|
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Sầm Phúc) |
Ngày 13/9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị triển khai Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung nghiên cứu những nội dung cụ thể trong Luật, tích cực tham gia thảo luận và được các chuyên gia giải thích rõ hơn những vấn đề còn vướng mắc, cần phân tích, xin ý kiến hướng dẫn, giải thích của chuyên gia để việc áp dụng pháp luật tài nguyên nước và đất đai trên địa bàn tỉnh được đầy đủ, đồng bộ, thống nhất.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 18/1/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024. Luật gồm 16 Chương, 260 Điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 Điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 Điều. So với Luật Đất đai năm 2013 thì Luật Đất đai năm 2024 có nhiều nội dung mới mang tính đột phá quan trọng góp phần vào mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…
Để hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành Trung ương đã tham mưu Chính phủ ban hành 07 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 01 Quyết định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 05 Thông tư. Để cụ thể hóa quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tỉnh Hậu Giang đã chủ động xây dựng 05 Quyết định quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh, hiện đang lấy ý kiến, dự kiến sẽ ban hành trong tháng 9 năm 2024.
Luật Tài nguyên nước năm 2023 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, ngày 27/11/2023, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 gồm 10 Chương, 86 Điều. Luật Tài nguyên nước năm 2023 đánh dấu một bước tiến rất lớn trong tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước, bảo đảm tài nguyên nước được quản lý như tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo đúng tinh thần Hiến pháp. Chính phủ cũng đã ban hành 02 Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 03 Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và các nội dung có liên quan, thuộc phạm vi quy định của luật này.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định Luật Đất đai năm 2024, Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành có nhiều quy định đổi mới mang tính đột phá, sẽ là bước tiến mới, tạo dựng hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ hơn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước và đất đai tại địa phương, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Bên cạnh các điểm mới của Luật và các văn bản thi hành sẽ giải quyết được những tồn tại, vướng mắc hiện nay, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước nói chung và của tỉnh Hậu Giang nói riêng./.