Chuẩn bị xây dựng cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

Thứ năm, 04/07/2024 11:00
(ĐCSVN) - Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Dự án có chiều dài 128,8km với 4 làn xe, vận tốc dự kiến 100 - 120km/h, được thực hiện ngay từ năm 2024 và cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.
Phối cảnh dự án cao tốc Gia Nghĩa- Chơn Thành. 

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là hơn 25.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 10.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 2.200 tỷ đồng bao gồm Bình Phước là hơn 1.200 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông 1.000 tỷ đồng. Phần vốn của nhà đầu tư là hơn 12.700 tỷ đồng.

Tuyến cao tốc này kết nối Tây Nguyên - Đông Nam Bộ. Theo cơ quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết triển khai, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Tiếp đó, UBND tỉnh Bình Phước và Đắk Nông theo nhiệm vụ là cơ quan chủ quản sẽ lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần.

Với dự án này, Bộ Giao thông vận tải sẽ giữ hai vai trò. Vai trò thứ nhất là cơ quan chuyên môn về xây dựng, cùng tham gia với Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định dự án. Vai trò thứ hai là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai.

Theo ông Nguyễn Nhân Bản, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Nông, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, sở đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch phân công nhiệm vụ cho các đơn vị bắt tay ngay vào công việc.

Dự án có tổng diện tích giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông là 261ha bao gồm hơn 8ha đất ở, 1,58ha đất trồng lúa, 25,1ha đất trồng hoa màu, 175,9ha đất trồng cây lâu năm và 50,2ha đất trồng cây hàng năm. Tổng số hộ bị ảnh hưởng khoảng 408 hộ, dự kiến bố trí tái định cư khoảng 250 hộ, kinh phí 662 tỷ đồng.

Nhu cầu sử dụng cát của dự án đoạn qua địa bản khoảng 130.000m3. Theo rà soát, tỉnh có 7 mỏ cát đang khai thác, tổng công suất hàng năm khoảng 182.000m3/năm, đáp ứng dư nhu cầu. Nhu cầu đá là khoảng 690.000m3. Hiện tỉnh có 9 mỏ đang hoạt động, trữ lượng khoảng 8.185.678m3, công suất 539.800m3/năm, đáp ứng đủ nhu cầu. Về đất đắp, nhu cầu sử dụng khoảng 2.580.000m3, trên địa bàn có 19 mỏ, trữ lượng thừa sức đáp ứng.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Phước cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức rà soát kỹ khối lượng giải phóng mặt bằng, lựa chọn các vị trí tái định cư và dự kiến các nguồn cung cấp vật liệu. Về tái định cư, tỉnh dự kiến đầu tư các khu tái định cư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố: Bù Đăng, Đồng Phú, Đồng Xoài, Chơn Thành. Hiện một số khu đã hoàn thành quy hoạch và đã triển khai đầu tư một phần cơ sở hạ tầng. Phạm vi ảnh hưởng của dự án chủ yếu là đất trồng cây lâu năm, chỉ ảnh hưởng khoảng 46ha đất rừng sản xuất; 9,36ha đất lúa; đất ở khoảng 5ha.

Đối với đất rừng sản xuất đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Phước chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng ngày 8/12/2023. Đối với đất lúa đang hoàn tất các thủ tục trình Hội đồng Nhân dân tỉnh này quyết định tại kỳ họp giữa năm 2024. Đây là các điều kiện rất thuận lợi nhằm đẩy nhanh tiến độ.

Về nguồn cung vật liệu, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 16 mỏ vật liệu đất đắp trữ lượng 18.850.000m3, 24 mỏ đá xây dựng trữ lượng 146.700.000m3, 2 mỏ cát trữ lượng 1.468.000m3, các mỏ đất đắp trữ lượng 20.080.000m3, đáp ứng toàn bộ nhu cầu./..

BC (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực