Đồng Tháp nỗ lực thực hiện việc xây dựng và phát triển các hệ giá trị gia đình

Thứ sáu, 13/09/2024 12:05
(ĐCSVN) - Cũng như các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thực trạng gia đình ấm no ở tỉnh Đồng Tháp vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần giải quyết. Có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến việc xây dựng gia đình hạnh phúc, làm ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt làng xã, trong đó có gia đình và trực tiếp cũng ảnh hưởng tới giá trị hạnh phúc, văn minh, tiến bộ của gia đình.

Gia đình đã tác động trực tiếp trong xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho con người.
(Ảnh minh họa: CM)

Trong thời gian qua, để xây dựng văn hoá và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo, Uỷ ban nhân dân Tỉnh Đồng Tháp  đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể như: kế hoạch số 77 /KH-UBND về thực hiện Chiến lược phát triển gia đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030; kế hoạch số 101/KH-UBND thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030; Kế hoạch số 62/KH- UBND ngày 22/02/2023 triển khai thực hiện công tác gia đình năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; kế hoạch số 212/KH-UBND triển khai thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025. Cùng với đó, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành kế hoạch số 596/KH-SVHTTDL tổ chức các hoạt động ngày Quốc tế Hạnh phúc; kế hoạch số 1740/KH- SVHTTDLtổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của xã hội và từng gia đình trong việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực gia đình.

Bên cạnh đó, công tác gia đình đã tác động trực tiếp trong xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống tốt đẹp cho con người theo các chuẩn mực văn minh, tiến bộ. Các vấn đề liên quan đến gia đình ngày càng được quan tâm, đóng góp quan trọng vào việc giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Hoạt động an sinh xã hội, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng. Nội dung về gia đình trở thành các tiêu chí công nhận các danh hiệu văn hóa. Tỷ lệ gia đình văn hóa ngày càng cao, mức hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở vùng nông thôn từng bước được nâng lên. Các chương trình, kế hoạch, đề án về gia đình triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Tình hình bạo lực gia đình trên địa bàn Tỉnh được kiềm chế và giảm mạnh. Mô hình phòng chống bạo lực gia đình duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi còn có nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động từ các yếu tố xã hội gây bất ổn, phức tạp về xã hội, là nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, gây tác động đến việc gìn giữ, phát triển các hệ giá trị gia đình hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, nhất là tác động đến một bộ phận giới trẻ chưa nhận thức được hoặc nhận thức chưa đầy đủ, chưa toàn diện để phân biệt được cái xấu, cái tốt dẫn đến tiếp nhận và hành xử thiếu chuẩn mực, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, có lối sống thực dụng, ích kỷ, chạy theo vật chất. Một ít giới trẻ rơi vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, trong đó nổi lên là tội phạm giết người, cố ý gây thương tích do nguyên nhân xã hội, mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn nhất thời giữa các nhóm thanh thiếu niên. Tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, mặc dù phương thức, thủ đoạn hoạt động không mới nhưng rất tinh vi, chuyên nghiệp, người dân vẫn sập bẫy, gây thiệt hại tài sản lớn, phổ biến là hình thức kêu gọi nộp tiền kinh doanh để nhận hoa hồng, làm việc online tại nhà, cài đặt ứng dụng giả mạo để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng…

Mặt khác, cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi phải mở cửa giao lưu, thiết lập các quan hệ song phương, đa phương trên mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Giao lưu văn hóa góp phần kích thích sự du nhập và sáng tạo các giá trị tinh thần, đạo đức, góp phần phát triển nhân cách đạo đức, thẩm mỹ của con người hiện đại. Nhưng giao lưu văn hóa cũng du nhập vào địa phương những chuẩn mực, những giá trị xa lạ, thậm chí đối lập với những giá trị tinh thần truyền thống.

Chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, hưởng lạc, khát vọng tiền tài, quyền lực… đang len lỏi vào cuộc sống của một bộ phận không nhỏ thanh niên, học sinh, sinh viên, làm suy thoái nhân cách của họ, làm lung lay các hệ giá trị gia đình hiện nay. Trong quan hệ gia đình xuất hiện sự thiếu quan tâm lẫn nhau. Lười, ngại không tham gia phụ giúp việc nhà, nhất là trong giới trẻ đang trở nên phổ biến. Tình trạng đi chơi kéo dài suốt đêm và dậy rất trễ diễn ra khá nhiều. Cách sống mỗi người “là một thế giới riêng”, “việc ai nấy làm” ở lớp trẻ không tạo nên sự gắn kết trng gia đình. Phát triển của kinh tế thị trường với sự chi phối bởi các quy luật đồng tiển và mưu toán được, mất là điều kiện để đồng tiền lên ngôi và đảo lộn mọi giá trị tinh thần.

Quá trình hội nhập quốc tế dẫn tới không ít văn hóa du nhập xa lạ với truyền thống dân tộc và cộng đồng của địa phương. Khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão với sự thần kỳ của công nghệ thông tin tạo nên một thế giới “thực, ảo” đưa đến sự rối loạn thông tin và truyền tải các loại sản phẩm phi đạo đức, làm nhiễu loạn nhận thức của giới trẻ so với những gì đã học trong nhà trường và những lời dạy của người lớn trong gia đình. Ngoài ra, địa bàn vốn ngăn cách và tâm lý cộng đồng “nhà ai nấy rạng” tạo ra quan niệm và lối sống thiếu hòa đồng và sự tương tác với nhau.

Gia đình ấm áp thân thương. (Ảnh minh họa: CM) 

Song song đó, trong xã hội mới hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường, giao lưu hội nhập và sự đa dạng văn hóa…, yếu tố tình cảm trong mỗi gia đình thực sự đang đứng trước thách thức lớn, sự rạn nứt và tẻ nhạt giữa các mối quan hệ trong nhiều gia đình là một thực tế rất đáng lo ngại. Đó là nguyên do làm phai nhạt giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong xã hội.

Cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tác động đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong của gia đình truyền thống. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc nạo phá thai trong giới trẻ gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề. Xu hướng hôn nhân với người nước ngoài ngày càng nhiều và sau hôn nhân nhiều phụ nữ di cư theo chồng sinh sống ở nước ngoài cũng đặt ra mối quan tâm lo lắng của toàn xã hội.

Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp đang có biểu hiện xuống cấp, mai một. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm… đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống, vấn đề chăm sóc người cao tuổi, tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng ngày càng gia tăng đang đặt ra những thách thức lớn cho mỗi gia đình và toàn xã hội.

Chính vì đó, để thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và phát triển các hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội và các tầng lớp nhân dân, các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình và các giá trị gia đình đã được đúc kết. Trong đó, trọng tâm là Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chỉ thị số 06- CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Quyết định số 2238/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; các văn bản của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chiến lược phát triển gia đình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030.

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong tổ chức thực hiện công tác gia đình đảm bảo sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình nhằm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị gia đình trong tình hình mới. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác gia đình; tuyên truyền giáo dục, cung cấp kiến thức xây dựng gia đình, kỹ năng ứng xử trong gia đình; các mô hình gia đình tiêu biểu. Vận động các gia đình xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, tích cực đóng góp trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Tăng cường hoạt động sáng tác, phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình nhằm hỗ trợ công tác xây dựng gia đình ngày càng đạt hiệu quả thiết thực, bền vững.

Xây dựng môi trường gia đình văn minh, hạnh phúc, tạo điều kiện cho mọi thành viên được phát triển toàn diện và thụ hưởng thành quả phát triển. Xây dựng gia đình trở thành môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Phối hợp chặt chẽ hơn giữa gia đình, nhà trường và xã hội, góp phần giáo dục, rèn luyện con người phát triển toàn diện; hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng và kỹ năng ứng xử văn minh, có nếp sống văn hóa, hiện đại gắn với hội nhập, giữ gìn bản sắc văn hóa, phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam gắn với những phẩm chất tốt đẹp của người Đồng Tháp: Nghĩa tình, năng động, sáng tạo.

Triển khai hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; cung cấp kiến thức, kỹ năng về hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình; ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế góp phần đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững” và các mô hình tiêu biểu như: “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”… tạo sự gắn kết giữa các thành viên gia đình. Chú trọng ngăn ngừa những thông tin và sản phẩm xấu tác động vào gia đình.

Lồng ghép tuyên truyền về gia đình vào hệ thống các trường học; phổ biến, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ. Xây dựng gia đình là môi trường an toàn cho trẻ em; bài trừ lối sống vị kỷ, thực dụng. Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa đảm bảo thực chất, phản ánh đúng tình hình đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh; định kỳ tổ chức Họp mặt biểu dương Gia đình tiêu biểu ở các cấp nhằm kịp thời biểu dương, khen thưởng các hộ gia đình hạnh phúc, nền nếp là tấm gương sáng cho các gia đình khác và cộng đồng xã hội học tập, noi theo.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ của các cấp, các ngành tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện công tác gia đình. Kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và trang bị kỹ năng trong thực hiện nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; phát triển mạng lưới cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em ở cơ sở. Triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới phù hợp, thiết thực gắn với thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 và theo từng giai đoạn.

Phát triển các loại hình dịch vụ gia đình cần thiết hỗ trợ cho cuộc sống nhằm bảo đảm sự ổn định và an toàn của đời sống gia đình; các mô hình hỗ trợ gia đình thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; các mô hình tư vấn, giáo dục về hôn nhân gia đình cho thanh niên trước khi kết hôn; các dịch vụ công về văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên gia đình. Tiếp tục lồng ghép công tác gia đình vào Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… và các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước khác.Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật, chính sách liên quan đến gia đình nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình, đồng thời thực hiện nghĩa vụ của gia đình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình.

Gia đình là cầu nối giữa xã hội và các thành viên gia đình, do đó, từng gia đình và các thành viên trong gia đình phải biết quan tâm đến nhau, sống có trách nhiệm với nhau và với xã hội. Cần quan tâm về cách ứng xử, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, đưa các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam vào đời sống gia đình hiện đại trong tình hình mới và hội nhập quốc tế; giữ gìn, bảo vệ các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình; phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống và trí tuệ; xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh góp phần xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo./.

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực