Huyện Đạ Tẻh nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lâm Đồng, diện tích tự nhiên 526,7 km2; có 8 xã và 1 thị trấn, 77 thôn, tổ dân phố; đến cuối năm 2023, có 12.873 hộ/53.110 khẩu, có 13 DTTS anh em cùng sinh sống; riêng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên có 1.034 hộ/3.869 khẩu, chiếm 7,3 % dân số toàn huyện, hiện đang sinh sống tại các thôn, tổ dân phố thuộc các xã Đạ Pal, An Nhơn, Mỹ Đức, Quốc Oai và thị trấn Đạ Tẻh. Có 4 xã thuộc vùng DTTS và miền núi; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS chung đến cuối năm 2023 còn 1,55%; cận nghèo 2,77%; riêng tỷ lệ hộ nghèo DTTS gốc Tây Nguyên còn 2,03%, cận nghèo 4,84%.
Ông Tống Giang Nam - Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, từ đó đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng tham gia phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS. Nhiều chương trình, dự án đã được triển khai; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao năng suất, từ đó đời sống bà con được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm.
Trong 5 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS và miền núi và từ ngân sách địa phương, huyện Đạ Tẻh đã đầu tư xây dựng nhiều công trình trong vùng DTTS; trong đó, tập trung vào các nội dung như: đường giao thông nông thôn, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá, nhà sinh hoạt cộng đồng…
|
Mô hình trồng cà chua xuất khẩu ở Đức Trọng- Lâm Đồng. (Ảnh: K.V) |
Bên cạnh đó, các chương trình, dự án được huyện Đạ Tẻh triển khai đầu tư, hỗ trợ như: chương trình trồng cao su tập trung tại xã Mỹ Đức 65 ha, xã Quốc Oai 120 ha; mở 2 lớp dạy nghề khai thác mủ cao su cho 120 hộ là đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên; chương trình trồng và chế biến tre tầm vông tại thôn Tố Lan, xã An Nhơn với diện tích trên 50 ha; chương trình trồng và chăm sóc bơ, mắc ca tại thôn Tôn Klong - xã Đạ Pal với tổng diện tích đạt 28,6 ha; Mô hình Trồng dâu, nuôi tằm tại thôn Đạ Nhar, xã Quốc Oai với diện tích 5,3 ha. Các chương trình, dự án trên đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp bà con có việc làm ổn định, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo tại địa phương.
Huyện Lạc Dương cũng vừa quyết định hỗ trợ 13 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo chăn nuôi 60 bò cái vàng sinh sản tại xã Đưng K’nớ, giai đoạn 2024 -2025. Theo đó, UBND xã Đưng K’nớ làm chủ đầu tư tổ chức hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo 70% chi phí mua con giống bò cái vàng sinh sản với định mức không quá 15 triệu đồng/con cùng các thiết bị, vật tư thiết yếu. Và mức đối ứng của người dân có thể bằng tiền hoặc hiện vật, ngày công lao động quy đổi thành tiền, được tính trong giá trị công trình, không hạch toán vào thu chi ngân sách nhà nước. Được biết, tổng kinh phí triển khai cho 13 hộ phát triển chăn nuôi bò cái vàng sinh sản nói trên hơn 1,357 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 945 triệu đồng; kinh phí tự có của hộ dân hơn 412 triệu đồng.
Thực hiện Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2024, đến hiện tại, UBND huyện Cát Tiên đã phê duyệt 5 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trong lĩnh vực nông nghiệp. 5 dự án này được triển khai tại thị trấn Cát Tiên và các xã Đức Phổ, Quảng Ngãi, Tiên Hoàng, Gia Viễn. Đối tượng tham gia các dự án là Nhóm cộng đồng dân cư hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Tùy theo từng xã, thị trấn mà số hộ tham gia và hưởng lợi từ các dự án khác nhau, nhưng tất cả đều là hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ mới thoát nghèo năm 2023.
Các dự án chủ yếu hỗ trợ các hộ mua bò cái giống sinh sản (40 hộ) và heo giống sinh sản (4 hộ) theo hình thức nhà nước hỗ trợ 60% kinh phí mua con giống, các hộ tham gia dự án đối ứng 40%. Ngoài những hộ tham gia và hưởng lợi trực tiếp từ dự án, mỗi Nhóm cộng đồng dân cư còn có sự tham gia của 1 hộ làm kinh tế giỏi, là người đại diện Nhóm cộng đồng và không hưởng lợi từ dự án. Người đại diện này sẽ tổ chức thu hồi 5% vốn quay vòng của tất cả các hộ tham gia dự án; tổ chức bình xét, luân chuyển vốn để mở rộng phát triển sản xuất và thu nộp ngân sách nhà nước khi kết thúc dự án.
|
Canh tác ngô chất lượng cao tại huyện Di Linh- Lâm Đồng. (Ảnh: K.V) |
Hiện tại, các xã Nam Ninh, Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2 và thị trấn Phước Cát đang tiến hành lập hồ sơ để trình UBND huyệt phê duyệt các dự án. Như vậy, trong năm 2024, có 9/9 xã, thị trấn của huyện Cát Tiên thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện các dự án này là 1,196 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2024 của UBND huyện phân bổ. Nguồn vốn này chủ yếu dành để hỗ trợ trực tiếp mua con giống cho các hộ tham gia các dự án và trích một phần khoảng 5% để hỗ trợ gián tiếp chi phí cho tổ thẩm định và chi phí quản lý dự án./..