Tây Nguyên: Tăng trưởng kinh tế năm 2023 thuộc nhóm thấp của cả nước

Thứ ba, 25/06/2024 08:11
(ĐCSVN) – Sau 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đến nay quy mô kinh tế khu vực này đạt 416,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,01% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 67,58 triệu đồng/người, tăng 15,7% so với năm 2022; cơ cấu kinh tế vùng tiếp tục chuyển dịch tích cực…
Sau 01 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, đến nay quy mô kinh tế (GRDP theo giá hiện hành) vùng Tây Nguyên đạt 416,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,01% GDP cả nước, tăng so với năm 2022.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư(KH&ĐT), ngay sau Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 15/11/2022 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23. Đặc biệt mới đây, ngày 5/5/2024, Thủ tướng đã ký Quyết định số 377/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau 01 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và Nghị quyết số 152/NQ-CP, đến nay quy mô kinh tế (GRDP theo giá hiện hành) vùng Tây Nguyên đạt 416,5 nghìn tỷ đồng, bằng 4,01% GDP cả nước, tăng so với năm 2022; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 67,58 triệu đồng/người, tăng 15,7% so với năm 2022; cơ cấu kinh tế vùng tiếp tục chuyển dịch tích cực.

Cùng với sự phát triển về kinh tế, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách cũng được quan tâm, đã thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; thực hiện chính sách khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường áp dụng cho Dự án cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư và Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1…

Cũng trong thời gian qua, nhất từ từ sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, các hoạt động hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng tại Tây Nguyên tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Trong đó, đáng kể là Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên đã hoàn thành được 16/25 nhiệm vụ. Trong khi đó, với 9 nhiệm vụ còn lại, các bộ, địa phương đang khẩn trương triển khai do đây là các nhiệm vụ cần sự nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan, có thời gian triển khai trong năm tiếp theo.

Du lịch Tây Nguyên mặc dù có những bước phát triển, song về mặt bằng chung thì chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của Vùng.

Tuy nhiên, mặc dù đạt được nhiều kết quả như vừa kể, theo đại diện Bộ KH&ĐT, kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Tăng trưởng kinh tế năm 2023 thuộc nhóm thấp của cả nước và chưa đạt mức bình quân mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030; GRDP bình quân đầu người của vùng còn thấp; Phát triển kinh tế chưa có tính đột phá; Tăng trưởng về nông nghiệp, lâm nghiệp chưa thật sự bền vững; phát triển công nghiệp - xây dựng còn thấp, hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp chưa có nhiều chuyển biến… 

Cạnh đó, du lịch Tây Nguyên mặc dù cũng có những bước phát triển, song về mặt bằng chung thì du lịch của vùng này chưa xứng với tiềm năng, lợi thế; thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc. Cùng với hạn chế này, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2023 ở Tây Nguyên thuộc nhóm thấp của cả nước. Việc thu hút FDI chưa có bước tiến đáng kể. Môi trường kinh doanh của khu vực chưa thật sự hấp dẫn.

Ngoài ra, thể chế liên kết vùng tại Tây Nguyên hiện vẫn chưa đủ tính pháp lý để đảm bảo hiệu lực thực thi. Nguồn vốn đầu tư phát triển còn hạn chế, huy động nguồn lực các địa phương trong vùng còn thấp; hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin kết nối chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, thu nhập của người dân trong vùng còn thấp. Vẫn còn sự chồng lấn, vướng mắc trong quy hoạch khoáng sản…/.

Bài, ảnh: PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực