Gia Lai linh hoạt, sáng tạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW

Thứ tư, 10/07/2024 10:38
(ĐCSVN) - Tín dụng chính sách (TDCS) xã hội tại Gia Lai đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Bức tranh TDCS trên vùng đất Bắc Tây Nguyên mang những gam màu mới; không chỉ là quy mô, chất lượng tín dụng tăng trưởng mà hơn thế, sự cộng hưởng sức mạnh của cả hệ thống chính trị được tăng cường và hội tụ, làm rạng sáng hơn một chính sách mang đầy tính nhân văn của Đảng.
Lãnh đạo NHCSXH Việt Nam kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay tại xã Ia Grăng, huyện Ia Grai. 

Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới thuộc khu vực Bắc Tây Nguyên có dân số hơn 1,6 triệu người, gồm 44 dân tộc; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 46,3%, chủ yếu là dân tộc Gia Rai và Ba Na.

Với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (gọi tắt là Chỉ thị 40) tỉnh Gia Lai đã tạo bước đột phá hỗ trợ những đối tượng yếu thế vượt nghèo, thay đổi cuộc sống, để không ai trong số họ bị bỏ lại phía sau.

Đến nay, TDCS đã triển khai đến 100% các xã, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong toàn tỉnh. Bình quân hằng năm tăng trưởng tín dụng từ 10% trở lên. Tổng dư nợ hiện đạt 7.146 tỷ đồng, tăng 4.354 tỷ đồng so với năm 2014, với 155.329 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Tổng doanh số cho vay từ khi có Chỉ thị 40 đến nay đạt 16.450 tỷ đồng, với 522.233 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Trong đó, cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt 7.767 tỷ đồng, chiếm 47,2% tổng doanh số cho vay, với 248.717 hộ vay vốn. Vốn vay các chương trình TDCS góp phần tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Dấu ấn rõ nét nhất là cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc lồng ghép, phối hợp giữa chính sách tín dụng ưu đãi với các chính sách khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh theo hướng tập trung phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để giúp người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, tăng năng suất, thu nhập. Nhiều mô hình kinh tế được tổ chức cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tham gia mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng bào dân tộc Gia Rai ở huyện Ia Pa phát triển chăn nuôi từ vốn tín dụng chính sách.

Ông Lê Văn Chí, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Gia Lai cho biết: Từ khi có Chỉ thị 40, cả hệ thống chính trị vào cuộc, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động TDCS. Chính quyền tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên dành ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hằng năm, UBND tỉnh bố trí 20 tỷ đồng trở lên từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH. Đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác là 470 tỷ đồng, chiếm 6,6% nguồn vốn, tăng 440 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40.

Tại huyện Ia Pa, một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Gia Lai, ông Trần Ánh Tôn, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện dẫn chúng tôi thăm một số mô hình phát triển kinh tế gia đình từ nguồn vốn TDCS và cho biết: Huyện ủy, UBND huyện luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động TDCS. Vốn ngân sách địa phương ủy thác đến nay lên trên 12,542 tỷ đồng. Tính đến tháng 5/2024, tổng dư nợ đạt trên 408 tỷ đồng, với 14 chương trình tín dụng ưu đãi cho gần 9.000 hộ khách hàng đang sử dụng vốn vay. Quy mô tăng trưởng vốn vay gấp 176 lần so với năm 2014, bình quân mỗi năm tăng 17,6 lần. Riêng 3 chương trình giảm nghèo có tầm ảnh hưởng rộng lớn là chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm 40% tổng dư nợ, đã lấp đầy “khoảng trống” chính sách, bảo đảm cho hộ nghèo giảm nghèo bền vững. Vốn TDCS đã giúp 6.610 hộ trong huyện thoát nghèo, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững qua từng giai đoạn.

Chúng tôi đến gia đình ông Rơ Ô Súy, làng Đoàn Kết, xã Chư RCăm, huyện Krông Pa có hoàn cảnh rất khó khăn được vay 50 triệu đồng để mua 3 con bò. Đến nay, đàn bò đã phát triển thành 9 con. Gia đình bán bò để tiếp tục đầu tư trồng 2 héc-ta sắn, 2 sào lúa rẫy. Trừ hết chi phí, mỗi năm thu về trên 70 triệu đồng. Từ một hộ rất nghèo, nhờ nguồn vốn ưu đãi, nay đã thoát nghèo. Khoản tiền vay của ngân hàng đã trả đủ nên yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, nuôi con ăn học. Còn ông Siu Biếp ở làng Koái, xã Ia Blang, huyện Chư Sê thì cho biết: “Trước đây, bố mẹ già mà nhà lại đông anh em, quanh năm gia đình thiếu ăn phải vay mượn bên ngoài. Được cán bộ động viên nên mình vay 50 triệu đồng để trồng cà phê… Hiện nay, thu nhập gia đình mình đạt trên 80 triệu đồng/năm. Cái nghèo khó đã lùi dần”.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Ral Lan Chung tặng Bằng khen cho NHCSXH Gia Lai. 

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Gia Lai, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, TDCS đã giúp cho 522.233 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, 55.555 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 15.352 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đi học; 52.478 lao động được vay vốn tạo việc làm, tăng thu nhập; 233 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng 233.659 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn quốc gia; hỗ trợ xây dựng 3.022 căn nhà cho hộ nghèo và hộ người dân tộc thiểu số.

Nguồn vốn TDCS không ngừng phát huy hiệu quả, góp phần cùng hệ thống chính trị thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Các chương trình TDCS được triển khai kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở Gia Lai. Cụ thể, giai đoạn 2014 - 2015, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 23,73% xuống còn 11,36%; giai đoạn 2016 - 2021, giảm từ 19,71% xuống 16,55%; giai đoạn 2021 - 2023, giảm từ 12,09% xuống 8,11%.

Chỉ thị số 40 là “cú huých” cho hệ thống TDCS không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai; góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, được nhân dân đồng tình ủng hộ, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ./.

Bài, ảnh: Đình Tăng- Nguyễn Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực