|
Lâm Đồng nhìn từ trên cao. (Ảnh: K.V) |
Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Lâm Đồng sẽ phát triển trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện. Mục tiêu tới năm 2050, Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.
Tại Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, tổng vốn các doanh nghiệp công bố sẽ đầu tư vào Lâm Đồng khoảng hơn 125.000 tỷ đồng trong nhiều lĩnh vực.
Mục tiêu đến năm 2030, hệ thống đô thị của tỉnh Lâm Đồng gồm 17 đô thị; trong đó, có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 3 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V.
Đến năm 2050, Lâm Đồng hướng tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Lâm Đồng có khu vực nội thành là thành phố Đà Lạt mở rộng, gồm thành phố Đà Lạt hiện hữu, huyện Lạc Dương, 5 xã của các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, thành phố Bảo Lộc mở rộng. Khu vực ngoại thành gồm 3 thị xã Lâm Hà, Đơn Dương; Di Linh và 3 huyện Đam Rông, Bảo Lâm và Đạ Huoai mới (sáp nhập từ các huyện Cát Tiên, Đạ Terh, Đạ Huoai hiện hữu).
Về giao thông, theo quy hoạch tỉnh sẽ xây dựng 3 cao tốc: cao tốc Nha Trang - Liên Khương; cao tốc Liên Khương - Buôn Ma Thuột; cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đều có quy mô 4 làn xe, với tổng chiều dài khoảng 257,2km.
Ngoài ra, tỉnh cũng đặt kế hoạch phát triển 8 tuyến quốc lộ và 19 tuyến đường tỉnh, tạo nên một mạng lưới giao thông đồng bộ và tiện lợi, ưu tiên đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi. Đối với các tuyến đường tỉnh hiện hữu như ĐT 721, ĐT 722, ĐT 724, ĐT 725 và ĐT 726, tỉnh sẽ nâng cấp, mở rộng và cải thiện chất lượng để đảm bảo khả năng vận chuyển hàng hóa và người dân trong khu vực.
Theo quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sân bay Liên Khương sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế đầu tiên của vùng Tây Nguyên, sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Từ công suất 2 triệu khách/năm hiện tại, quy hoạch nâng công suất sân bay Liên Khương lên 5 triệu khách trong thời kỳ đến năm 2030 và 7 triệu khách đến 2050.
Về đường sắt, tỉnh đặt trọng tâm là khôi phục, cải tạo và khai thác có hiệu quả tuyến đường sắt răng cưa độc đáo Đà Lạt - Tháp Chàm phục vụ du lịch. Tuyến đường sắt răng cưa dự kiến dài hơn 83 km, dự kiến có 16 ga và trạm khách, bổ sung 2 ga và 2 trạm khách so với tuyến cũ. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 1/2025 - tháng 6/2029. Nghiên cứu phát triển 6 tuyến xe điện mặt đất (tramway)/xe điện một ray (monorail), trong đó nghiên cứu triển khai tuyến ga Đà Lạt đi sân bay Liên Khương, huyện Đức Trọng trong giai đoạn 2021 - 2030.
Đến năm 2030, toàn tỉnh dự kiến thành lập 3 khu công nghiệp mới: Đạ Tẻh, Tân Rai - Bảo Lâm, Lộc Châu - Đại Lào với diện tích khoảng 538 ha, đồng thời đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp Lộc Sơn, khu công nghiệp Phú Hội và hoàn thành thủ tục pháp lý, thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển sản xuất khu công nghiệp Phú Bình.
Là tỉnh có trữ lượng bauxit lớn, Lâm Đồng tập trung và ưu tiên phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản (bauxit, alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm). Đáng chú ý, Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đã đề xuất dự án nhà máy alumin Lâm Đồng 2 tại huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, TP Bảo Lộc của Lâm Đồng. Đây là nhà máy khai thác quặng bô xít, nhà máy chế biến alumin có công suất 4 triệu tấn/năm. Dự kiến nhà máy sẽ được triển khai từ năm 2023 - 2033 với 3 giai đoạn, có tổng mức đầu tư là 103.024 tỷ đồng (tương đương 4 tỷ USD).
Trong tương lai, Lâm Đồng xây dựng mới 18 khu vực điện gió, 26 khu vực thuỷ điện, 11 khu vực điện mặt trời và 2 nhà máy điện rác.
Về nông nghiệp, Lâm Đồng chú trọng phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại là vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất hàng hóa có giá trị cao trên thị trường Đông Nam Á. Ngành trồng trọt ưu tiên các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao và hướng đến xuất khẩu như rau, hoa, tơ tằm, cà phê, chè, cây ăn quả, giống cây trồng cấy mô.
Cùng với đó, Lâm Đồng cũng xây dựng đồng bộ hệ thống bán buôn, bán lẻ, hệ thống logistics. Đồng thời kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; phát triển thương hiệu “Đà Lạt- kết tinh kỳ diệu từ đất lành” trong khu vực và một số thị trường quan trọng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu…
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Lâm Đồng còn trở thành “Thiên đường xanh” với sức hút của các trung tâm nghỉ dưỡng - sinh thái - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp hàng đầu Việt Nam và Đông Nam Á. Trong đó thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành đô thị chất lượng cao, phát triển kinh tế ban đêm, hiện đại, đẳng cấp quốc tế.
Lâm Đồng cũng sẽ tập trung đầu tư 6 nhóm sản phẩm du lịch chính. Đó là du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe - thể thao cao cấp (golf, đua ngựa, đua chó…); du lịch sinh thái - mạo hiểm; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch đô thị; du lịch sáng tạo.
Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận được quy hoạch trở thành trung tâm du lịch của quốc gia và quốc tế. Mở rộng khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, đầu tư đưa vào khai thác các khu du lịch trọng điểm: Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng, Khu du lịch hồ Prenn, Khu du lịch núi Sa Pung. Năm 2023 vừa qua, Lâm Đồng đón trên 8,6 triệu lượt khách tới du lịch nghỉ dưỡng, trong đó có 400.000 lượt khách quốc tế và 8,2 triệu lượt khách nội địa với doanh thu từ du lịch đạt 15.500 tỷ đồng./..