Thứ năm, 18/10/2018 17:19 (GMT+7)
(ĐCSVN) – Chất lượng không khí ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ vẫn không hề được cải thiện khi mà người dân ở các khu vực lân cận Punjab và Haryana tiếp tục đốt rơm rạ bất chấp lệnh cấm.
Việc đốt rơm rạ góp phần làm chất lượng không khí ở New Delhi xấu đi.
(Ảnh: ANI)
Chất lượng không khí ở khu vực đường Lodhi của New Delhi vào sáng 18/10 cho thấy mức độ cao của các chất gây ô nhiễm. Theo Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI), ngày 18/10, loại hạt bụi PM 2.5 ở mức 224 và loại hạt bụi PM 10 ở mức 272. Trong khi đó, AQI trong khoảng từ 0 – 50 được cho là tốt, 100 là mức trung bình, từ 101 đến 200 là mức kém, 201 đến 200 là mức xấu và 301 đến 400 là rất xấu và 401 đến 500 là mức nghiêm trọng.
Những số liệu đo được trong sáng 18/10 đã không thay đổi kể từ 9 giờ 52 phút tối 17/10. Chất lượng không khí ở một số thành phố miền Bắc Ấn Độ như sau: Gurugram (252), Lucknow (247), Kanpur (247), Agra (236),và Patna (209) đều ở mức xấu.
Nông dân quanh khu vực Delhi cho rằng, họ không có các phương án khả thi hơn việc đốt rơm rạ. Đốt rơm rạ giúp dọn sạch ruộng đồng trước khi bắt đầu mùa vụ mới. Họ cũng cho rằng các hoạt động công nghiệp và phương tiện giao thông là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí.
Tòa án Xanh Quốc gia Ấn Độ đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt về việc đốt rơm rạ. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí, cơ quan này đã thông qua một số tiền lớn cho các công cụ và công nghệ hiện đại để giải quyết vấn đề này.
Trong khi đó, Hội đồng Kiểm soát Ô nhiễm Trung ương Ấn Độ cho biết, có nhiều yếu tố dẫn đến suy giảm chất lượng không khí, bao gồm ô nhiễm từ các phương tiện xe cộ, các hoạt động xây dựng và các yếu tố khí tượng. Cơ quan này đã triển khai 41 đội để giám sát việc thực hiện các biện pháp nhằm giảm ô nhiễm không khí.
Thủ đô New Delhi là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện vấn đề này. Tuy nhiên, ô nhiễm không khí vẫn là vấn đề nan giải tại quốc gia châu Á này. Ô nhiễm không khí được xác định là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh phổi, tim mạch và các bệnh hô hấp cấp tính, sinh non…/.
Kiều Giang (theo NDTV, The Economic Times)