Thái Bình vươn lên là điểm đến của nhà đầu tư

Thứ tư, 10/11/2021 22:12
(ĐCSVN) - Trước đây, Thái Bình vốn là tỉnh không được quan tâm trên bản đồ đầu tư do vị trí địa lý và các điều kiện khác không thuận lợi như các tỉnh bạn. Nhưng những năm gần đây, tỉnh Thái Bình đang vươn lên trở thành điểm đến đầu tư của khu vực đồng bằng phía Bắc nói riêng và của cả nước nói chung.
Khu công nghiệp ở Tiền Hải hiện đã thu hút được rất nhiều doanh nghiệp vào đầu tư (Ảnh: thaibinh.gov.vn) 

Trong 10 tháng của năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng việc xúc tiến thu hút đầu tư của tỉnh Thái Bình tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Toàn tỉnh Thái Bình có 68 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm trên 18.000 tỷ đồng; trong đó vốn đăng ký mới gần 16.800 tỷ đồng.

Tỉnh có 5 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký gần 600 triệu USD; trong đó, có 3 dự án FDI quy mô lớn với tổng vốn đăng ký gần 400 triệu USD, cao hơn tổng số vốn FDI đã thu hút đầu tư của cả giai đoạn 2016 - 2020. Trong tháng 10/2021, Cụm công nghiệp An Ninh (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) cũng đã được tổ chức khánh thành và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 nhà đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. Ngoài ra, một số tập đoàn lớn đang nghiên cứu đầu tư vào tỉnh Thái Bình...

Công ty cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ là một trong những nhà sản xuất, xuất khẩu hàng may mặc hàng đầu của Việt Nam. Tân Đệ hiện đang là nhà sản xuất cho các nhãn hàng lớn trên thế giới. Sản phẩm của Tân Đệ đã thâm nhập vào thị trường Mỹ, Canada và đang vươn ra nhiều nước khác ở châu Âu, châu Á. Hoạt động tại tỉnh Thái Bình từ năm 2007, đến nay, Tân Đệ đã xây dựng được 8 nhà máy tại tỉnh với khoảng 17.000 lao động chủ yếu là người địa phương...

Ông Nguyễn Tiến Phương, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ cho biết, vị trí địa lý của Thái Bình rất thuận lợi cho việc sản xuất kinh doanh của công ty. Đi từ Thái Bình ra Hải Phòng chưa hết 1 giờ đồng hồ. Thời gian tới đường ven biển hoàn thành sẽ làm cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa thuận lợi hơn. Mỗi năm, Tân Đệ có cả nghìn chuyến hàng đến Nội Bài và Cảng Hải Phòng. Đến nay, Tân Đệ không có bất cứ khó khăn nào khi vận tải.

Còn bà Trần Thị Kim Anh, Chủ quản nhân sự (Công ty TNHH Quốc tế Molatec tại Khu công nghiệp Phúc Khánh, thành phố Thái Bình) cho biết, Công ty TNHH Quốc tế Molatec thường đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình thực hiện thủ tục cho người nước ngoài gia hạn hợp đồng lao động, giấy phép lao động hay thủ tục thay đổi giấy chứng nhận đầu tư của công ty. Các thủ tục này được Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình nhiệt tình hướng dẫn, giải quyết các thủ tục rất nhanh chóng, không mất nhiều thời gian, đỡ lãng phí cho doanh nghiệp.

Hiện nay, trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Thái Bình có trên 1.200 dịch vụ công được phê duyệt; trong đó, có trên 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; có gần 160 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện; có gần 70 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuộc thẩm quyền UBND cấp xã. Ngoài ra, trên Cổng dịch vụ công của tỉnh Thái Bình còn cung cấp 36 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các đơn vị, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn.

Ông Hà Tiến Thăng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Bình cho biết, việc phát triển dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong thời gian qua được doanh nghiệp đồng tình, đánh giá cao, giúp giảm thời gian, chi phí đi lại và rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tăng tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Đặc biệt trong tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-9 như hiện nay, việc phát triển dịch vụ công trực tuyến giúp doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng đảm bảo phòng chống dịch.

Ông Phạm Tùng Lâm, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết thêm, điều quan trọng là Thái Bình đổi mới cách thức thu hút đầu tư, cách thức đồng hành cùng nhà đầu tư. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2021, trong hoàn cảnh dịch bệnh COVID-19, Thái Bình vẫn thu hút được 3 nhà đầu tư lớn vào Khu kinh tế Thái Bình với tổng mức đầu tư khoảng 400 triệu USD. Điều này thể hiện rằng Thái Bình đã thực sự có cách thức thu hút đầu tư mới, đồng hành cùng các nhà đầu tư trong quá trình triển khai các thủ tục. Trong quá trình triển khai dự án, Thái Bình có những tổ công tác hỗ trợ cho các nhà đầu tư. Với cách làm mới này, các nhà đầu tư đến với Thái Bình sẽ yên tâm việc thực hiện các thủ tục cũng như là các điều kiện để triển khai dự án thuận lợi nhất.

Hiện nay, Thái Bình đang là tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế thu hút đầu tư mà không phải tỉnh nào cũng có. Đặc biệt, tỉnh Thái Bình đã được Chính phủ cho thành lập Khu Kinh tế Thái Bình với rất nhiều ưu đãi, cơ hội để tỉnh đầu tư xây dựng hạ tầng, đầu tư đồng bộ. Khu kinh tế Thái Bình không chỉ là cơ hội của tỉnh Thái Bình mà của cả vùng Đồng bằng Bắc Bộ, bởi ở đây có những chính sách ưu đãi đầu tư hàng đầu. Cùng với các tuyến đường đã đầu tư kết nối với Khu Kinh tế, tỉnh Thái Bình đang tích cực đầu tư hạ tầng đồng bộ, với một số tuyến đường mới để kết nối thuận lợi không chỉ đến Hải Phòng mà với cả Quốc lộ 5B để về Hà Nội, sân bay Nội Bài. Thái Bình xác định việc xây dựng Khu Kinh tế Thái Bình là nhiệm vụ số 1 trong phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là việc thu hút nhà đầu tư vào khu kinh tế này.

 

Sơn Hải
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực