|
Tổng Giám đốc Trần Xuân Thịnh (đứng giữa) trình bày phương án xây dựng xí nghiệp chế biến mủ cao su.
|
Đạp bằng gian khó, gieo dựng mầm xanh
Ông Trần Xuân Thịnh, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Trong hành trình mở đất dựng nghiệp, Công ty Cao su Chư Mom Ray trải qua nhiều thăng trầm nhưng với quyết tâm không chùn bước, kế thừa thành tựu của nhiều thế hệ, cấp ủy, ban lãnh đạo công ty đoàn kết, xốc lại đội ngũ, đề ra nhiều giải pháp để lãnh đạo sản xuất, kinh doanh giành nhiều kỳ tích trên đất rừng biên giới.
Hiện nay, Công ty có trên 1.100 cán bộ, đảng viên, công nhân, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm gần 75%, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, Thái, Tày, Nùng... ở một số tỉnh phía Bắc vào lập nghiệp và hàng nghìn người lao động, các hộ nhận khoán 5.142 ha cao su trải dài khu vực biên giới Ia H’Drai, với 4 nông trường, 1 xí nghiệp chế biến mủ.
Ông Phạm Duy Vương, Phó Tổng Giám đốc Công ty nhớ lại, những ngày đầu mới thành lập, công ty gặp muôn vàn khó khăn giữa bạt ngàn đồi cao đất dốc, địa hình chia cắt. Đây là vùng rừng sâu, trải dọc biên giới giáp với nước bạn Cam-pu-chia, cách trung tâm tỉnh Kon Tum trên 150 km; lao động tại chỗ không có, cơ sở vật chất ban đầu thiếu thốn, hạ tầng cơ sở thấp kém. Do hệ thống cầu cống, đường giao thông chưa được đầu tư xây dựng, nên việc đi lại, vận chuyển vật tư cây giống, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất khó khăn, cách trở.
Những cây cao su đầu tiên được trồng xuống trên đất rừng vô cùng gian nan, vất vả... Từng đội sản xuất, mỗi con người đều có tâm trạng âu lo. Ấy là vào núi rừng heo hút Mô Rai, Ia H’Drai lập nghiệp, xa gia đình, lại gặp thời điểm khó khăn, cao su xuống giá, ảnh hưởng lớn đến đời sống và tinh thần của công nhân. Chị Kha Thị Kiều, dân tộc Thái vừa cạo mủ vừa kể chuyện: “Gia đình em từ xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, theo người thân vào Nông trường Mô Rai làm công nhân. Khi mới vào, nhiều người đã bỏ về quê vì khổ quá. Số người trụ lại thì vật lộn với cơ man những khó khăn, sốt rét ác tính và cả thú rừng nữa”. Liệu có trụ được lâu dài trên vùng đất mới không? Câu hỏi luôn thường trực, xoáy vào tâm tư của mỗi người giữa mênh mông rừng núi thâm u, hoang sơ ngày ấy.
|
Lớp công nhân mới của Công ty luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. |
Bàn tay làm nên những mùa vui
Trong cái khó đã ló bật tư duy của những người đi mở đất với quyết tâm không chùn bước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty Cao su Chư Mom Ray, những bàn chân trần săn chắc của người lao động vẫn nắm chặt tay, cùng một hướng, sải từng bước vững chắc dọc dài biên giới, gieo những mầm cây vươn xanh từ ý chí con người. Cây dựa vào cây, bật mầm, vươn lá. Người dựa vào người, ấm áp, nghĩa tình... Trên 500 con người kiên trì bám trụ, chăm bẵm vườn cây trên dải đất biên giới với quyết tâm xiết chặt đội ngũ, nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ, từ công ty đến các nông trường, các tổ sản xuất và người lao động, vững một niềm tin để chung sức làm xanh lên miền đất lạ.
Thế rồi thành quả đến gần. “Đất không phụ công người, người trả ơn cho đất”, Tổng giám đốc Trần Xuân Thịnh chia sẻ. Mùa lại mùa nối tiếp niềm vui… Từ năm 2020 đến nay, Công ty Cao su Chư Mom Ray trở thành một trong những đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có năng suất, sản lượng cao; mức thu nhập của người lao động có bước nhảy vọt, luôn bằng hoặc cao hơn các đơn vị sản xuất, kinh doanh cao su trên địa bàn; đời sống, vật chất, tinh thần của người lao động được cải thiện đáng kể. Năm 2023, Công ty khai thác được 9.472 tấn mủ, vượt 862 tấn, tương đương 110% kế hoạch, năng suất bình quân 2,01 tấn/ha. Đây là năm thứ hai liên tiếp, Công ty đứng trong Câu lạc bộ 2 tấn của Tập đoàn.
|
Bí thư Huyện ủy Ia H'Drai Trương Thị Linh trao tặng đảng viên Công ty Cao su Chư Mom Ray hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. |
Theo Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam Huỳnh Kim Nhựt, cùng với bám sát thực tiễn, không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, Công ty còn tiên phong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thực hiện chu đáo công tác an sinh xã hội; quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống điện, nước sinh hoạt, nhà ở tập thể, nhà ở cho hộ gia đình công nhân; trung tâm y tế, hệ thống nhà trẻ ở các nông trường… nên đội ngũ công nhân luôn ổn định, không biến động như nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn Tây Nguyên. Đồng chí Trương Thị Linh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ia H’Drai cho biết: “Đảng bộ Công ty Cao su Chư Mom Ray là tập thể đoàn kết, giữ vững hạt nhân lãnh đạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị hằng năm”.
Bằng sức lao động sáng tạo, đạp bằng gian khó, với niềm tin và khát vọng đi tới, cán bộ, đảng viên, người lao động Công ty Cao su Chư Mom Ray đã và đang gieo khúc hoan ca giữa đất rừng biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây chắc “thế trận lòng dân” nơi biên cương Tổ quốc./..