLB hát đối của dân tộc Dao Thanh Phán tại xã Đồn Đạc, CLB hát Soóng cọ của dân tộc Sán Chay tại xã Thanh Lâm.

Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thực hiện sưu tầm tại 8 xã, thị trấn về trang phục, đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất, nhạc cụ (quạt cọ, quạt hòm, niểng, sung, rổ, giá, sàng, nia, cào thóc….) thuộc các dân tộc Dao, Sán Chay trên địa bàn huyện. Đồng thời, tiếp tục phát huy, bảo tồn, tổ chức định kỳ 3 lễ hội gồm: Lễ hội Đình Làng Dạ, lễ hội Lồng Tồng, lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà.

Ngoài ra, huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian nhằm bảo vệ, gìn giữ và phát huy vốn quý văn hóa truyền thống của các dân tộc Ba Chẽ, góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hóa phi vật thể đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

V.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực