Kon Tum tăng trưởng GRDP đứng đầu khu vực Tây Nguyên

Chủ nhật, 07/07/2024 16:06
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Theo Uỷ ban Nhân dân tỉnh Kon Tum, với mức tăng trưởng GRDP trong 6 tháng đầu năm đạt 6,47% so với cùng kỳ năm 2023 đã giúp địa phương này duy trì vị trí đứng đầu khu vực Tây Nguyên, đồng thời tạo đà cho việc bứt phá trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 là từ 10% trở lên.

Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã đề ra.

Để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 5/12/2023 xác định các chỉ tiêu cụ thể cũng như xác lập những nhóm nhiệm vụ, giải pháp, những vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất.

Với tinh thần quyết tâm, quyết liệt, trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, sự tin tưởng, đồng lòng, quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả, nhiều chỉ tiêu quan trọng của tỉnh tăng cao so với cùng kỳ và cơ bản đảm bảo tiến độ.

Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP ước đạt 8.165 tỷ đồng, tăng 6,47% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,56 %; quý II tăng 6,38%), đứng thứ 30/63 tỉnh thành trên cả nước và cao nhất trong khu vực Tây Nguyên.

Các lĩnh vực kinh tế then chốt đều có tốc độ tăng trưởng cao. Như khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có giá trị tăng thêm ước tính 5,14% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,67 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Đây là khu vực ghi nhận tốc độ tăng đồng đều trong các quý.

Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp - xây dựng có mức tăng khá cao, ước tính tăng 10,44% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 3,16 điểm phần trăm vào mức tăng chung tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Khu vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh mẽ nhờ hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi và chương trình kích cầu du lịch. Trong 6 tháng đầu năm đã thu hút được khoảng 1,445 triệu lượt khách du lịch đến tỉnh, tổng doanh thu khoảng 370 tỷ đồng, đạt 61,2% kế hoạch và bằng 96,4% so với cùng kỳ năm trước.

Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2024 được HĐND tỉnh giao 4.600 tỷ đồng, ước thực hiện thu 6 tháng đầu năm đạt 1.789 tỷ đồng, đạt 55% dự toán Trung ương giao, đạt 38,9% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 9,6% so với cùng kỳ.

Môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục được tỉnh chỉ đạo quyết liệt với mục tiêu tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng.

Từ đó đã thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, uy tín đến đầu tư tại Kon Tum. Trong 6 tháng đầu năm toàn tỉnh đã thu hút 9 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 109 tỷ đồng.

Thi công kết cấu hạ tầng ở Kon Tum. (Ảnh: Thanh Hưng) 

Được biết, ngày 28/6/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TU về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị 6 tháng cuối năm 2024, xác định một số mục tiêu chủ yếu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cơ bản của 6 tháng cuối năm 2024.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng từ 12,47% trở lên; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trên 2.811 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 16.994 tỷ đồng trở lên. Thu hút thêm 255.000 lượt khách du lịch đến tỉnh. Trồng mới thêm 3.000ha rừng.

Có thể thấy đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng, khi bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, 6 tháng cuối năm 2024 được dự báo sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn và thách thức, như thương mại toàn cầu đang suy giảm, suy thoái môi trường ngày càng gia tăng. Thiên tai và các loại dịch bệnh nguy hiểm trên người và động vật diễn biến khó lường. Chính vì thế các cấp, các ngành và địa phương ở Kon Tum đang tích cực tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về công tác quy hoạch, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tín dụng; phát triển các ngành, lĩnh vực chủ chốt; hoàn thiện cơ chế chính sách.

Tổ chức tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh, thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi (giảm, giãn thuế, phí, lãi suất cho doanh nghiệp) thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Quyết liệt đẩy nhanh vốn đầu tư công, kế hoạch trung hạn 2021-2025, đặc biệt là quan tâm thúc đẩy các công trình dự án trọng điểm, có tính động lực, lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao điểm số chỉ số thành phần của Chỉ số hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)./… 

BC (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực