Giữ mãi cái tâm, cái tình
Thứ năm, 04/04/2013 14:06 (GMT+7)
Thời gian ngỡ mỏng mảnh, vô hình mà tạo nên biết bao đổi thay trong cuộc đời. Và... khi bị cuốn vào vòng xoáy giữa bộn bề đời sống, có lúc ta ngỡ đánh mất đi lý tưởng, hoài bão mình đã từng ấp ủ. Vậy mà, dường như ở con người chị Lê Thị Vượng vẫn giữ mãi cho mình một cái tâm, cái tình mà tôi hằng khâm phục và ước ao.
Năm 1993, khi tôi về nhận công tác, chị Vượng đang là Tổ trưởng Tổ hiệu chỉnh công tơ điện. Ấn tượng đầu tiên trong tôi là chị đẹp. Cái đẹp lặn sâu trong ánh mắt hun hút, khoé miệng, trong khuôn mặt dịu dàng... Nét đẹp lặng thầm mà như kiêu hãnh cứ chực vượt ra khỏi vẻ bề ngoài mộc mạc, chân chất.
Những ngày chập chững vào nghề, chị là người thầy tận tình truyền đạt cho thế hệ trẻ chúng tôi kiến thức, kinh nghiệm mà chỉ có bằng sự trải nghiệm thực tế mới có thể hun đúc nên. Với chị, công việc như thanh nam châm đầy ma lực khó có thể tách rời. Sự say mê ấy lớn đến mức, trong đôi mắt của cô nhân viên mới chập chững vào nghề ngày ấy, ngỡ như thấy có nguồn năng lượng bất tận ẩn trong cái hình hài mảnh mai, gầy guộc mà tôi vẫn thầm so sánh như nhân vật Pavel Corsaghin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy”.
Thời gian qua đi, được chia sẻ, chuyện trò, tôi lại thêm hiểu và kính trọng người chị ấy. Sau ngày giải phóng đất nước, được lệnh điều động từ Thanh Hoá vào, chị tiếp nhận công tác ghi chữ và hiệu chỉnh công tơ đầu tiên của Sở điện lực Quảng Nam- Đà Nẵng cũ (hiện là Công ty điện lực Đà Nẵng). Lúc ấy, trong nước chưa sản xuất được công tơ điện nên rất quý và hiếm, luôn phải sửa chữa, tận dụng các công tơ cũ, hỏng. Giữa khó khăn ấy, chị đã có sáng kiến nên nắn dĩa lượn, những bánh răng bộ số bị cong vênh hay sửa chữa thay thế cuộn dòng bị cháy xém…
Điều quý giá nhất mà chị để lại cho chúng tôi là những bài học về nguyên tắc sống - là tình thương yêu, lòng bao dung, tính kỷ luật, trách nhiệm, niềm đam mê nghề nghiệp và nhất là cái tâm của những người làm công tác kiểm định. |
Làm việc theo phương pháp hiện đại, tôi càng thêm thấu hiểu sự vất vả của người kiểm định viên trong cái thời mà chị phải hì hục, vất vả với những bàn thử thô sơ, với bóng đèn 1.000W để làm tải tiêu thụ rồi lại cùng giấy, bút cặm cụi nhân, chia, cộng, trừ. Trong căn phòng chật hẹp, chiếc quạt trần thổi vù vù làm khô những giọt mồ hôi, vô tình, nó cũng góp phần làm nên “chiến công” đẩy dĩa công tơ quay đều. Đến thăm chị, kể chị nghe câu chuyện xoay quanh chiếc công tơ điện tử cũng là lúc tôi đọc được niềm vui sướng của chị pha lẫn chút tiếc nuối khi không được nếm trải, tiếp cận những thành tựu của hôm nay.
20 năm đi qua, vẫn còn đây một vài gương mặt cũ nhưng giờ đã hằn thêm vết chân chim, có người đã thành bà nội, bà ngoại.
Thời gian trôi nhanh, cuộc sống bận rộn với những lo toan bộn bề, tôi lao vào học tập và làm việc với niềm say mê của chị ngày xưa. Có những lúc, ngỡ như mình muốn ngã quỵ trước những thử thách, khó khăn của cuộc sống thì bản lĩnh và nghị lực sống của chị đã giúp tôi đứng vững. Điều quý giá nhất mà chị để lại cho chúng tôi là những bài học về nguyên tắc sống- là tình thương yêu, lòng bao dung, tính kỷ luật, trách nhiệm, niềm đam mê nghề nghiệp và nhất là cái tâm của những người làm công tác kiểm định. Những giá trị ấy vẫn luôn là kim chỉ nam để chúng tôi hướng theo. Và từ sâu thẳm tâm hồn mình, tôi ngưỡng mộ chị!