Tín dụng chính sách góp sức đưa vùng biên giới Đức Cơ khởi sắc

Thứ sáu, 19/07/2024 10:08
(ĐCSVN) - Nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng bào các dân tộc huyện biên giới Đức Cơ, tỉnh Gia Lai có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế. Nguồn vốn tín dụng chính sách trở thành “đòn bẩy” giúp bà con phát triển sản xuất, giảm nghèo và từng bước làm giàu, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới.
 Gia đình ông Rơ Lan Thi ở xã Ia Kêl, huyện Đức Cơ chăn nuôi bò từ vốn tín dụng chính sách. (Ảnh TTXVN).

Đức Cơ là huyện nằm ở phía Tây tỉnh Gia Lai, có vị trí quan trọng trong Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; với Quốc lộ 19 là trục giao thông chiến lược gắn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, trên tuyến hành lang biên giới Việt Nam - Campuchia.

Những ngày giữa tháng 7/2024, chúng tôi đến gia đình bà Ksor Hyơn, dân tộc Gia Rai ở làng Sung Le Kắt, xã Ia Kla được vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện, đầu tư trồng trên 500 cây cà phê và 2 ha điều. Nhờ siêng năng chịu khó nên gia đình đã phát huy hiệu quả nguồn vốn vay. Từ một hộ nghèo, đến nay gia đình đã có kinh tế ổn định. “Tôi được vay vốn để phát triển trồng trọt, mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng, kinh tế gia đình dần ổn định, nuôi các con ăn học chu đáo”- bà Hyơn chia sẻ. Còn gia đình bà Ksor H’Hét ở làng Sung Le Tung, xã Ia Kla vay vốn chuyển đổi nghề cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Năm 2023 được sự quan tâm của NHCSXH, tôi mạnh dạn vay vốn mua 4 con bò sinh sản. Hiện nay bò đã sinh thêm 3 con. Ngoài nguồn thu nhập từ chăn nuôi, tôi còn tận dụng phân bò để bán, ổn định cuộc sống”.

Chúng tôi đến làng Tung, xã Ia Nan là nơi sinh sống của 170 hộ dân, đều là dân tộc Gia Rai. Theo già làng Kso Thi, trước đây, cuộc sống của người dân tộc Ba Na, Gia Rai, Tày, Nùng… ở các xã biên giới gian nan, thiếu thốn lắm, số hộ đủ ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bao năm loay hoay tìm lối thoát nghèo thì được NHCSXH tiếp sức, cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Từ đó, nhiều gia đình trồng cà phê, cao su, hồ tiêu, trồng lúa nước; nhà ít cũng có 3 đến 4 ha, nhà nhiều thì hàng chục héc-ta, thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm. Ông Rơ Châm Khiêm, Bí thư Đảng ủy xã Ia Nan lý giải nguyên nhân thoát nghèo, giàu lên của người dân làng Tung: “Có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là có đồng vốn ưu đãi của NHCSXH hỗ trợ kịp thời, cộng với việc mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã làm “đòn bẩy” mạnh mẽ để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”.

 Cán bộ NHCSXH huyện Đức Cơ kiểm tra vốn TDCS đầu tư trồng cà phê, cây ăn quả.

Ông Nguyễn Văn Diệu, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đức Cơ dẫn chúng tôi thăm một số mô hình phát triển kinh tế từ vốn tín dụng chính sách (TDCS) và cho biết: Điểm nổi bật sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” (gọi tắt là Chỉ thị 40) ở Đức Cơ là được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị. Dòng vốn TDCS đã phát huy tác dụng, trở thành trợ lực quan trọng, trụ cột giảm nghèo, đồng hành với những người nông dân cần cù, có ý chí vươn lên có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ đồng vốn nhân văn.

Đến nay, dư nợ ủy thác toàn huyện Đức Cơ đạt 443,276 tỷ đồng, tăng 276,596 tỷ đồng (bằng 166,9%) so với năm 2014. Đặc biệt, cấp ủy Đảng, chính quyền các xã, thị trấn xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCS. Ông Vũ Mạnh Định, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ cho biết: UBND huyện chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn chủ động rà soát, tổng hợp danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để triển khai cho vay các chương trình TDCS. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục, hồ sơ, giám sát đối tượng vay vốn, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

Ông Trần Ngọc Phận, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện chia sẻ: Những năm qua, NHCSXH huyện đã chủ động, tích cực thực hiện, triển khai các phương án thích ứng linh hoạt, chỉ đạo toàn diện các mặt hoạt động, kịp thời giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách.

Trong điều kiện còn khó khăn nhưng với quyết tâm thực hiện mục tiêu giảm nghèo, hằng năm, chính quyền đã dành một phần ngân sách, ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Từ năm 2015 đến nay, UBND huyện đã chuyển 10,535 tỷ đồng với 231 hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ 45,6 triệu đồng/hộ. Đây là nguồn động viên rất lớn, giúp người dân được vay vốn nhiều hơn, mức đầu tư lớn hơn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 Khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Kết quả sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, huyện Đức Cơ đã có 29.062 hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH. Vốn TDCS đã giúp 2.392 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 698 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 1.981 lao động được tạo việc làm; 44 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng 6.699 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 140 ngôi nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách ổn định cuộc sống. Mỗi năm huyện Đức Cơ giảm trên 3% hộ nghèo. Đến cuối năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo của huyện còn 10,19%. Đến nay, toàn huyện có 3/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bí thư Huyện ủy Đức Cơ Phạm Văn Cường nhận định: Chỉ thị 40 được xem là khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Chính sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của nhân dân đã giúp nguồn vốn chính sách ở huyện không những tăng trưởng nhanh, mà hiệu ứng của đồng vốn vay cũng phát huy tích cực, hỗ trợ thiết thực các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, tô đậm thêm một chủ trương đầy tính nhân văn của Đảng.

Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đức Cơ Nguyễn Văn Diệu chia sẻ, hoạt động TDCS luôn được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp uỷ Đảng, chính quyền, giúp NHCSXH huyện hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng hằng năm. Do đó trong nhiều năm qua, huyện Đức Cơ luôn có tỉ lệ nợ quá hạn thấp, chất lượng tín dụng cao. Nhất là đơn vị đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có đạo đức nghề nghiệp và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự, luôn gần dân, sát dân, tận tụy thực hiện nhiệm vụ với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.

Có thể khẳng định, nguồn vốn nhân văn đã bắc nhịp cầu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho người nghèo và các đối tượng chính sách mà hơn cả là vì sự phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Dòng vốn TDCS đã và đang chảy đều đặn, thấm sâu trong lòng đất, nảy mầm, sinh sôi trên vùng quê biên giới Đức Cơ./.

Đình Tăng- Nguyễn Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực