Viết tiếp bản hùng ca “Cánh cửa thép Lạng Sơn”

Thứ bảy, 29/07/2023 11:55
(ĐCSVN) - Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 337, Quân khu 4 có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng khu KT-QP Khe Sanh, Quảng Trị vững mạnh.

Trải qua 45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, trong bất cứ hoàn cảnh nào đơn vị cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xây đắp nên truyền thống 10 chữ vàng “Khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, kiên cường, quyết thắng”, để hôm nay cán bộ, chiến sĩ và trí thức trẻ tình nguyện đơn vị viết tiếp bản hùng ca “Cánh cửa thép Lạng Sơn” trong thời kỳ mới.

Dặm bước thần kỳ, phong cách Quang Trung

Cách đây 45 năm, ngày 28/7/1978 tại chợ Cọi, xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Sư đoàn Bộ binh 337 (tiền thân của Đoàn KT - QP 337) được thành lập theo Quyết định 252 của Bộ Quốc phòng trên cơ sở hợp nhất các đơn vị: Đoàn 337 thuộc Tổng cục Kinh tế - Bộ Quốc phòng; Trung đoàn Bộ binh 92, Trung đoàn Bộ binh 4, Trung đoàn Bộ binh 52 và Trung đoàn Pháo binh 222.

Chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, ngày 19/02/1979, Sư đoàn nhận được mệnh lệnh của Bộ Tổng tham mưu “Điều động Sư đoàn 337 thuộc Quân khu 4 tăng cường cho Quân khu 1 làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc”.

Sau 5 ngày hành quân thần tốc mang khí thế “Dặm bước thần kỳ, phong cách Quang Trung”, của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ trong trận chiến đại phá 29 vạn quân Thanh năm 1789, toàn bộ đội hình Sư đoàn phải di chuyển một chặng đường dài hơn 500 km từ Nghệ An bằng đường không, đường sắt, đường bộ, qua nhiều địa hình phức tạp ra biên giới Lạng Sơn an toàn và bước vào chiến đấu ngay. Đúng 14h00 ngày 25/02/1979, những tiếng súng đầu tiên của lực lượng đi đầu mở màn cho những tháng ngày “Đạp bằng mọi khó khăn, trở ngại, phát huy mọi khả năng sẵn có, hăng hái xông tới, đánh thắng trận đầu, đánh thắng liên tục, càng đánh, càng mạnh” của Sư đoàn.

Trong quá trình chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 337 luôn đoàn kết, anh dũng chiến đấu hàng trăm trận, tiêu diệt hàng ngàn tên, thu nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch. Tiêu biểu là trận đánh ngăn chặn địch ở khu vực cầu Khánh Khê đoạn bắc qua sông Kỳ Cùng. Tại đây, địch đã tổ chức hàng trăm đợt tấn công với nhiều loại vũ khí và phương tiện hiện đại, nhưng khi đến đầu cầu Khánh Khê thì bị lực lượng Sư đoàn ngăn chặn, chiến đấu quyết liệt, đánh bại, bẻ gãy toàn bộ mũi vu hồi chiến dịch của địch trên mặt trận Lạng Sơn, giữ vững tuyến phòng thủ, tạo thế, góp phần cùng các lực lượng tiêu diệt, đánh địch ra khỏi biên giới phía Bắc, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. Trong cuộc chiến đấu ác liệt đó, hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 337 đã anh dũng hy sinh; xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu làm rạng danh truyền thống của Sư đoàn.

Chương trình “ Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” năm 2022

Chiến công hiển hách của Sư đoàn 337 tại cầu Khánh Khê đã đi vào lịch sử, được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Lạng Sơn và Bộ Tư lệnh Quân khu 1 ghi nhận. Kể từ đó, Sư đoàn 337 được mang tên Đoàn Khánh Khê với 10 chữ vàng truyền thống “Khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, kiên cường, quyết thắng”.

Sau năm 1979, tình hình chiến sự ở biên giới phía Bắc có sự thay đổi, Sư đoàn 337 bước vào thực hiện nhiệm vụ mới, nhiệm vụ đầy khó khăn thử thách, đó là là tổ chức phòng ngự trực tiếp, tiếp xúc trên tuyến biên giới phía Bắc Lạng Sơn. Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu, cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn đã bám trụ, đào đắp, vận chuyển hàng nghìn khối đất đá xây dựng hệ thống công sự trận địa phòng ngự vững chắc, đồng thời đánh trả, đẩy lùi hàng trăm đợt xâm lấn biên giới của địch, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Chiến tích trên mặt trận mới

Năm 1995, thực hiện chủ trương của Đảng về chuyển hướng chiến lược, Bộ Quốc phòng quyết định điều Sư đoàn 337 từ Quân khu 1 về trực thuộc Quân khu 4. Trở về với quê hương Khu 4, Sư đoàn đứng chân trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên.

Bước ngoặt lịch sử mới của Sư đoàn 337 là thực hiện Nghị quyết 150 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về việc “Quân đội tham gia xây dựng phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn chiến lược”. Đó là vào năm 1999, Sư đoàn 337 được cấp trên giao chuyển đổi nhiệm vụ và đổi tên thành Đoàn KT-QP 337 thực hiện nhiệm vụ xây dựng khu KT-QP Khe Sanh ở địa bàn chiến lược vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thuộc 5 xã phía Bắc của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đồng thời, làm nhiệm vụ quản lý, huấn luyện lực lượng dự bị động viên ở 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. Đến năm 2020, đơn vị mở rộng địa bàn thực hiện nhiệm vụ ở 13 xã thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đắkrông.

Từ một Sư đoàn chủ lực, chuyển thành đơn vị KT-QP, đứng trước nhiệm vụ mới với những khó khăn thử thách mới, cán bộ, chiến sỹ, Đoàn KT-QP 337 đã phát huy nội lực, tự lực, tự cường, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn vừa ổn định vị trí đóng quân vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đảng ủy, chỉ huy Đoàn tập trung làm tốt công tác quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ nhận thức sâu sắc, đúng đắn nhiệm vụ KT-QP trong thời kỳ mới. Từ đó, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn. Đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc.

Đơn vị đã tập trung giáo dục, quán triệt đầy đủ nghị quyết, chỉ thị của các cấp ủy Đảng; tình hình nhiệm vụ quân sự quốc phòng của Quân đội, Quân khu và của đơn vị; âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu. Chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng nắm chắc tình hình, đặc biệt là tuyến biên giới, kịp thời phát hiện và xử lý tốt các tình huống xảy ra, góp phần phát triển KT-XH, tăng cường củng cố QP-AN trên địa bàn phía Tây tỉnh Quảng Trị. Công tác phúc tra, quản lý, huấn luyện dự bị động viên đã có nhiều đổi mới, đi vào nền nếp, có chiều sâu, chất lượng.

Xác định giúp nhân dân trong vùng dự án phát triển kinh tế, xã hội, ổn định dân cư, xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 337 đã tập trung lãnh đạo, xác định nhiều chủ trương, biện pháp sát với tình thực tế, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chương trình dự án. Quá trình thực hiện nhiệm vụ cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn 337 luôn bám dân, bám bản, bám địa bàn, tích cực tuyên truyền cho nhân dân các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, giúp bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, không du canh, du cư, không vi phạm pháp luật. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, xây dựng các mô hình giúp Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh cho gần 2.000 hộ dân như: Mô hình trồng cây ăn quả, cây cà phê, cây rong riềng, trồng lúa nước, nuôi bò, lợn, dê sinh sản..., mở 08 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho hơn 500 lượt người tham gia với tổng kinh phí trên 12,6 tỷ đồng.

Bất chấp hẻm núi Chênh Vênh, Khe Gió hay Đồng Ma, A Sóc…, những vùng đất tận cùng khắc nghiệt, nơi mà chính bà con bản địa còn ngần ngại đặt chân đến, thì cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 337 lại tiên phong đi đầu, băng rừng, lội suối đến với Ra Lỳ, Hoong, Cốc, Chênh Vênh, Xa Ry, Mã Lai, Tà Puồng… để mở đường, dựng bản. Công sức, trí tuệ, mồ hôi và cả xương máu của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 337 đã biến những vùng “ác địa” nơi “thâm sơn cùng cốc” thành khu vực đóng quân, thành những điểm sáng văn hóa giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, những bản làng đầy sức sống mới với tên gọi thân thương Làng 337, làng thanh niên lập nghiệp Tân Pun, các khu tái định cư...

Từ kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo, cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 337 đã góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành đoàn thể địa phương giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 78,51% năm 2010 xuống 58,35% theo tiêu chí mới. Giờ đây, cuộc sống của bà con Nhân dân trong Khu KT-QP Khe Sanh ngày càng ổn định, phát triển, đây là một chiến tích trên mặt trận xóa đói giảm nghèo của đơn vị trong suốt 24 năm đứng chân trên địa bàn chiến lược phía Tây của tỉnh Quảng Trị.

Với những thành tích đạt được, Đoàn KT-QP 337 vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng 3, Huân chương Chiến công hạng 3, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3. Từ năm 1999 đến nay, Đảng bộ Đoàn luôn đạt trong sạch vững mạnh, đơn vị luôn dẫn đầu phong trào thi đua quyết thắng khối KT-QP Quân khu, nhiều năm được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tặng Cờ thi đua; được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương tin tưởng, đánh giá cao. Đã có hàng chục tập thể và hàng trăm cán bộ, chiến sĩ được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.

Viết tiếp bản hùng ca “Cánh cửa thép Lạng Sơn” thời kỳ mới

Nhận thức rõ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng là chủ yếu, công tác dân vận là mũi nhọn, lấy xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh là then chốt, trong thời gian tới, để phát huy truyền thống và viết tiếp bản hùng ca “Cánh cửa thép Lạng Sơn” xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn KT-QP 337 xác định một số nội dung sau:

Một là: Tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về công tác xây dựng Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Thường xuyên nâng cao cảnh giác, phòng chống có hiệu quả âm mưu “diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ” của địch mà trước hết là chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Có niềm tin vững chắc vào Đảng, vào chế độ XHCN, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì CNXH, vì hạnh phúc của Nhân dân. Luôn luôn xứng đáng là lực lượng chính trị trung thành của Đảng, là lực lượng nòng cốt trong chiến tranh Nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Hai là: Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; khắc phục triệt để khâu yếu, mặt yếu, tạo bước chuyển biến tiến bộ vững chắc, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.

Ba là: Đoàn kết, gắn bó máu thịt với Nhân dân, phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện quân với dân một ý chí. Chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể địa phương tích cực tham gia xây dựng cơ sở an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

Bốn là: Thực hiện có hiệu quả các dự án KT-QP, làm tốt công tác vận động quần chúng theo hướng chất lượng, hiệu quả. Ra sức xây dựng khu kinh tế, quốc phòng giàu về kinh tế, mạnh về QP-AN, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương Quảng Trị giàu đẹp.

Năm là: Kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp đã được xây đắp bằng mồ hôi, xương máu của các thế hệ đi trước. Phát huy nội lực, tinh thần tự lực tự cường, kiên quyết khắc phục mọi khó khăn, triệt để chấp hành nghiêm túc mọi chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên. Thường xuyên chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, trí thức trẻ tình nguyện; thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động lớn của Quân đội trong đơn vị./.

Đại tá Nguyễn Đức Thạo, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 337

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực