|
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và các lực lượng có liên quan tham gia diễu hành ra mắt tại buổi Lễ. |
Tại buổi lễ, Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk đã thông qua một số nội dung cơ bản về Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và các văn bản quy định chi tiết thi hành có hiệu lực về Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Dịp này, các đại biểu cũng chứng kiến diễn tập tình huống giả định về hành vi bạo lực gia đình, gây rối an ninh trật tự tại cơ sở, thanh thiếu niên tụ tập đông người, tổ chức đua xe, gây rối trật tự công cộng đã được lực lượng Công an các cấp phối hợp cùng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở giải quyết, bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn xảy ra vụ việc.
Thông tin tại buổi Lễ cho biết, ngày 28/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV đã thông qua Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Từ ngày 1/7/2024, Luật này chính thức có hiệu lực thi hành.
Ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an cùng cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương nỗ lực, cố gắng với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, khắc phục mọi khó khăn để tham mưu cấp ủy, chính quyền chuẩn bị các điều kiện để triển khai Luật cũng như cho lễ ra mắt.
Tại Đắk Lắk, để triển khai thực hiện Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, sau khi kiện toàn thống nhất các tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, tỉnh này sẽ có 2.199 Tổ bảo vệ an ninh trật tự được thành lập tại 2.199 thôn, buôn, tổ dân phố thuộc các xã, phường, thị trấn với 6.733 thành viên.
Để phát huy vai trò, vị trí chiến lược của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; đồng thời tiếp tục xây dựng, củng cố nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh trật tự nhân dân, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền các cấp tại Đắk Lắk cần thống nhất nhận thức, xác định vị trí, tầm quan trọng của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở; tiếp tục thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện đối với nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở giống như lực lượng Công an tỉnh.
Thường xuyên quan tâm, coi trọng công tác tuyển chọn, chăm lo hướng dẫn, đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, đặc biệt là cụ thể hoá 6 nhóm nhiệm vụ của lực lượng này được quy định trong Luật. Công tỉnh cần khẩn trương tham mưu, ổn định để lực lượng này có đủ điều kiện đi vào hoạt động thực hiện các nhiệm vụ được giao ngay sau ngày lễ ra mắt. Bên cạnh đó, Công an tỉnh cần tham mưu cấp ủy, chính quyền và báo cáo, đề xuất Bộ Công an từng bước trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ, tập huấn cách quản lý, hướng dẫn cách sử dụng các thiết bị, công cụ này bảo đảm an toàn, hiệu quả, đúng quy định.
Quán triệt và thực hiện tốt phương châm: “Lấy cơ sở làm trung tâm, xây dựng xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố thành pháo đài vững chắc trong công tác bảo đảm an ninh trật tự”, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ về chiến lược. Tiếp tục chăm lo xây dựng lực lượng Công an tỉnh thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại theo tinh thần Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị, tập trung xây dựng lực lượng Công an cấp xã, thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Chú trọng nhân rộng, xây dựng những mô hình hay, cách làm tốt, các điển hình tiên tiến trong quá trình triển khai lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Tại buổi Lễ, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tiếp này tỏ quyết tâm tục phát huy truyền thống cách mạng và những thành tích, những tấm gương sáng tiêu biểu đã đạt được; chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuân thủ nghiêm mọi nội quy, kỷ luật, điều lệnh cũng như nhiệm vụ của lực lượng, đồng thời đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn; phát huy vai trò, nhiệm vụ, chịu sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của Ủy ban nhân dân các xã và sự hướng dẫn, phân công, kiểm tra của lực lượng Công an xã, tích cực tham gia hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã, phường, thị trấn thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ngay cơ sở, tại thôn, buôn, tổ dân phố mà mình sinh sống, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
|
Đại diện lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị, địa phương, các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh cùng hơn 800 thành viên đại diện cho hơn 6.000 người là lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở tham dự buổi Lễ. |
Trước đó, ngày 20/6/2024, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 13, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết Quy định tiêu chí thành lập, tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự và chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024. Theo đó, tất cả 2.199 thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều thành lập Tổ bảo vệ an ninh trật tự. Đối với các thôn, buôn, tổ dân phố có quy mô dân số đến 2.000 người mỗi tổ được bố trí 3 thành viên; trường hợp thôn, buôn, tổ dân phố thuộc xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội thì bố trí tối đa 5 thành viên. Đối với thôn, buôn, tổ dân phố có quy mô dân số trên 2.000 người được bố trí 4 thành viên; trường hợp thôn, buôn, tổ dân phố thuộc xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội thì bố trí tối đa 6 thành viên.
Cạnh đó, Nghị quyết của HĐND tỉnh Đắk Lắk cũng quy định về chế độ hỗ trợ, bồi dưỡng, đối với Tổ trưởng được hỗ trợ hằng tháng là: 1,8 triệu đồng, Tổ phó 1,5 triệu đồng, Tổ viên 1,2 triệu đồng và được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức đóng bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, khi thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc thực hiện các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được bồi dưỡng 100.000 đồng/người/ngày, nhưng không quá 10 ngày/người/tháng. Trường hợp chưa tham gia bảo hiểm y tế mà bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương khi thực hiện nhiệm vụ được hưởng hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh; hỗ trợ tiền ăn hằng ngày...
Ngay sau buổi lễ, các đại biểu đã được chứng kiến diễn tập tình huống giả định về hành vi bạo lực gia đình, gây rối an ninh trật tự tại cơ sở, thanh thiếu niên tụ tập đông người, tổ chức đua xe, gây rối trật tự công cộng đã được lực lượng Công an các cấp phối hợp cùng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở giải quyết, bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn xảy ra vụ việc./.