Cư M'gar khơi thông tiềm năng, lợi thế, kiến tạo động lực tăng trưởng mới

Thứ năm, 25/07/2024 09:08
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) Vũ Hồng Nhật lùi mãi vào chiều muộn khi chủ đề được khơi gợi, đúng mạch nguồn về hành trình dựng xây, kiến thiết; về khát vọng vươn lên như chưa bao giờ vơi cạn trên vùng đất đỏ ba-zan nằm sát vách thành phố cao nguyên Buôn Ma Thuột…
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk trao tặng bằng khen của UBND tỉnh cho cán bộ và nhân dân huyện CưMgar dịp kỷ niệm 40 năm thành lập huyện. 

Triển khai nghị quyết với quyết tâm cao, bước đi vững chắc

Cư M'gar theo tiếng Ê Đê là ngọn núi lửa nằm giữa trung tâm huyện đã tắt từ lâu. Đây từng được xem là một trong những vùng dân tộc thiểu số, miền núi cao nguyên nghèo khó nhất tỉnh Đắk Lắk. Bước vào công cuộc đổi mới, Đảng bộ huyện Cư M'gar luôn bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, vận dụng sáng tạo, linh hoạt thực tiễn, vươn lên từ gian khó, trở thành một vùng quê nhiều triển vọng.

Chủ tịch huyện Cư M'gar Vũ Hồng Nhật vốn trầm tĩnh, kiệm lời nhưng khi được gợi mở về sự nghiệp đổi mới và bước đi, cách làm của quê mình đã hào hứng, sôi nổi hẳn. Anh khẳng định: “Dù còn những vướng khó nhất định trên bước đường đi tới nhưng Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Cư M'gar không cam chịu nghèo khó, chủ động, sáng tạo; cả huyện đồng lòng, gắn bó, cố kết cộng đồng, đoàn kết để khi gặp chướng ngại biết cách vượt qua, gặp hoạn nạn thì cùng sẻ chia, đùm bọc”. Bởi thế, từ trong gian khó, những người Ê Đê, người Kinh… từ muôn phương về lập nghiệp bên ngọn núi huyền thoại năm xưa nắm chặt tay, xốc lại đội ngũ, cùng nhìn về một hướng, xây đời sống mới.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cư M'gar lần thứ IX (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra 16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ, chính quyền huyện bắt tay vào việc, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, xác định rõ bước đi, lộ trình để tập trung lãnh đạo, tạo bứt phá, xoay chuyển tình hình, thiết lập đường hướng phát triển. Với định hướng đúng, giải pháp đồng bộ, kinh tế - xã hội ở huyện Cư M'gar từng bước phát triển khá toàn diện, vững chắc.

 Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2020 - 2023 đạt 9,87%, tăng 0,87 đến 1,87%. Nổi bật là nông nghiệp từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hình thành các vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sầu riêng, cà phê… Hiện đã có 22 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Năm 2023, có 17/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; tổng giá trị sản xuất đạt gần 15.000 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch; tổng thu ngân sách đạt trên 283 tỷ đồng, bằng 139,5% dự toán tỉnh giao. Các hoạt động văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo có nhiều tiến bộ, các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…

 Chủ tịch UBND huyện Cư M'ga Vũ Hồng Nhật (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra vườn sầu riêng năng suất cao.

Dấu ấn đậm nét, thành quả nổi bật nhất của huyện Cư M'gar là đã lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá theo từng giai đoạn, có bước đi, lộ trình bài bản, khoa học sát với yêu cầu thực tiễn. Đó là đột phá trong tái cơ cấu, đầu tư phát triển nông nghiệp; phát triển hạ tầng giao thông và liên kết sản xuất, thu hút đầu tư đạt kết quả nổi bật sau:

Thứ nhất, tái cơ cấu, đầu tư phát triển nông nghiệp

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành nghị quyết về “Phát triển nông nghiệp chất lượng cao, bền vững giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030”, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có. Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, huyện đã đạt được những kết quả tích cực. Đồng chí Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar cho biết, cơ cấu kinh tế nông nghiệp được điều chỉnh hợp lý, tăng trưởng bình quân hằng năm đạt trên 4,5%. Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm 20%. Cơ cấu cây trồng từng bước được điều chỉnh theo quy hoạch, cụ thể: Diện tích cà phê giảm còn khoảng 37.000 ha, sản lượng năm 2023 đạt 84.000 tấn; diện tích cây ăn quả gần 3.000 ha, trong đó sầu riêng 2.850 ha, chiếm 95%.

Đặc biệt, tháng 3-2024, Cư M’gar là huyện đầu tiên trong 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đắk Lắk công bố bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, góp phần quan trọng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thu hút đầu tư, từng bước chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thứ hai, đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ

Cư M’gar có gần 37 km quốc lộ và 27 km tỉnh lộ. Các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ đã được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và kết nối với các địa phương. Trong đó đường Hồ Chí Minh, tuyến tránh phía Tây thị xã Buôn Hồ, đây là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh với chiều dài hơn 26 km, đi qua các huyện Krông Búk, Cư M’gar và thị xã Buôn Hồ. Tuyến tỉnh lộ 8 với chiều dài 35 km nối thành phố Buôn Ma Thuột với huyện Cư M’gar - Krông Búk là tuyến đường huyết mạch, góp phần kết nối giao thương giữa địa phương với các vùng lân cận.

Cùng với nguồn lực của Trung ương và tỉnh, huyện Cư M’gar xác định việc đầu tư hạ tầng các tuyến đường giao thông phải đi trước một bước. Vì vậy, Đảng bộ huyện luôn ưu tiên nguồn lực để xây dựng, mở rộng, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường đô thị và nông thôn. Trong đó tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã Quảng Hiệp, Ea M’droh đã được nâng cấp, mở rộng. Một số tuyến giao thông từ thị trấn Quảng Phú đi các xã phía Đông như Ea Drơng, Cuôr Đăng và các xã phía Bắc như Ea Tul, Cư Dliê M’nông được nhựa hóa, bảo đảm nhu cầu đi lại của nhân dân khu vực đô thị và vùng lân cận. Bên cạnh đó, các tuyến đường trung tâm khu vực thị trấn Quảng Phú được mở rộng theo quy hoạch chi tiết như các đường: Quang Trung, Lê Lợi, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Du, Phù Đổng… quy mô bề rộng nền đường 20,5m. Giao thông được mở rộng, kết nối đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng liên kết giữa các vùng. Hiện nay, các đường liên xã, đường thôn, buôn và đường liên thôn, buôn được nhựa hóa, bê tông hóa 100%, bảo đảm ô tô đi lại thuận tiện; đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt chuẩn trên 70%.

Lãnh đạo huyện Cư M'gar kiểm tra, tháo gỡ một số vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. 

Thứ ba, thu hút đầu tư

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Chương trình số 11-CTr/HU “Về thu hút đầu tư phát triển, giai đoạn 2021 - 2025”. Chương trình đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp về quy hoạch, sử dụng đất, xây dựng, phát triển ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các “điểm nghẽn”, nút thắt về cơ chế, thủ tục… Từ đó, nhiều dự án đầu tư lớn được xúc tiến triển khai như: Khu tổ hợp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại xã Ea M’Droh, tổng vốn đầu tư 360 tỷ đồng đã đi vào hoạt động; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện Cư M’gar tại xã Ea K’pam, vốn đầu tư 2.799 tỷ đồng… Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sầu riêng và một số loại trái cây chủ lực của tỉnh, ứng dụng công nghệ hiện đại của châu Âu do Công ty Chánh Thu làm chủ đầu tư tại xã Ea Đrơng với công suất khoảng 70.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư khoảng 450 tỷ đồng sẽ hoàn thành trong năm 2024.

Đến nay, huyện Cư M’gar có 10 dự án được phê duyệt, đang triển khai thực hiện hoặc đã đi vào hoạt động, tổng vốn đăng ký trên 3.736 tỷ đồng, tập trung vào lĩnh vực du lịch, phát triển nông nghiệp chất lượng cao, thương mại, dịch vụ. Cùng với đó, có 3 nhà đầu tư khảo sát đầu tư lĩnh vực giáo dục, môi trường, nông nghiệp. Qua đó, góp phần không nhỏ tạo bước đột phá tăng trưởng, phát triển kinh tế và là “bản lề” căn cơ để giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Với phương châm nhất quán, xuyên suốt “Không chờ nhà đầu tư tìm đến mà chủ động mở cửa đón nhà đầu tư”, chính quyền huyện Cư M’gar chủ động, tích cực kêu gọi xúc tiến đầu tư; tạo cơ chế, chính sách thông thoáng nhất, phù hợp theo quy định của pháp luật để mời gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát, đầu tư... nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi thông mọi nguồn lực.

Điều gì đã làm nên những dấu ấn đậm nét, thành tựu vượt bậc để phát triển trong triển khai nghị quyết? Câu hỏi được Chủ tịch Vũ Hồng Nhật chia sẻ: “Đó là đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo, xác định tầm nhìn từ chủ trương đến hành động, đi lên bằng nội lực, tư duy tiên phong, dù khó đến mấy cũng không bàn lùi. Đội ngũ cán bộ biết kiến tạo, lo trước, nghĩ sau, cùng nhau hợp sức vượt trước thời gian xây dựng Cư M’Gar phát triển đồng bộ, hài hòa theo lộ trình bài bản, căn cơ, khoa học”.

Tiếp đà thắng lợi, vững niềm tin đi tới

Chủ tịch UBND huyện Vũ Hồng Nhật khẳng định: “Cư M’gar tiếp tục thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính đồng bộ, hiệu quả; phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo dựng mô hình, bước đi vững chắc”.

Từ định hướng trên, phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, Cư M’gar sẽ hoàn thành các mục tiêu phát triển với nền kinh tế năng động, tăng trưởng ổn định theo hướng thân thiện với môi trường; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn, môi trường sống văn minh, hiện đại, giàu bản sắc. Theo đó, huyện Cư M’gar được phân thành 2 tiểu vùng phát triển kinh tế: Tiểu vùng 1 là khu đô thị - dịch vụ - du lịch - công nghiệp và Tiểu vùng 2 là khu dịch vụ nông - lâm nghiệp.  

 Thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar ngày càng khang trang, sầm uất. 

 Tiểu vùng 1 bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thị trấn Quảng Phú, thị trấn Ea Pốk và các xã: Quảng Tiến, Cư Suê, Cư M’gar, Cuôr Đăng, Ea Drơng, Ea K’pam, Ea Tul và Cư Dliê M’nông; trung tâm của tiểu vùng là thị trấn Quảng Phú. Tiểu vùng này được định hướng phát triển tổng hợp thế mạnh nổi trội của huyện, là khu vực cửa ngõ phía Bắc thành phố Buôn Ma Thuột. Đây sẽ là khu vực cung cấp thực phẩm cho trung tâm tỉnh lỵ Đắk Lắk và hỗ trợ cho thị xã Buôn Hồ; hình thành các chức năng về dịch vụ và thương mại, hỗ trợ một phần cho cực phát triển còn lại; hình thành các trung tâm chuyển giao công nghệ gắn với vùng sản xuất.

Tiểu vùng 2 gồm toàn bộ ranh giới hành chính các xã: Ea Kiết, Ea Kuêh, Ea M’Droh, Quảng Hiệp, Ea Tar, Ea H’ding, Ea M’nang với trung tâm của tiểu vùng là xã Ea Kiết. Tiểu vùng 2 có định hướng phát triển thương mại gắn với dịch vụ sản xuất nông nghiệp, hình thành các trung tâm hỗ trợ sản xuất và đầu mối trung chuyển, các kênh phân phối gắn với chuỗi logistic trong khu vực.

Đến năm 2045, huyện Cư M'gar dự kiến có 3 đô thị là thị trấn Quảng Phú đạt đô thị loại III; thị trấn Ea Pốk đạt đô thị loại IV và thị trấn Cuôr Đăng đạt đô thị loại V. Cùng với đó, tập trung đầu tư phát triển khu công nghiệp Phú Xuân tại xã Ea Drơng với quy mô 325 ha; phát triển cụm công nghiệp tại xã Ea Kpam với khoảng 75 ha… Đồng thời, hình thành 3 khu trung tâm hỗ trợ sản xuất tại các xã: Ea K’pam, Ea Kiết và Quảng Hiệp. Song song phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp; vùng trồng cây hàng năm, lâu năm; vùng sản xuất lâm nghiệp; vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao…

Có thể thấy rõ định hình không gian phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Cư M'gar không chỉ vươn lên vị thế mới, mà còn khẳng định vai trò năng động của vùng đất phía Bắc tỉnh Đắk Lắk; tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển theo hướng xanh, bền vững; giải quyết đồng bộ, hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức nhằm đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới, công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, hài hòa với phát triển văn hóa, con người, gìn giữ nền văn hóa giàu bản sắc; nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo và chênh lệch vùng miền, bảo đảm an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng sống cho nhân dân.

Bước đi, cách làm, tầm nhìn và khả năng lắng nghe của đội ngũ cán bộ đã mang lại bước tiến vững chắc cho Cư M'gar. Với tư duy phát triển dài hạn, một mô hình quản trị chắc tay và đội ngũ lãnh đạo tâm huyết, được trui rèn từ thực tiễn, dám làm vì dân, chắc chắn Cư M'gar sẽ sớm đạt mục tiêu trở thành vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk./.

Bài, ảnh: Đình Tăng- Nguyễn Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực