Kon Tum: Bảo vệ thương hiệu và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh

Thứ ba, 16/07/2024 09:23
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum, tỉnh này đã ra văn bản số 2455/UBND-KTTH, đây là văn bản yêu cầu đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Sâm Ngọc Linh Kon Tum. 

Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường, Uỷ ban Nân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tế nhằm giữ gìn và bảo vệ tốt nhất thương hiệu và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về quá trình sản xuất, kinh doanh, quyền sở hữu công nghiệp đối với sâm Ngọc Linh Kon Tum trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các mạng xã hội (như Zalo, Facebook). Tiếp tục thông tin, giới thiệu rộng rãi mục đích, năng lực phân tích ADN và phân tích, kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ khoa học và công nghệ tỉnh.

Tuyên truyền, giới thiệu đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh Kon Tum thật đã được cơ quan nhà nước kiểm chứng đến người tiêu dùng để biết, lựa chọn và sử dụng sản phẩm chính hiệu. Chỉ đạo làm tốt việc phát hành, quản lý và sử dụng Tem chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum. Định kỳ hoặc đột xuất tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng vi phạm việc sử dụng Tem này theo đúng quy định.

Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum để phát triển thành ngành hàng mang thương hiệu quốc gia. Tổ chức, tham gia các hội nghị, hội chợ, triển lãm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum đã được cấp chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh”, nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Ngọc Linh Kon Tum” tại các địa phương trong nước và nước ngoài.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các hành vi kinh doanh trái pháp luật đối với sản phẩm sâm củ Ngọc Linh và nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương hiệu và bảo vệ thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Kon Tum tăng cường quản lý sản phẩm sâm Ngọc Linh.

(Ảnh: HL)

Được biết, tháng 6 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung sâm Ngọc Linh vào danh mục sản phẩm quốc gia, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Sâm Ngọc Linh cũng là sản phẩm quốc gia đầu tiên trong lĩnh vực dược liệu. Là một trong hai địa phương được Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chỉ dẫn địa lý sản phẩm Sâm củ Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum đang có những bước đi vững chắc để bảo tồn, phát triển cây sâm và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm này. Cơ sở để tỉnh Kon Tum thực hiện và khẳng định sẽ thành công trong việc đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực, thành hàng hóa có tính cạnh tranh, thành sản phẩm mang thương hiệu quốc gia được bắt đầu từ cách đây hàng chục năm.

Thời điểm năm 1991 khi tỉnh Kon Tum mới chia tách thành lập lại, chính quyền địa phương đã có kế hoạch bảo tồn nguồn giống và mở rộng diện tích cây sâm Ngọc Linh. Đến nay ở độ cao từ 1.800m đến 2.500m trên khối núi Ngọc Linh ở địa bàn hai xã Măng Ri, Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông, các doanh nghiệp và người dân đã trồng được trên 300 ha sâm Ngọc Linh. Từ thực tế phát triển diện tích sâm Ngọc Linh, nhiều mô hình liên doanh, liên kết giữa người dân với người dân và người dân với doanh nghiệp được hình thành là cơ sở vững chắc cho việc xây dựng vùng nguyên liệu quy mô lớn.

Để xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, cung cấp cho việc chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ sâm Ngọc Linh phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, tỉnh Kon Tum đang từng bước chuẩn hóa quy trình trồng, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch; tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân những yếu tố cần thiết để trồng sâm Ngọc Linh, như: cho thuê rừng với mức tạm thu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng giống, quản lý thị trường nhằm ngăn chặn giống, loài, hàng giả không đạt chất lượng; thành lập Hội Sâm Ngọc Linh để tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, hỗ trợ nhau trong bảo tồn, phát triển sản xuất và kinh doanh sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó thống nhất công tác quản lý từ tỉnh đến cơ sở để kiểm soát chặt chẽ nhưng không cản trở và khuyến khích, động viên được mọi nguồn lực tham gia phát triển vùng sâm.

Là sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, được bổ sung vào danh mục sản phẩm quốc gia vào tháng 6/2017, cây sâm Ngọc Linh ở Kon Tum đang đứng trước thời cơ thuận lợi để trở thành cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm sâm Ngọc Linh là niềm tự hào, cũng vừa là  trách nhiệm của chính quyền và người dân địa phương. Tiếp tục những bước đi vững chắc để xây dựng thương hiệu quốc gia sản phẩm sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum cũng đang phối hợp tốt với các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và các dự án về cây sâm.

Kon Tum đã quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh rộng gần 32.000 ha tại 8 xã của hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông, trong đó diện tích vùng lõi trồng sâm gần 10.000 ha. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu trồng hết diện tích đất vùng lõi với quy mô công nghiệp. Mục tiêu của địa phương là sẽ đưa cây sâm Ngọc Linh thành cây hàng hóa chủ lực trong phát triển kinh tế, xã hội và đa dạng hóa nhiều loại sản phẩm để phục vụ nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu./..

BC (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực